BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ấp Lộc Tân: Người dân kéo điện theo kiểu tự phát

Cập nhật ngày: 24/06/2009 - 11:36

Hàng trụ điện ở tổ 36 đã được trồng trên bờ kênh

Cách khu dân cư không xa, nhưng nhiều năm nay, người dân hai tổ 31 và 36 của ấp Lộc Tân (xã Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu) phải sống trong cảnh đèn dầu leo lét. (Cuối năm 2008, Báo Tây Ninh, Đài PTTH Tây Ninh đã có bài phản ánh về tình trạng này). Chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên và ngành chức năng đã cử người xuống khảo sát, nhưng người dân chờ đợi hoài mà vẫn không thấy khởi công kéo điện. Quá bức xúc, một số hộ dân ở tổ 36 đã rủ nhau hùn tiền mua dây, trồng trụ chuẩn bị kéo điện sử dụng. Người dân ở tổ 31 cũng đang chuẩn bị làm theo. Điều đáng nói là cách làm tự phát này sẽ vi phạm nghiêm trọng đến việc bảo vệ an toàn công trình thuỷ lợi lòng hồ Dầu Tiếng.

Ông Nguyễn Văn Hùng, trưởng ấp Lộc Tân dẫn chúng tôi ra một bờ kênh nhỏ ở tổ 36 và chỉ cho thấy một hàng cột xi măng, mỗi cây cao 4 mét đã được trồng thẳng đứng trên bờ kênh. Trên các đầu cột, dây điện cũng đã được kéo thẳng tắp, chỉ cần chờ đấu nối vào mạng điện lưới quốc gia ở đầu bờ kênh là có điện sử dụng. Bà Nguyễn Thị Khoắc, 54 tuổi, một trong 5 người hùn tiền kéo đường dây điện này cho biết: “Trước đây nhà tôi xài chung đường điện của một gia đình ngoài đầu xóm. Nhưng hơn 2 tháng nay gia đình tôi bị cắt điện. Không có điện xài bức bối quá nên tôi mới rủ thêm 4 gia đình khác nữa hùn tiền kéo đường dây điện này. Mỗi hộ đóng góp vô khoảng 3,5 triệu đồng để mua 23 cây trụ xi măng, dây và đồng hồ. Các cây trụ điện đã trồng được khoảng 1 tháng nay, với chiều dài khoảng 700 mét. Hiện nay, còn hơn 10 gia đình khác ở xóm trong cũng xin sử dụng chung với đường điện này, nhưng chúng tôi chưa đồng ý vì sợ nhiều người xài quá điện sẽ yếu”.

Chị Nguyễn Thị Châu, 40 tuổi cũng là người hùn tiền vô điện, chị tâm sự: “Bao đời nay, chúng tôi ở đây không biết đến điện là gì. Không có điện con cái học hành không bằng ai, không xem được truyền hình nên cả nhà không biết gì về thời sự. Chờ Nhà nước kéo điện thì không biết đến bao giờ mới có. Vì vậy tôi vay 4 triệu đồng với lãi suất mỗi tháng phải đóng là 200.000 đồng để hùn vào kéo điện về xài”.

Thấy bà con ở tổ 36 kéo điện, 12 hộ dân ở tổ 31 cũng muốn làm theo. Họ thống nhất kéo điện với hai phương án. Thứ nhất, cả 12 hộ đồng loạt làm đơn xin vay tiền ngân hàng để vô điện cùng một lượt. Thứ hai, nếu ngân hàng không cho vay thì 12 hộ hùn tiền lại với nhau kéo đường dây điện về rồi bốc thăm theo kiểu “Góp vốn xoay vòng”, hộ nào được số trước sẽ vô trước, hộ nào trúng số sau thì vô sau. Bảo đảm từ nay đến cuối năm cả 12 hộ đều có điện sử dụng. Vấn đề còn lại là nhờ chính quyền địa phương làm công tác tư tưởng với những hộ có đường dây điện đi qua để họ đồng ý cho kéo điện và can thiệp với Công ty TNHH một thành viên Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng cho phép trồng trụ điện trên phần đất thuỷ lợi của một đoạn kênh Đông.

Với phương án hai này, không biết chính quyền địa phương có đồng ý hay không, nhưng theo chúng tôi thì cách làm này rất nguy hiểm. Kênh Đông mùa này nước đang đầy ắp, nếu có lực tác động mạnh có thể dẫn đến vỡ kênh và hậu quả khôn lường có thể xảy ra. Khát khao có điện để sinh hoạt, sản xuất của người dân ấp Lộc Tân là chính đáng, nhưng với cách làm mang tính tự phát như thế rất đáng ngại. Mong rằng ngành Điện lực cũng nên quan tâm để giúp đỡ bà con nơi đây sớm có điện sử dụng mà không vi phạm các quy định về an toàn lưới điện.

DƯƠNG HOÀNG TRƯƠNG