Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Có một điểm chung, các khu đất này đều được cắm cọc phân ra thành từng lô, mỗi lô có chiều ngang 5m và khi được “nhà đầu tư” rao bán đều quảng cáo là đất nền khu dân cư nên nhiều người tưởng thật. Thế nhưng trong thực tế, những khu đất này chỉ có mỗi con đường, hàng cột điện, còn hệ thống thoát nước, thu gom nước thải chẳng có “nhà đầu tư” nào quan tâm.
Một khu đất xin mở đường nội bộ trước đây theo Quyết định 04/2016/QĐ-UBND. Sau đó, chủ đất quảng cáo bán đất nền và đã bị UBND xã Phước Đông, huyện Gò Dầu yêu cầu tháo bỏ các tấm pa-nô.
Quyết định 04/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh quy định về hạn mức giao đất, hạn mức công nhận quyền sử dụng đất, diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Tây Ninh được ban hành ngày 29.2.2016 nhằm bảo đảm việc tách thửa đất của các tổ chức, cá nhân được thuận tiện, đúng quy định của pháp luật.
Thế nhưng, không ít đối tượng đã lợi dụng sự thông thoáng của Quyết định 04/2016/QĐ-UBND để tự ý phân lô, bán nền đất. Mặc dù UBND tỉnh đã kịp thời có những bước chấn chỉnh, cũng như ban hành Quyết định 15/2019/QĐ-UBND ngày 26.4.2019 để ngăn chặn tình trạng trên. Thế nhưng những khu đất đã được phân lô, bán nền thông qua “kẽ hở” của Quyết định 04 trước đây, trở thành khu dân cư tự phát, áp lực hạ tầng là vấn đề nhiều người quan tâm.
“Treo đầu dê, bán thịt chó”
Phần lớn các khu dân cư tự phát xuất hiện sau khi chủ đất xin tự nguyện... mở đường trong khu đất. Được cơ quan chức năng có thẩm quyền chấp thuận, các “nhà đầu tư” vội vã thi công, kéo điện vào cho giống khu dân cư được đầu tư bài bản, trong khi giấy chứng nhận QSDĐ của những thửa đất ở khu vực này vẫn do cá nhân đứng tên chứ không phải có dự án khu dân cư. Có khu, đường xin mở được tráng bê tông xi măng, nhưng cũng có khu, được đầu tư khá hoành tráng, đổ bê tông nhựa hẳn hoi. Thậm chí, có “nhà đầu tư” tự nguyện làm hồ sơ thiết kế xin ngành chức năng nâng cấp đoạn đường bê tông nhựa đến vị trí khu đất để nâng cao giá trị.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp, có thể do “nhà đầu tư” kém năng lực, đường nội bộ trong khu đất chỉ được rải đá mi hoặc đá 1x2, cột điện được trồng tạm bợ, vậy là khu đất có nguồn gốc là đất nông nghiệp trước đây trồng cao su, hoa màu được “hô biến” thành khu dân cư. Và điều quan trọng nhất, đất vẫn do cá nhân đứng tên, ai có nhu cầu họ sẽ bán, cơ quan có thẩm quyền khó yêu cầu các cá nhân này phải làm đúng thủ tục sang nhượng phần nền giống như các dự án khu dân cư đã được phê duyệt. Cũng chính vì lý do này nên các “nhà đầu tư” mạnh dạn quảng cáo theo kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó”: bán đất nền dự án, sổ hồng riêng biệt, pháp lý rõ ràng…
Có một điểm chung, các khu đất này đều được cắm cọc phân ra thành từng lô, mỗi lô có chiều ngang 5m và khi được “nhà đầu tư” rao bán đều quảng cáo là đất nền khu dân cư nên nhiều người tưởng thật. Thế nhưng trong thực tế, những khu đất này chỉ có mỗi con đường, hàng cột điện, còn hệ thống thoát nước, thu gom nước thải chẳng có “nhà đầu tư” nào quan tâm.
Hậu quả tất yếu
Một người dân xã Phước Đông, huyện Gò Dầu bức xúc, không ở đâu xa, ngay tại địa phương cũng có vài khu dân cư kiểu đó.
Những năm qua, xã Phước Đông phát triển nhanh, chỉ riêng vấn đề rác thải sinh hoạt của người dân cũng còn nhiều bất cập, dù địa phương rất chú trọng công tác tổ chức thu gom. Đó là chưa kể, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, các tuyến đường thiếu hệ thống thoát nước nên xảy ra tình trạng ngập cục bộ.
Ở những khu dân cư tự phát, mỗi lô đất chỉ có chiều ngang 5m, nằm san sát. Khi nhà cửa mọc lên dày đặc, khu đất được bê tông hoá, nước mưa, nước thải sinh hoạt của các hộ dân không có lối thoát. Có một điều chắc chắn rằng, sau khi bán xong đất, khó mà buộc các “nhà đầu tư” phải có trách nhiệm đối với cơ sở hạ tầng của các khu dân cư tự phát này.
Ông Trương Văn Rưa- Chủ tịch UBND xã cho biết, trên địa bàn có một số khu đất người chủ đất xin “hiến” đất làm đường theo Quyết định 04 trước đây; đường đổ bê tông nhựa từ đường chính vào, trên những con đường nội bộ, địa phương đã kiểm tra nhưng thấy được cơ quan chức năng chấp thuận nên không có ý kiến gì do không có thẩm quyền.
Trước tình trạng tự ý phân lô, bán nền ngày càng gia tăng, chính quyền xã cũng thường xuyên kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh. Mới đây, khi hay tin một khu đất cũng xin mở đường nội bộ theo Quyết định 04 trước đây, quảng cáo là dự án khu dân cư, xã đã yêu cầu chủ đất tháo bỏ các tấm pa-nô quảng cáo trái phép, không để “lập lờ” tình trạng rao bán đất dự án “ma”.
Ông Rưa thừa nhận, ông và chính quyền địa phương nhận thấy áp lực hạ tầng khi có các khu dân cư này, khó mà giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt, thu gom nước thải, thoát nước mưa.
Một lãnh đạo UBND xã Phước Thạnh, huyện Gò Dầu cho biết, hiện nay, do dân cư còn ít nên áp lực hạ tầng vẫn chưa thực sự bộc lộ. Nhưng chắc chắn rằng, trong tương lai, đây là vấn đề mà địa phương cần phải quan tâm.
Rõ ràng tình trạng “hiến” đất làm đường để phân lô, bán nền đã được tỉnh chấn chỉnh kịp thời, nhưng hệ luỵ của nó là vấn đề áp lực cơ sở hạ tầng trong tương lai chắc chắn sẽ do xã hội gánh chịu. Quyết định số 15/2019QĐ-UBND của UBND tỉnh quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Tây Ninh chính thức có hiệu lực vào ngày 6.5. Cũng từ thời điểm này, tình trạng lợi dụng việc xin “hiến” đất làm đường để phân lô, bán nền chấm dứt, các đối tượng “đầu cơ” phải thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật theo Quyết định 15/2019/QĐ-UBND. Thị trường bất động sản ở tỉnh hiện nay gần như trở lại đúng với giá trị của nó, không còn tình trạng sốt giá “ảo” như thời gian trước.
Thế Nhân
Quy định về tách thửa đối với đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp đã được quy hoạch sử dụng đất là đất ở để xây dựng nhà ở: a) Thửa đất có diện tích nhỏ hơn 500m2 Trường hợp các thửa đất sau khi tách thửa tiếp giáp với đường giao thông hiện trạng được thể hiện trên bản đồ địa chính thì được tách thửa theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này. Trường hợp các thửa đất đề nghị tách thửa không tiếp giáp với đường giao thông hiện trạng thì người sử dụng đất phải lập bản vẽ thiết kế mặt bằng tổng thể được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Diện tích tối thiểu, kích thước thửa đất thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này và bản vẽ thiết kế mặt bằng tổng thể được phê duyệt; xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đấu nối đường giao thông hiện hữu trước khi thực hiện thủ tục tách thửa. Phần diện tích được sử dụng chung (đường giao thông, cấp thoát nước, đường điện) theo bản vẽ thiết kế mặt bằng tổng thể do Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Uỷ ban nhân dân cấp xã) quản lý. b) Thửa đất có diện tích từ 500m2 đến 2.000m2 Trước khi thực hiện tách thửa đất người sử dụng đất phải lập bản vẽ thiết kế mặt bằng tổng thể được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Diện tích tối thiểu, kích thước thửa đất thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này và bản vẽ thiết kế mặt bằng tổng thể được phê duyệt; xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật đấu nối đường giao thông hiện hữu trước khi thực hiện thủ tục tách thửa đất. Phần diện tích được sử dụng chung (đường giao thông, cấp thoát nước, đường điện) theo bản vẽ thiết kế mặt bằng tổng thể do Uỷ ban nhân dân cấp xã quản lý. c) Thửa đất có diện tích trên 2.000m2 Người sử dụng đất phải thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (nếu có) và các quy định khác có liên quan đến đầu tư, xây dựng trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước khi thực hiện thủ tục tách thửa đất. (Theo Quyết định 15/2019/QĐ-UBND ngày 26.4.2019 của UBND tỉnh) |