|
Giám
đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tây Ninh, ông Vương Quốc
Thới đã chủ trì Hội nghị |
(BTNO)
- Trước áp lực thu hoạch mía cuối vụ gia tăng, sáng
3.3, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tây Ninh, ông Vương Quốc
Thới đã chủ trì Hội nghị bàn giải pháp tiêu thụ mía cuối vụ 2010 – 2011.
Tham dự Hội nghị có đại diện UBND
và Phòng NN&PTNT các huyện Tân Châu, Tân Biên, Dương Minh Châu, Châu Thành, Bến
Cầu; đại diện Công ty cổ phần mía đường Bourbon Tây Ninh, Nhà máy đường Biên Hoà
Tây Ninh và Công ty cổ phần đường Nước Trong.
Theo Sở NN&PTNT, vụ 2010 – 2011,
diện tích vùng nguyên liệu các nhà máy đã ký hợp đồng đầu vụ và bao tiêu là
25.478 ha, năng suất mía bình quân 70 tấn/ha. Tính đến thời điểm này, các nhà
máy đường trên địa bàn tỉnh đã hoạt động gần hết vụ với sản lượng mía đưa ép
được hơn 1,2 triệu tấn mua cây, sản xuất được gần 113.440 tấn đường. Ước sản
lượng còn lại khoảng 395.000 tấn mía cây với diện tích chưa thu hoạch là 5.642
ha.
Tuy nhiên do năm nay thời tiết khô
hạn sớm, dẫn đến độ ẩm trong đất không đủ khiến mía càng khô nhanh. Nhiều diện
tích mía trồng mới vụ hè thu 2010, xuống giống tháng 6.2010 đến nay cũng đã vào
giai đoạn khô. Tình trạng mía chín tập trung và khô nhanh bất thường so với các
năm trước đã dẫn đến áp lực thu hoạch của bà con nông dân tăng cao suốt vụ chế
biến.
Nhu cầu quá lớn, trong khi công
suất của các nhà máy không thể tăng hơn, không thể đáp ứng hết, nên đã có tình
trạng nhiều hộ nông dân tự ý thu hoạch mía chở về nhà máy, hoặc tự đốt mía gây
áp lực thu hoạch để buộc nhà máy phải tiếp nhận. Tính đến thời điểm này, diện
tích mía bị cháy hơn 3.555,88 ha, tăng 437,48 ha (14%) so với diện tích mía cháy
vụ 2009 – 2010. Khối lượng mía cháy là 265.458,35 tấn, tăng 84,8% lượng mía ép
toàn vụ.
|
Đại diện Phòng NN&PTNT Tân Châu phát
biểu. |
Theo phản ánh của đại diện Phòng
NN&PTNT các huyện, thị, trước tình hình này, đã có nhiều nông dân bắt đầu “chán”
cây mía, chuyển sang trồng mì hoặc các loại cây trồng khác. Nguy cơ diện tích
mía ở niên vụ sau sẽ bị thu hẹp.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tán
thành giải pháp tiêu thụ mía đến cuối vụ 2010 – 2011 do Sở NN&PTNT đề xuất. Theo
đó, kiến nghị UBND tỉnh, các ngành Công an, Giao thông Vận tải và Công thương có
giải pháp nhằm hạn chế tình trạng vận chuyển nguồn nguyên liệu mía ra khỏi tỉnh,
gây thiệt hại cho đầu tư của các nhà máy đường.
Các nhà máy đường cần phải thực
hiện tốt việc tuyển chọn, áp dụng nhanh các giống mua chất lượng tốt, phù hợp
cho từng vùng. Bố trí cơ cấu giống mía rải vụ, làm giảm áp lực trong thu hoạch,
đáp ứng đủ nguyên liệu cho đầu vụ và cuối vụ ép… Hướng dẫn người trồng mía áp
dụng các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất, thâm canh, nâng cao năng suất.
Để có vùng nguyên liệu mía ổn
định, các nhà máy đường cần quan tâm hơn nữa trong việc chia sẻ lợi ích với
người trồng mía, khi giá đường tăng cần điều chỉnh ngay giá thu mua mía. Có
chính sách đầu tư phù hợp để hỗ trợ vốn cho người trồng mía.
Tổ chức tốt hệ thống thu mua, vận
chuyển mía tới nhà máy; có cơ chế thu mua linh hoạt: mua mía tại bàn cân nhà máy
(với người trồng mía có điều kiện vận chuyển), mua mía tại ruộng (với người
trồng mía không tự vận chuyển được). Các nhà máy đường ký hợp đồng thu mua vụ ép
2010 – 2011 với giá sàn đảm bảo lợi ích người trồng mía để họ yên yên tâm đầu
tư, đảm bảo ổn định năng năng suất, sản lượng mía…
Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng
nhấn mạnh rằng, cần phải gấp rút tổ chức một hội nghị có sự tham gia của chính
quyền, nhà máy và nông dân để tìm “tiếng nói chung” trong việc đưa ra giải pháp
tiêu thụ mía cuối vụ 2010 – 2011, chấn chỉnh những tồn tại của niên vụ này nhằm
tránh tình trạng áp lực thu hoạch mía cuối vụ như hiện nay.
Đ. Hoàng Thái