BAOTAYNINH.VN trên Google News

Áp thấp nhiệt đới xuất hiện ở biển Đông 

Cập nhật ngày: 02/07/2019 - 08:37

Chiều 1/7, vùng áp thấp ở phía đông bắc quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam) đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, 15h chiều nay, tâm áp thấp nhiệt đới cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 280 km về phía đông bắc, sức gió mạnh nhất 50 km/giờ, cấp 6, giật tăng hai cấp. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 70 km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới.

Đêm nay và sáng mai, áp thấp nhiệt đới theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5-10 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 15h ngày 2/7, tâm áp thấp nhiệt đới cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 80 km về phía đông, sức gió mạnh nhất 60 km/giờ, cấp 7, giật tăng hai cấp.

Vùng nguy hiểm trên biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên) là phía bắc vĩ tuyến 17, phía đông kinh tuyến 110. 

Dự báo đường đi và khu vực ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Ảnh: NCHMF

Dự báo hai ngày tới, áp thấp nhiệt đới theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 13 km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 15h ngày 3/7, tâm bão ở phía bắc vịnh Bắc Bộ, sức gió mạnh nhất 75 km/giờ, cấp 8, giật tăng ba cấp. 

Cơ quan khí tượng cảnh báo, với việc hình thành, phát triển ngay trên biển Đông trong thời gian ngắn, kết hợp các yếu tố như nhiệt độ bề mặt nước biển cao, tương tác với hệ thống thời tiết ở lục địa nên diễn biến của áp thấp nhiệt đới/bão sẽ phức tạp, có khả năng di chuyển về phía đất liền Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ trong khoảng ngày 3-4/7.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa tây nam, đêm nay và ngày mai 2/7 vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và nam biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa giông, gió tây nam mạnh cấp 5-6, sóng biển cao 2-3 m.

Năm nay áp thấp nhiệt đới đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm khoảng một tháng. Thường từ cuối tháng 5, đầu tháng 6 miền Bắc và Bắc Trung Bộ đón bão hoặc áp thấp nhiệt đới, gây mưa lớn, sạt lở đất. Năm nay, mưa ít hơn, nắng nóng ở miền Trung kéo dài, gây cháy rừng, khô hạn.

Nguồn VNE