Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
APEC 2018 không ra Tuyên bố chung – Vì đâu nên nỗi?
Thứ tư: 15:12 ngày 21/11/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Lần đầu tiên trong lịch sử 25 năm, Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) đã kết thúc mà không ra được tuyên bố chung. Nguyên nhân được cho là do bất đồng trong nhiều vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc.

Khẩu chiến nảy lửa

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tại APEC 2018. Ảnh: CNN

Theo một nguồn tin tại hội nghị, toàn bộ 21 nhà lãnh đạo APEC tại Papua New Guinea đều ủng hộ thỏa thuận, trừ Trung Quốc. Trung Quốc và Mỹ đã không thể đồng ý với nhau về một vài câu từ trong dự thảo tuyên bố chung. Papua New Guinea cho rằng vấn đề tranh cãi là Mỹ yêu cầu các lãnh đạo APEC ra tuyên bố phản đối Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và kêu gọi cải tổ toàn diện tổ chức này, trong khi với Trung Quốc, đây là đòi hỏi quá mức.

Do đó, thay vì ra một Tuyên bố chung như tất cả các hội nghị APEC trước đây, sẽ chỉ có một tuyên bố từ Chủ tịch APEC là Thủ tướng nước chủ nhà Papua New Guinea.

APEC 2018 diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ đang vướng vào cuộc chiến thương mại với những đòn ăn miếng trả miếng áp thuế cao lên hàng hóa trị giá hàng tỷ USD của nhau suốt nhiều tháng qua. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump liên tục cáo buộc Trung Quốc hành xử không công bằng trong thương mại để giải thích cho các mức thuế cao áp lên số hàng hóa trị giá 250 tỷ USD.

Hồi tháng 5, Nhà Trắng nói: “Trong nhiều năm, Trung Quốc đã theo đuổi những chính sách công nghiệp và thực hành thương mại không công bằng để hỗ trợ công ty Trung Quốc và khiến nhiều công ty Mỹ không thể cạnh tranh trên sân chơi bình đẳng”.

Tại diễn đàn APEC, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tới dự thay cho Tổng thống Trump đã thẳng thừng chỉ trích: “Trung Quốc đã lợi dụng Mỹ nhiều năm rồi và những ngày đó không còn nữa”. Ông Pence khẳng định Mỹ sẽ không xuống thang chiến tranh thương mại với Trung Quốc trừ khi nước này thay đổi.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại APEC. Ảnh: CNN

Phó Tổng thống Pence cũng chỉ trích Trung Quốc vì nước này cho các nước đang phát triển ở Thái Bình Dương và các khu vực khác vay nợ nhiều. Ông nói: “Điều khoản các khoản vay thường không rõ ràng. Các dự án họ hỗ trợ thường không bền vững và chất lượng kém. Khoản vay thường kèm với điều kiện và dẫn tới nợ nần chồng chất”.

Đáp trả lại Mỹ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: “Lời khuyên của chúng tôi dành cho nước có liên quan là thay vì chỉ ngón tay vào người khác, tốt hơn hết là nên nói và làm nhất quán, đồng thời đối xử với mọi quốc gia, dù lớn hay nhỏ, một cách công bằng”. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói: “Không có quốc gia đang phát triển nào gặp khó khăn về nợ nần vì hợp tác với Trung Quốc. Trái lại, hợp tác với Trung Quốc giúp họ nâng cao năng lực tự phát triển và cải thiện kế sinh nhai cho người dân”.

Về phần mình, trong bài phát biểu tại APEC ngày 17/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh cần có thương mại và hợp tác toàn cầu, rằng mọi sự khác biệt có thể được giải quyết thông qua tham vấn. Ông Tập Cận Bình nói: “Lịch sử đã chỉ ra rằng đối đầu, dù ở dạng chiến tranh lạnh, chiến tranh nóng hay chiến tranh thương mại đều không có ai là người thắng cuộc”. Ông cũng chỉ trích chủ nghĩa bảo hộ thương mại “Nước Mỹ trên hết”, cho rằng đó là cách tiếp cận thiển cận và sẽ thất bại.

Cái kết buồn cho APEC 2018

Mâu thuẫn và xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất APEC Mỹ và Trung Quốc chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc Hội nghị Cấp cao APEC lần đầu tiên trong lịch sử không ra được Tuyên bố chung. 

Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC chụp ảnh chung tại Hội nghị Cấp cao APEC ở Port Moresby, Papua New Guinea, ngày 18/11/2018. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc có một bài bình luận ra ngày 19/11, nói rằng việc APEC lần đầu tiên không ra được một tuyên bố chung cũng “không phải là vấn đề lớn”. Tuy nhiên, với một diễn đàn qui mô lớn gồm 21 nền kinh tế thành viên, đóng vai trò là “cầu dao tự động” đối với các vấn đề tài chính, kinh tế lớn của khu vực và thế giới, sự kiện này dường như là một chuyện lớn. Từ khi thành lập năm 1989 tới nay, chưa kỳ họp APEC nào lại có cái kết tồi tệ, có thể gọi là thất bại như APEC năm 2018.

Thủ tướng Papua New Guinea, ông Peter O’Neill, cũng phải thừa nhận thất bại: “Bạn biết đó, có hai người khổng lồ trong một căn phòng. Tôi có thể nói gì nữa đây?”

Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã khiến cho cộng đồng quốc tế không thể quyết định một số vấn đề kinh tế, thương mại quan trọng nhất thời đại. Diễn đàn APEC năm nay được kỳ vọng có thể là nơi tháo ngòi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, dù cho kỳ vọng này là quá cao. Thế nhưng, không những không làm giảm, dù chỉ một chút căng thẳng, mà mọi thứ giữa hai nước còn tồi tệ hơn khi APEC tổ chức tại thủ đô Port Moresby trở thành “đấu trường” của quan chức Mỹ và Trung Quốc.

Theo tờ Australian Financial Review, cả Mỹ và Trung Quốc đã làm ảnh hưởng tới cân bằng khu vực trong vấn đề an ninh, thương mại và thịnh vượng – vốn được duy trì suốt hàng chục năm qua. Mặc dù là tập hợp của 21 nền kinh tế lớn nhỏ khác nhau với tầm nhìn khác nhau, thể chế khác nhau, nhưng APEC chưa bao giờ không thể ra được một tuyên bố chung. APEC luôn là nơi để các nền kinh tế thể hiện tinh thần cầu thị, hợp tác đa phương, hướng tới lợi ích chung và nâng cao tầm vóc của quốc gia chủ nhà. Thế nhưng, tranh cãi Mỹ-Trung đã khiến phương châm chung này của APEC sụp đổ.

Đất nước thiệt thòi nhất vẫn là chủ nhà Papua New Guinea, một quốc đảo nghèo nhỏ bé đã phải huy động nhân lực, vật lực khổng lồ để tổ chức sự kiện diễn ra trong hai ngày. Papua New Guinea hi vọng sự kiện sẽ nâng tầm đất nước về mặt ngoại giao. Nhưng kết quả là họ lại được thế giới nhớ đến là nơi mà APEC lần đầu tiên chịu thất bại lịch sử. Thủ tướng O’Neill dường như tiếc nuối vì giá mà thông tin về WTO không bị đưa ra trong bản thảo tuyên bố chung thì có thể không có thất bại này. Ông nói: “APEC không có quyền gì với WTO. Vấn đề này có thể được đề cập tại WTO”, chứ không phải là APEC.

Một số nhà phân tích cho rằng thất bại của APEC 2018 cho thấy các diễn đàn quốc tế tương tự không còn phù hợp. Tuy nhiên, nhận định này dường như phiến diện vì thiếu các diễn đàn quốc tế hay hội nghị thượng đỉnh, các quốc gia sẽ không có nơi để chia sẻ, gắn kết, tạo dựng niềm tin, giải quyết bất đồng trong một thế giới thay đổi liên tục.

Trường hợp APEC 2018 có thể chỉ là thất bại “ngoại lệ” và mang tính thời điểm vì được tổ chức ngay lúc Mỹ và Trung Quốc đang ở giai đoạn mâu thuẫn gay gắt nhất, mà APEC lại chỉ là một nơi để họ thể hiện mâu thuẫn đó, rồi làm ảnh hưởng tới cả một diễn đàn uy tín lâu nay.

Nguồn Báo Tin tức

data:
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục