BAOTAYNINH.VN trên Google News

Apple và Amazon tham vọng phủ sóng vạn vật 

Cập nhật ngày: 03/10/2019 - 08:49

Giao thức kết nối mới của Apple và Amazon hứa hẹn giúp xác định vị trí của mọi thiết bị, loài vật và con người ở trong, ngoài ngôi nhà.

Trong sự kiện Alexa and Echo ở Seattle (Mỹ) tuần này, CEO của Amazon là Jeff Bezos giới thiệu loa Echo Studio với lời mời gọi: "Đây là sản phẩm tuyệt vời mà nhóm chúng tôi tạo ra. Sản phẩm trong tầm giá 200 USD nhưng vượt trội so với nhiều mẫu tầm giá 500 USD".

Điểm khác biệt lớn nhất của loa Echo studio so với nhiều thiết bị khác trên thị trường là khả năng kết nối. Amazon tích hợp cho loa giao thức kết nối Sidewalk sử dụng băng tần tầm trung cho phạm vi phủ sóng rộng, tiết kiêm năng lượng và chi phí thấp. Hãng còn ứng dụng công nghệ kết nối mới vào vòng đeo cổ cho chó có tên Ring Fetch ra mắt năm sau. Thiết bị phát ra cảnh báo khi thú cưng của chạy ra khỏi vườn quanh nhà. "Người ta vẫn chưa nhận ra được tầm quan trọng của băng tần này trong tương lai", một đại diện của hãng khi ấy úp mở.

Cách đây không lâu, Apple cũng giới thiệu sơ qua về chip U1 trên các mẫu iPhone 11 mới ra mắt. Chip này cho phép hiển thị chính xác vị trí các thiết bị trong nhà cũng như hỗ trợ cho việc chia sẻ dữ liệu qua AirDrop một cách chủ động và trực tiếp khi chĩa các mẫu iPhone mới về phía nhau. Apple gọi công nghệ mới là "GPS trong phòng khách nhà bạn" và đặt nó ở trên website sản phẩm thay vì quảng bá trong sự kiện ra mắt.

Apple và Amazon đang đối đầu trên đấu trường mới. Ảnh: Wired.

Tham vọng phủ sóng mọi nơi

Việc Amazon và Apple trở nên khiêm tốn trước các công nghệ mới cho thấy cả hai đều đang bắt tay vào nhiệm vụ mở rộng phạm vi quản lý kết nối của thiết bị nhưng ở phạm vi khác nhau. Trong khi Sidewalk của Amazon sử dụng băng tần 900MHz vốn quen thuộc ở các trạm phát thanh nghiệp dư cũng như dịch vụ cấp cứu để xác định vị trí thiết bị ngoài phạm vi ngôi nhà, chip U1 của Apple lại tích hợp băng tần siêu rộng tầm gần để xác định vị trí thiết bị ở trong nhà. Nếu kết hợp hai khả năng lại với nhau, Apple và Amazon có thể biết được vị trí của mọi thứ.

Theo Daniel Rausch, Phó giám đốc mảng smarthome của Amazon, các thiết bị thuộc dòng Ring của họ đã và đang sử dụng phiên bản nội bộ của giao thức Sidewalk cả trên băng tần 900 MHz miễn phí và chưa được cấp phép. "Chúng tôi bất ngờ khi tạo ra được một phiên bản an toàn của giao thức Sidewalk có độ phủ rộng không tưởng nếu kết hợp tất cả lại với nhau", ông cho biết.

Trong một bài kiểm tra, hãng đã gửi 700 thiết bị tích hợp Sidewalk cho các nhân viên của mình ở Los Angeles (Mỹ). Nhờ việc mỗi thiết bị có khả năng phủ sóng từ 500 m đến hơn 1,5 km, Amazon về cơ bản có thể "phủ sóng nơi mọi người sống ở Los Angeles". Hãng không công bố cụ thể những thiết bị nào đang được áp dụng công nghệ Sidewalk nhưng những sản phẩm thuộc dòng Ring như chuông cửa có video, camera an ninh, router và các thiết bị dòng Echo đều là ứng cử viên khả thi.

Amazon tham vọng trong tương lai, Sidewalk sẽ được tích hợp vào các cảm biến tưới nước trồng rau, hòm thư hay thời tiết. Thậm chí, hãng còn mong mỏi giao thức mới sẽ giúp theo dõi trẻ em, người già và các robot giao hàng Scout của mình trong tương lai.

Thiết bị mới của Amazon giúp người dùng quản lý thú cưng. Ảnh: Lifewire.

Về phần mình, Apple bị Amazon lấn át trong lĩnh vực sản xuất các thiết bị smarthome bởi các thiết bị HomeKit của hãng có khả năng tương tích kém với những phần cứng của hãng thứ ba. Tuy vậy, thương hiệu này lại có thế mạnh về việc kiểm soát chặt chẽ về các phần mềm, dịch vụ trên iPhone cũng như các giải pháp tương tác không dây như Bluetooth iBeacon. Các thiêt bị tương lai của Apple như kính thực tế tăng cường và iPhone có thể cùng được tích hợp chip U1, cho phép người dùng thu được vị trí chính xác của các vật thể trong đời thực trên giao diện thực tế ảo.

Tương lai biết vị trí của vạn vật còn xa

Dave Limp, đại diện của Amazon, cho biết Sidewalk mới chỉ đang phát triển ở những giai đoạn sơ khai. Trong khi đó, Apple vẫn chưa công bố đối tác cho các giải pháp định vị thiết bị trong nhà.

Nguồn tin cho biết, các vấn đề liên quan đến quyền riêng tư gây tranh cãi trong những năm gần đây khiến nhiều hãng lớn dè chừng trong việc phát triển và giới thiệu sản phẩm mới. Điều này thể hiện ở việc Amazon mua lại công ty định tuyến mạng Eero hồi đầu năm, mọi sự chú ý dồn vào việc Huawei phát triển mạng 5G hay các hệ điều hành như iOS 13, Android 10 bị quản lý chặt chẽ hơn về việc theo dõi ví trí thiết bị.

Một guyên nhân khác khiến Apple và Amazon chưa triển khai các giao thức mới một cách rộng rã vì các băng tần được lựa chọn chưa đủ thuyết phục. Đây cũng chưa phải thời điểm để họ công bố với khách hàng bởi sản phẩm chưa đủ hoàn thiện và các app cũng chưa tối ưu hoá được với giao thức mới.

Trong quá trình triển khai dự án, hai hãng có thể thất bại. Nhưng nhiều khả năng, những dự án này sẽ góp phần giúp Apple và Amazon định hình được việc sẽ phát triển phần cứng và dịch vụ ra sao trong thập kỷ tới.

Nguồn VNE (theo Wired)


Liên kết hữu ích