Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Các quốc gia Đông Nam Á hôm qua (4/10) đã bày tỏ sự thất vọng về cam kết của chính quyền quân sự Myanmar đối với kế hoạch hòa bình đã được ASEAN thống nhất thông qua năm điểm đồng thuận.
Tại cuộc họp báo sau cuộc gặp trực tuyến của các Ngoại trưởng ASEAN để chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN và các Hội nghị cấp cao liên quan sẽ diễn ra từ ngày 26 đến 28/10/2021, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi ngày 4/10 cho biết, phần lớn các thành viên ASEAN thất vọng với việc thực hiện 5 điểm đồng thuận không như kỳ vọng, trong đó có tình hình ở Myanmar.
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi (trái) và Đặc phái viên ASEAN về Myanmar Eryawan Yusof (Nguồn: Twitter Ngoại trưởng Indonesia).
Theo nữ Ngoại trưởng Indonesia, kể từ sau cuộc họp các nhà lãnh đạo ASEAN vào tháng 4 vừa qua đến nay không có sự phát triển đáng kể nào ở Myanmar. Sau khi nghe Đặc phái viên ASEAN về Myanmar, Bộ trưởng Ngoại giao II Brunei Darussalam Eryawan Yusof truyền đạt một số tiến triển và thách thức trong khắc phục bất ổn chính trị của Myanmar, Ngoại trưởng Indonesia đã đánh giá cao những nỗ lực của đặc phái viên trong việc thực hiện 5 điểm đồng thuận của ASEAN.
Đồng thời, Ngoại trưởng Indonesia bày tỏ thất vọng khi quân đội Myanmar đã không đưa ra phản ứng tích cực đối với những cố gắng của đặc phái viên khi cấm đặc phái viên gặp bà Aung San Suu Kyi. Bà Retno Marsudi cho rằng, theo Indonesia đã đến lúc các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN phải báo cáo tình hình này với 9 nhà lãnh đạo ASEAN, để đưa ra định hướng cho sự tham gia của ASEAN với Myanmar, đặc biệt tại các Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 tới đây. Indonesia cũng trình bày một số điều trong Hiến chương ASEAN có thể được dung để áp dụng trong việc giải quyết vấn đề Myanmar.
Trong khi đó, tại cuộc họp, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan cho biết, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã thúc giục Hội đồng Hành chính Nhà nước (SAC) Myanmar hợp tác để giải quyết vấn đề.
Còn Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah trong một tuyên bố trên Twitter cảnh báo Myanmar có thể bị loại khỏi Hội nghị cấp cao ASEAN nếu từ chối hợp tác với Đặc phái viên của khối, trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc của đất nước do quân đội cai trị.
“Trừ khi có tiến triển, nếu không sẽ rất khó để lãnh đạo quân đội Myanmar, Thượng tướng Min Aung Hlaing tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN vào cuối tháng 10 này”, dòng Tweet viết.
Theo Đặc phái viên ASEAN, cho đến nay đợt viện trợ nhân đạo đầu tiên dưới dạng thiết bị y tế trị giá 1,1 triệu USD đã được chuyển đến Myanmar vào ngày 18/8. ASEAN hiện đang cùng với Trung tâm điều phối ASEAN về nhân đạo trong thiên tai (AHA) làm việc với UNICEF và Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc (UNOCHA) tìm hiểu khả năng triển khai chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 tại Myanmar.
Nguồn VOV-Jakarta