Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
ASEAN đối phó nguy cơ tấn công mạng
Thứ ba: 15:55 ngày 18/12/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Theo trang tin ASEAN Post, hàng loạt vụ tấn công mạng diễn ra ở Đông Nam Á trong thời gian gần đây đã gióng lên hồi chuông báo động về vấn đề an ninh mạng tại khu vực này.

ASEAN là khu vực dễ bị tấn công mạng.

Chưa đầu tư thích đáng

Báo cáo của Công ty tư vấn quản lý toàn cầu AT Kearney cho biết, với lượng người sử dụng Internet tăng nhanh hàng năm,  ASEAN đang trở thành một trong những mục tiêu tấn công mạng của các nhóm khủng bố thế giới. Tuy nhiên, ASEAN vẫn chưa đầu tư thích đáng cho lĩnh vực an ninh mạng dù các quốc gia tại khu vực này có mức tăng trưởng cao.

Thống kê cho thấy, ASEAN chỉ dành khoảng 1,9 tỷ USD (năm 2017) tương đương 0,06% GDP của khu vực cho việc bảo vệ an ninh mạng. Trong khi đó, mức tăng ngân sách cần thiết cho lĩnh vực này cần chiếm khoảng 0,35%-0,61% GDP mới bắt kịp với những quốc gia đầu tư cho an ninh mạng hàng đầu thế giới. Theo dự báo của Trung tâm rủi ro châu Á Thái Bình Dương, năm 2019 thế giới sẽ chi phí cho việc bảo vệ an ninh mạng với mức chi dự kiến 2.100 tỷ USD.

Theo cảnh báo từ giới chuyên gia an ninh mạng, cuộc tấn công mạng có thể làm tê liệt và tàn phá hệ thống thông tin lẫn tài chính của khu vực Đông Nam Á nếu không có biện pháp bảo vệ an ninh mạng hữu hiệu. Trong tháng 7 vừa qua, Singapore đã trải qua vụ tấn công mạng tồi tệ nhất từ trước đến nay khi các tin tặc đánh cắp thông tin cá nhân của khoảng 1,5 triệu người, trong đó có cả thông tin của Thủ tướng Lý Hiển Long từ cơ sở dữ liệu y tế của cơ quan chính phủ. Singapore là một trong 5 quốc gia được gọi là nhóm “Cyber Five” cùng với Australia, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc.

Đây là 5 quốc gia có nguy cơ bị tấn công mạng cao hơn các nước khác, chủ yếu vì mức độ lệ thuộc công nghệ lớn cũng như trình độ hiện đại hóa rất cao. Trước đó, trong năm 2017, Singapore là mục tiêu của cuộc tấn công bằng mã độc Wanna Cry Ransomware và cuộc tấn công bằng virus với tên gọi Petya Ransomware.

Trong tháng 3 năm nay, Malaysia tuyên bố đã triệt phá thành công âm mưu tấn công mạng nhằm vào ngân hàng trung ương nước này. Vào tháng 10 năm ngoái, thông tin cá nhân của khoảng 46 triệu thuê bao di động ở Malaysia đã bị xâm phạm. Các chi tiết cá nhân bị rò rỉ bao gồm địa chỉ nhà, số thẻ nhận dạng quốc gia và thông tin thẻ SIM.

Cần chiến lược tổng thể

Gần đây, ASEAN cũng đã thực hiện các hoạt động hợp tác để thắt chặt an ninh mạng. Trong Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vừa qua, ASEAN và Mỹ đã đưa ra một tuyên bố chung khẳng định lại cam kết trong việc tăng cường an ninh mạng.

Nga cũng đã đưa cam kết tương tự trong việc phát triển hợp tác an ninh không gian mạng với ASEAN. Vào tháng 9 năm nay, 1 trung tâm an ninh mạng đã ra mắt tại Thái Lan nhằm đào tạo nhân viên thuộc ASEAN chống lại các mối đe dọa mạng tại những khu vực dễ bị tấn công.

Ước tính, khoảng 700 nhân viên an ninh mạng thuộc các nước Đông Nam Á sẽ tốt nghiệp tại trung tâm này sau khi hoàn tất các chương trình do Nhật Bản thiết kế, trong đó có bảo vệ mạng, điều tra số, phân tích mã độc.

Ý tưởng thành lập trung tâm xây dựng năng lực an ninh mạng ASEAN - Nhật Bản đã được đưa ra tại Hội nghị các bộ trưởng ASEAN và Nhật Bản tại Campuchia hồi năm ngoái. Trong khi đó, Singapore đã đầu tư vào một chương trình năng lực mạng ASEAN (ACCP) kể từ năm 2016, với mục đích tài trợ cho việc xây dựng năng lực để chống lại các mối đe dọa kỹ thuật số đối với các quốc gia thành viên ASEAN.

Theo ASEAN Post, để đảm bảo công tác an ninh mạng hoạt động có hiệu quả, chính phủ các nước ASEAN cần phải có chiến lược tổng thể để bảo vệ cơ sở hạ tầng an ninh mạng phù hợp với điều kiện hoàn cảnh, ngăn chặn có hiệu quả các đợt tấn công, xâm nhập hệ thống mạng quốc gia từ bên ngoài.

Nguồn SGGPO

Tin cùng chuyên mục