Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
ASEAN 'không biên giới': Cơ hội gắn với thách thức
Thứ tư: 08:42 ngày 03/05/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Khái niệm về một Đông Nam Á phi biên giới nhằm kết nối các lợi ích chung, cùng nhau phát triển đang mở ra nhiều hứa hẹn, nhưng đi cùng với đó là những lo ngại, nguy cơ.

Du khách tham gia lễ hội Songkran ở Thái Lan - Ảnh: Reuters

Sau khi chính thức thành lập năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 30 vừa diễn ra tại Philippines, một trong những chủ đề thảo luận chính của các nhà lãnh đạo là kết nối khu vực và triển khai Tầm nhìn ASEAN 2025, đưa khối bước vào sân chơi thế giới như một thể thống nhất.

Và khi hợp nhất, vấn đề đi lại giữa các nước trong khu vực được đặc biệt quan tâm.

Kết nối ASEAN

Các quan chức du lịch ASEAN cho biết số lượng người đi lại giữa các nước ASEAN tăng tỉ lệ thuận theo sự phát triển của khối.

Việc đi lại ngày càng dễ dàng theo nhiều cách từ đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng không.

Với sự hỗ trợ của công nghệ, người dân ASEAN ngày nay có thể dễ dàng di chuyển giữa các nước để du lịch, học tập, khám chữa bệnh...

Xu hướng này hòa chung với sự kết nối toàn thế giới khi có khoảng 2 tỉ người đi lại trên toàn cầu trong hai năm tới.

Trong khi biên giới giữa các nước trở nên số hóa, bầu trời cũng không còn là giới hạn và nhiều nước thời gian qua đã phê chuẩn chính sách bầu trời mở.

Nếu trước năm 2015 có nhiều ý kiến hoài nghi về ý tưởng này, thì các nghiên cứu gần đây đã chứng minh việc kết nối hàng không trong khu vực có thể tạo ra hàng triệu việc làm và góp phần thúc đẩy kinh tế.

Chẳng hạn, Indonesia có thể tăng thêm hơn 650 triệu USD vào GDP nếu bầu trời ASEAN được kết nối vào năm 2025.

Ngoài ra, chính sách một thị thực ở ASEAN sẽ góp phần đẩy mạnh du lịch và có thể sẽ được triển khai từ ngay năm nay.

“Chúng tôi muốn có một thị thực cho các nước ASEAN để du khách nước ngoài từ khắp thế giới có thể đến ASEAN và ở lại lâu hơn” - Bộ trưởng Du lịch Philippines Wanda Teo nói.

Việc kết nối không dễ dàng bởi còn nhiều khác biệt trong chính sách giữa các nước, tuy nhiên Bộ trưởng Du lịch Thái Lan Kobkarn Wattanavrangkul khẳng định: “Chúng tôi sẽ không ngừng nghỉ. Ủy ban về chính sách một thị thực của chúng tôi vẫn đang hợp sức cùng nhau”.

Hợp tác để đối mặt với thách thức

Sự kết nối không chỉ đem lại những điều tốt đẹp, mà cả những lo ngại như khủng bố xuyên biên giới, buôn người, tấn công tin tặc... Sự năng động đi kèm với thách thức lớn về an ninh.

“Các lãnh đạo quốc phòng ASEAN cần phải gặp thường xuyên vì thế giới đã kết nối rất mạnh mẽ nhờ sự phát triển của truyền thông và vận tải” - Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana phát biểu hồi đầu tháng 4-2017.

Nhiều nước trong khu vực cũng lo lắng về chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy ở nhiều khu vực trên thế giới, đơn cử như lệnh cấm đi lại của Mỹ đối với một số nước vùng Trung Đông gần đây.

“Nhưng khủng bố chống lại mọi người chứ không riêng gì Mỹ” - ông Taleb Rifai, tổng thư ký Tổ chức Du lịch thế giới, khẳng định.

Trong khi ông Hyuk Lee - chuyên viên Interpol tại Hội nghị du lịch và lữ hành toàn cầu 2017, Bangkok - cho rằng thay vì khép cửa, các nước phải tìm ra cách thức hợp tác chặt chẽ hơn, chia sẻ thông tin giữa các nước và thậm chí giữa chính phủ và lĩnh vực tư nhân.

Chủ tịch Hãng hàng không AirAsia Tony Fernandes lạc quan cho rằng chủ nghĩa bảo hộ sẽ không có cơ hội chiếm ưu thế ở ASEAN và cuối cùng các nước sẽ đoàn kết để kinh tế ngày một phát triển.

Chia sẻ quan điểm này, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng nhấn mạnh trong phát biểu hôm 29-4 rằng: “Một ASEAN đoàn kết sẽ cho chúng ta một vị thế trên toàn cầu. Sức ảnh hưởng của mỗi nước có giới hạn nhưng khi hợp lại, ASEAN sẽ có tiếng nói mạnh mẽ trên thế giới”.

Trong khi đó, mỗi nước cũng phải giải quyết các khó khăn riêng về cơ sở hạ tầng, cải cách quy định, phát triển nguồn nhân lực... để đáp ứng xu hướng kết nối của khu vực.

Chưa kể sự phát triển không đồng đều giữa các thành viên cũng có thể cản trở việc hợp tác và khiến một số nước khó nắm bắt cơ hội.

Theo Bộ trưởng Du lịch Indonesia Arief Yahya, các nước cần phải hòa hợp để giải quyết các thách thức như thiếu hụt lao động và khai thác thế mạnh lẫn nhau để phát triển.

Theo tờ The Nation, ASEAN còn phải giải quyết nhiều vấn đề khác trong hành trình kết nối về kinh tế, an ninh, xã hội, nhưng điều quan trọng nhất là các thành viên phải đoàn kết.

“Hành trình của ASEAN chỉ mới bắt đầu và cần phải tiếp tục vì lợi ích chung của tất cả chúng ta” - tờ này viết.

Quyền đi lại của mỗi người

Năm 2017, ASEAN dự kiến đón hơn 121 triệu du khách quốc tế và thu về hơn 800 triệu USD nhờ các dự án chung đánh dấu kỷ niệm 50 năm thành lập khối.

Nhưng đó không chỉ là về kinh tế, mà vì chất lượng cuộc sống. “Mọi người đều có quyền sống cuộc sống mà họ muốn, đi đến bất cứ nơi đâu, đó là quyền con người” - Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha khẳng định tại Hội nghị du lịch và lữ hành toàn cầu 2017, Bangkok cuối tuần trước.

Khách du lịch chi tiêu nhiều nhất ở Singapore

Theo phân tích của Hãng dịch vụ tài chính Mastercard, Bangkok là thành phố thu hút nhiều khách du lịch nước ngoài nhất châu Á - Thái Bình Dương, nhưng Singapore mới là nơi du khách chi tiêu nhiều nhất.

Cụ thể trong giai đoạn 2015-2016, mức chi tiêu của du khách nước ngoài tại Singapore tăng trưởng 18%, đạt con số 254 USD/ngày.

Trong khi đó, thủ đô Bangkok của Thái Lan tuy là điểm đến phổ biến nhất nhưng du khách đến đây chỉ bỏ ra trung bình 145 USD/ngày.

Ngoài Singapore, chỉ có 4 thành phố khác là nơi du khách đạt mức chi tiêu tối thiểu 200 USD/ngày gồm Bắc Kinh (242 USD), Thượng Hải (234 USD), Hong Kong (242 USD) và Đài Bắc (208 USD).

Nhờ sự nổi lên của tầng lớp trung lưu, tổng chi tiêu cho du lịch tại châu Á - Thái Bình Dương tăng mạnh từ 142 tỉ USD (năm 2009) lên 245 tỉ USD (năm 2016).

Riêng năm 2016, 20 thị trường lớn nhất khu vực đóng góp đến 202 tỉ USD doanh thu cho ngành du lịch.

Báo cáo của Mastercard nhận định năm 2016 là giai đoạn sôi động nhất của ngành du lịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Không chỉ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, du lịch quốc tế chiếm 8,5% tổng GDP và mang lại 8,7% tổng số việc làm cho khu vực.

Các điểm đến hưởng lợi nhiều nhất từ sự tăng trưởng này là Đông Bắc Á và Đông Nam Á, một số cái tên bao gồm Seoul, Osaka, Bali, Tokyo, Pattaya... phúc long.

Nguồn TTO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục