Theo dõi Báo Tây Ninh trên
ATM gạo sẽ tiếp tục là ATM của sự gắn kết giàu nghèo, đồng lòng hành động và lan tỏa yêu thương...
Trên mạng đang ồn ào tranh luận chuyện cậu bé ở TP Hồ Chí Minh đến ATM gạo xin thì bị từ chối và việc có nên dùng công nghệ nhận dạng để "soi xét" người đến xin gạo.
Chuyện cậu bé bị từ chối trên mạng đưa nhiều. Đại khái như sau: Đến lượt mình, khi đang đứng trước ATM gạo thì cậu bé bị loa nhắc mời ra ngoài. Rất bất ngờ, cậu đành lủi thủi trả túi ni lông rồi về. Máy quay lia theo.
Cậu bé sang đường và leo lên một chiếc xe máy hình như đang đợi sẵn. Chắc người quay cho rằng như thế là biểu hiện của hành vi gian dối cần ngăn chặn nên tung clip đó lên mạng xã hội với dụng ý răn đe, cảnh báo.
Còn việc dùng công nghệ nhận dạng là để tránh việc ai đó tham lam, “quay vòng” để lấy được nhiều phần hỗ trợ.
Hình ảnh cậu bé đến nhận gạo hỗ trợ bị từ chối ( Ảnh cắt từ clip).
Theo nhiều nguồn tin thì cậu bé từ quê lên thành phố kiếm sống bằng nghề phụ hồ, tức là khó khăn thật.
Đã có nhiều lời bình phẩm, bình luận cho hai trường hợp nói trên. Phần lớn chỉ trích thành viên của ban tổ chức ATM gạo.
Không phải người chứng kiến, vả lại đúng sai thế nào cũng chưa biết rõ, biết cặn kẽ, nên tôi chỉ dám nêu những suy nghĩ chung nhất.
Cả thế giới đang quay cuồng chống chọi với đại dịch. Với nước ta cũng chưa hề có tiền lệ. Chính vì thế, ngay cả những chính sách lớn tầm vĩ mô, tác động đến gần 100 triệu người, ảnh hưởng cả tới bang giao, cũng còn chỗ này chỗ kia, gây hiểu lầm, làm lúng túng, huống hồ những công việc cụ thể, nhỏ lẻ, do cá nhân đứng ra thực hiện như vừa nêu ở các cây ATM gạo.
Tôi nghĩ, hình ảnh đẹp nhất, gây xúc động nhiều là chỉ trong vài ngày, ATM gạo hảo tâm của chúng ta đã lan rộng cả nước, từ đồng bằng cho tới miền núi cao, khiến báo chí thế giới phải ngạc nhiên. Đấy là điều đáng ghi nhận. Ý nghĩa của nó không chỉ dừng lại ở vài ba cân gạo lúc nguy nan mà nó kéo chúng ta lại gần với nhau hơn để cùng lan tỏa những việc làm tốt; nó động vào và đánh thức một cõi rất sâu nhưng vô cùng mạnh mẽ của con người, đó là lòng trắc ẩn. Lòng trắc ẩn sẽ xua tan đi tối tăm, vụn vặt đời thường.
Người đến nhận gạo hỗ trợ nghiêm túc thực hiện giãn cách theo quy định.
Chúng ta phê bình việc sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt người đến ATM gạo, chúng ta phê bình cách nói oang oang trên loa phóng thanh mời cậu bé tội nghiệp bước ra khỏi hàng, không được nhận phần hỗ trợ ở một ATM gạo phía Nam…
Những ý kiến này những người tổ chức và điều hành ATM gạo sẽ tiếp thu, tham khảo. Tôi tin như vậy! Bởi vì sao, vì họ dùng công nghệ hay soi xét kỹ từng người đến ATM gạo chẳng qua cũng là muốn hạt gạo đến đúng tay người nghèo. Động cơ và mục đích là tốt, chỉ còn một chút ở việc ứng xử cần phải điều chỉnh.
Nếu chúng ta, những người ngoài cuộc, nhìn nhận quá khắt khe và đưa ra những phán xét nặng nề thì hóa ra chúng ta cũng chung một cách tiếp cận với họ: Quá khắt khe với những đối tượng đến nhận gạo- việc làm mà chính chúng ta đang lên tiếng bình phẩm - hay sao?
Làm thế nào để giúp đỡ người nghèo nhưng tránh làm tổn thương họ?
Làm thế nào để giúp đỡ người nghèo nhưng tránh làm tổn thương họ lúc này không phải chuyện dễ! Nhưng tôi nghĩ cũng chẳng phải cái gì ghê gớm. Sẽ làm được khi chúng ta đến với công việc thiện nguyện này bằng tinh thần yêu thương con người. Khi đó chính công việc sẽ tự động kích hoạt một miền rất tinh tế và nhạy bén trong sâu thẳm mỗi người để cùng với lý trí đưa ra các quyết định hành xử thích hợp.
Câu chuyện cậu bé nhận gạo bị mời ra ngoài khiến tôi nhớ chuyện của tôi hơn 20 năm trước. Năm 1996 tôi thi tuyển vào Đài Tiếng nói Việt Nam. Đến khâu khám sức khỏe không hiểu sao huyết áp vọt lên trên 140. Bác sỹ Sơn (Phòng Y tế Đài) ngạc nhiên trước một người trẻ mà huyết áp lại cao. Ông bảo tôi ngồi nghỉ, hỏi nhà ở đâu, đi cái gì đến đây, ăn uống chưa, con cháu ai ở Đài, rồi ông đo lại. Vẫn cao. Cuối cùng ông ngồi suy nghĩ một lúc rồi bảo về, mai đến kiểm tra lại, trước khi đến nhớ không uống trà.
Chỉ số máy đo và “chỉ số linh cảm” của người bác sỹ hoàn toàn trái ngược nhưng ông vẫn quyết định để tôi có thêm cơ hội. Nếu hôm đó ông ghi “loại” thì cũng chả trách được ông, và hôm nay, tôi không thể và không có dịp ngồi viết những dòng này.
Trở lại câu chuyện cậu bé xin gạo bị đuổi và việc nhận diện khuôn mặt trước ATM gạo. Như tôi đã nói ở trên, mục đích của ban tổ chức là đúng. Trong khi cuộc sống còn một số kẻ tham lam, không có lòng tự trọng, tranh giành phần của người nghèo thì họ phải đứng ra tìm cách bảo vệ người nghèo, bảo vệ cả nỗ lực của chính họ!
Nhưng dẫu sao tôi vẫn muốn bên cạnh con mắt dò xét và cảnh giác (để bảo vệ quyền lợi cho người khốn khó ấy) thì cần có con mắt bao dung, con mắt của sự hào sảng và buông bỏ để phát hiện rồi đánh tín hiệu cho lương tâm, cho con tim hành động một cách khéo léo và tinh tế nhất.
Tại ATM gạo có các cảm biến để đếm lượt người, tới đây có cảm biến giúp người nhận chỉ việc hứng túi là ra gạo chứ chả cần đạp chân, rồi có camera nhận diện và ghi nhớ người đến lấy… Tất tật những công nghệ đó vô cùng hữu dụng nhưng vẫn không thể thiếu những “cảm biến” được vận hành bởi tình người; những “camera”, là đôi mắt biết khóc biết cười của chúng ta, được điều khiển không chỉ bằng cái đầu lý trí lạnh lùng mà còn bởi trái tim ấm nóng tình thương đồng loại.
Chỉ một chút thế thôi, chúng ta sẽ có những lời nói và hành động ấm áp, nhã nhặn hơn; và tôi tin ATM gạo sẽ tiếp tục là ATM của sự gắn kết giàu nghèo, đồng lòng hành động và lan tỏa yêu thương, những sức mạnh đã giúp chúng ta giành được chiến thắng (cho tới lúc này) trước đại dịch.
Nguồn VOV.VN