Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Australia - Nhật Bản gây sức ép với Mỹ về TPP
Thứ ba: 08:56 ngày 17/01/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Tại chặng dừng chân Australia trong chuyến công du các nước châu Á - Thái Bình Dương vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Australia Malcom Turnbull đã cùng nhất trí sẽ đẩy nhanh tiến trình thông qua Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Động thái này cho thấy, lãnh đạo cả hai nước đang nỗ lực “cứu” Hiệp định đang có nguy cơ phá sản, cũng như tạo sức ép để chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump không quay lưng với dự án này.

.

Quyết tâm “cứu” TPP

Trong chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Abe đến Australia kể từ khi ông Turnbull trở thành Thủ tướng vào tháng 9 năm ngoái, kinh tế là một trong những nội dung trọng tâm thảo luận của lãnh đạo hai bên. Đáng chú ý nhất, hai nhà lãnh đạo cùng thống nhất sẽ nỗ lực theo đuổi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đến cùng.

Cụ thể, Thủ tướng Australia Turnbull khẳng định sẽ thúc đẩy một cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội nước này để thông qua TPP. Đồng thời, hai nhà lãnh đạo sẽ khuyến khích các nước còn lại thông qua TPP nhằm gây sức ép buộc Quốc hội Mỹ phê chuẩn bất chấp sự phản đối của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Xin nhắc lại một chút, TPP có sự tham gia của 12 nước gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Hiệp định này đã được các Bộ trưởng của 12 quốc gia ký kết hồi tháng 2/2016 sau hơn 5 năm đàm phán khó khăn.

Tuy vậy, TPP hiện đang ở trong giai đoạn 2 năm để quốc hội các nước thành viên phê chuẩn. Câu chuyện trở nên đặc biệt khó khăn khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhiều lần tuyên bố sẽ “loại bỏ” TPP ngay sau khi chính thức nhậm chức.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Australia Malcom Turnbull.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Australia Malcom Turnbull.

Dư luận không mấy ngạc nhiên với quyết tâm của các nhà lãnh đạo Australia và Nhật Bản. Cả Thủ tướng Abe và Thủ tướng Turnbull vốn đều có quan điểm ủng hộ Hiệp định TPP. Với Nhật Bản, có thể nói đây là một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất nếu TPP được thông qua.

Đặt trong trường hợp TPP đi vào thực tiễn, xuất nhập khẩu hàng năm của Nhật Bản đến năm 2025 sẽ tăng thêm 140 tỷ USD và GDP hàng năm sẽ tăng thêm hơn 100 tỷ USD. Bên cạnh đó, việc nới lỏng các quy định tham gia thị trường sẽ giúp các doanh nghiệp Nhật Bản có cơ hội mở rộng thị trường ra nước ngoài.

Quan trọng nữa, TPP sẽ cung cấp cơ chế giúp Nhật Bản có thể thúc đẩy cải cách cơ chế nền kinh tế hiện nay. Bởi vậy, Quốc hội nước này với sự thúc đẩy của Thủ tướng Abe hồi tháng 12 năm ngoái đã trở thành quốc gia đầu tiên thông qua TPP. 

Trong khi đó, Australia mặc dù bị đánh giá là một trong những nước gặt hái được ít lợi ích kinh tế nhất từ TPP trong số 12 nước, nhưng nước này lại có những tính toán riêng. Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, Australia có thể chỉ đạt mức tăng GDP ít hơn 2% vào năm 2030 khi tham gia TPP.

Tuy nhiên, Chính phủ Australia lại cho rằng, nước này sẽ gặt hái được lợi ích dài hạn thông qua việc tham gia sâu vào tiến trình định hình nên khuôn khổ thương mại và kinh doanh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Không chỉ có những lợi ích riêng rẽ, theo giới quan sát, vốn là hai quốc gia có quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt, Australia và Nhật Bản là những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu. Nhật Bản hiện là nhà nhập khẩu, thương mại và nguồn đầu tư trực tiếp lớn thứ hai của Australia.

Một khi cùng mở cửa ra nền kinh tế toàn cầu, cả hai nước sẽ cùng khai thác được các thế mạnh của mình, làm tăng chi phí hàng hóa và dịch vụ cho người dân. Đặc biệt, hợp tác chặt chẽ về kinh tế cũng là nền tảng để hai bên thắt chặt hơn nữa trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, tạo một liên kết hiệu quả trong bối cảnh khu vực đang đối diện nhiều thách thức và rủi ro về an ninh.

10% hy vọng cho TPP?

Thế nhưng, những lợi ích này của Australia và Nhật Bản đang đứng trước nguy cơ “tan thành mây khói” trước các tuyên bố “cứng rắn” của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ông Trump từng nhiều lần tuyên bố sẽ “kết thúc” ngay TPP sau khi nhậm chức.

Còn Tổng thống Barack Obama đến nay đã ngừng các nỗ lực xúc tiến thông qua TPP tại Quốc hội, đồng thời tuyên bố để Chính phủ mới định đoạt số phận của TPP. Dư luận đặt câu hỏi, liệu những nỗ lực của các nhà lãnh đạo Australia và Nhật Bản có tác động nào đến quyết định này hay không?

Thực tế nhiều nhà quan sát nhận định, việc ông Trump thực hiện tuyên bố của mình về TPP là chắc chắn tới 90%, bởi nó phù hợp với cam kết mang nhiều việc làm hơn cho người dân Mỹ của ông. Thế nhưng, 10% còn lại còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.

Đầu tiên, ông Trump và Chính phủ của ông chắc hẳn đều đã biết quan điểm ủng hộ TPP của các thành viên còn lại của TPP thời gian qua. Các nước này thậm chí còn đề xuất khả năng vẫn tiến tới TPP mà không cần có Mỹ.

Như Ngoại trưởng Chile Heraldo Munoz trong một tuyên bố đã nhấn mạnh, dù Mỹ có tham gia TPP hay không, các nước thành viên vẫn nhất trí sẽ đưa hiệp định thương mại lớn nhất thế giới này đến thành công. Hay Malaysia cũng bày tỏ quan điểm rằng, nếu tiến hành sửa đổi một số điều khoản của TPP, hiệp định này vẫn có thể tiếp tục mà không có sự có mặt của Mỹ.

Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Peru Eduardo Ferreyros cũng đã nêu đề xuất điều chỉnh TPP nhằm cứu vãn TPP. Có thể bất chấp sự đồng lòng của các thành viên còn lại, ông Trump vẫn sẽ “gạt bỏ” TPP như đã cam kết. Nhưng điều này sẽ đồng nghĩa với việc, nước Mỹ sẽ đánh mất nhiều cơ hội để phát triển kinh tế, quan trọng hơn là giảm vị thế và vai trò tại khu vực địa chiến lược châu Á - Thái Bình Dương.

Tiếp nữa, trong khi TPP còn đang được đàm phán, đối thủ hàng đầu của Mỹ là Trung Quốc đã song song thúc đẩy Hiệp định thương mại tự do khu vực châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) với 21 quốc gia và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) gồm 16 thành viên, và đều không có sự tham gia của Mỹ.

Ngay như giới chức Nhật Bản và Australia cũng đang có nhiều ý kiến ủng hộ 2 hiệp định này hơn là TPP. Rõ ràng trong bối cảnh như hiện nay, việc hủy bỏ TPP và tạo điều kiện để Trung Quốc hợp tác với các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương chẳng khác nào ông Trump đang tự cô lập nước Mỹ. 

Với những lý do như vậy, giới quan sát cho rằng, có khả năng việc rút khỏi TPP của ông Trump sẽ chỉ mang tính tạm thời. Trong thời gian chính thức đảm nhiệm vị trí ông chủ Nhà trắng, ông Trump sẽ nhận ra những lợi ích chiến lược của TPP và suy nghĩ lại.

Đây cũng là mong muốn của nhiều quốc gia thành viên TPP thời gian qua. Tuy nhiên, mọi chuyện sẽ diễn tiến ra sao, chưa ai có thể chắc chắn. Còn với bản thân ông Trump, khi đã chính thức trở thành Tổng thống, ông sẽ cần cân nhắc mọi tuyên bố và quyết định của mình cho phù hợp với lợi ích quốc gia. Bởi Tổng thống Mỹ sẽ không có quá nhiều cơ hội để sửa sai!

Nguồn BNA

 
Tin cùng chuyên mục