Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Huệ, axit là hóa chất độc hại, tác động ngay lập tức khi tiếp xúc với cơ thể và để lại biến chứng nặng nề suốt đời.
Lê Thị Lan Vy (24 tuổi, Đà Nẵng) bị chồng sắp cưới là Nguyễn Trương Nam Hải (24 tuổi, cựu thiếu úy thuộc lực lượng Cảnh sát PCCC tại Đà Nẵng) tạt axit. Hành động này khiến cô bị thương tật vĩnh viễn 46%.
"Khi cả gia đình đang chuẩn bị cho cuộc nói chuyện thẳng thắn về việc chia tay với chồng sắp cưới, anh ta bất ngờ rút ra từ trong áo một chai axit rồi tạt vào mặt tôi. Cha tôi cũng bị axit văng vào cổ, thấy bỏng rát, ông hốt hoảng gọi hàng xóm đến giúp đỡ. Tuy nhiên, mọi người xung quanh đều không biết cách sơ cứu bỏng axit ra sao, có người nói không được rửa bằng nước. Vì vậy, tôi được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng mà không sơ cứu để giảm nhẹ tác hại của axit", Lan Vy kể lại giây phút kinh hoàng.
Theo cô, không được sơ cứu bỏng axit kịp thời, đúng cách cũng là nguyên nhân khiến vết thương của mình nặng hơn.
Hóa chất nguy hiểm
PGS.TS Nguyễn Văn Huệ, nguyên Viện phó Viện Bỏng Quốc gia, cho biết axit là hóa chất cực độc, gây tác động ngay lập tức khi tiếp xúc với cơ thể và để lại những biến chứng nặng nề, suốt đời.
Khi tác động lên cơ thể, axit phá hủy cấu trúc mô như da, mỡ, gân, cơ,… theo cơ chế đông đóng vón protein, gây hoại tử từ ngoài vào trong. Phần da tiếp xúc với axit sẽ chết, chuyển sang màu đen và để lại những vết sẹo khủng khiếp.
Lan Vy bị thương tật vĩnh viễn 46%. Ảnh: FBNV.
Nếu người bệnh không được sơ cứu kịp thời, hóa chất này tiếp tục phá hủy làm cháy da, tổn thương xương và các bộ phận khác. Nếu phần da chết không được cắt bỏ nhanh chóng trong khoảng 4-5 ngày, da mới mọc lên sẽ làm bề mặt biến dạng hơn.
Theo bác sĩ Huệ, mức độ nghiêm trọng phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc với axit. Chất độc này trên da càng lâu, tình trạng hoại tử sâu hơn và khó hồi phục.
Đại tá, PGS.TS Nguyễn Tài Sơn, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho hay dù lành bệnh, vết thương từ bỏng axit vẫn để lại sẹo lồi, bị co kéo. Những sẹo lồi này có đặc trưng cắt đi vẫn có thể phát triển lên, sẹo càng dài và to. Để có thể vượt qua, nạn nhân phải rất dũng cảm. Bác sĩ có thể cứu sống bệnh nhân, song không thể phục hồi 100% như trước đây.
Sơ cứu nạn nhân bỏng axit thế nào?
PGS.TS Huệ cho biết bỏng axit phải được cấp cứu và điều trị tại bệnh viện. Việc sơ cứu cho nạn nhân rất quan trọng, có thể giúp hạn chế rủi ro, tổn thương.
Theo ông, việc duy nhất nên làm trước khi đưa nạn nhân đến bệnh viện là dùng nước sạch rửa vào vùng bị tạt axit. Biện pháp này sẽ giúp hạn chế quá trình axit hút nước của cơ thể.
“Trong trường hợp không thể tìm thấy nước sạch, bạn có thể dùng nước dưới ao, sông, hồ. Nước có thể bẩn nhưng vẫn rất tốt trong quá trình sơ cứu”, ông Huệ nói.
Lan Vy bị hủy hoại 1/2 gương mặt, thương tích nhiều bộ phận trên cơ thể. Ảnh: Kiến Thức.
Lưu ý, khi rửa bằng nước, người sơ cứu không được kỳ cọ, chà xát lên vùng da của bệnh nhân, giữ nguyên quần áo, rửa vết thương dưới vòi hoa sen để axit hút nước, hạn chế sự tàn phá đối với cơ thể.
Vị chuyên gia này cho hay khi sơ cứu, ta có thể dùng các dung dịch kiềm nhẹ để trung hòa như nước vôi trong rửa vết bỏng. Tuy nhiên, nước sạch vẫn là phương pháp tối ưu.
Trong trường hợp uống phải axit, bác sĩ Huệ khuyến cáo người thân nên cho bệnh nhân uống ngay lòng trắng trứng gà, sau đó chuyển đến bệnh viện để được điều trị kịp thời. Người dân tuyệt đối không được uống dung dịch trung hòa, chúng có thể gây chướng khí làm giãn dạ dày cấp hoặc thủng dạ dày, ống tiêu hóa.
Khi bị axit bắn vào mắt, chúng ta cần nhanh chóng dùng nước sạch để rửa. Nếu không sơ cứu kịp thời, nạn nhân có thể sẽ bị mù vĩnh viễn.
Nguồn Zing