BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bà Ba “Năm Trại”

Cập nhật ngày: 12/09/2009 - 03:17

Bà Ba “Năm Trại”

Khu căn cứ cách mạng Năm Trại (huyện Hoà Thành) giờ chỉ còn là khu rừng rậm, hoang vắng. Những người từng một thời lửa đạn ở đó giờ đã khuất núi hoặc an phận tuổi già cùng con cháu. Vậy nên tôi rất ngạc nhiên khi gặp bà Ba Bông (Nguyễn Thị Bông) người ta còn gọi là bà Ba “Năm Trại”, vẫn còn gắn bó với mảnh đất chiến khu mà bà từng tham gia công tác cách mạng.

Ngôi nhà nhỏ kế bên con mương dẫn nước thuộc ấp Trường Phú (xã Trường Đông- Hoà Thành) giờ còn hai mẹ con bà Ba sinh sống. Ông Ba Vốn (chồng bà) đã qua đời gần 6 năm nay, để lại cái ao nuôi cá rộng rinh ông đào thuở trước và mảnh vườn có cây bứa rừng trồng mấy chục năm nay. Khu vườn rộng hơn mẫu, trồng nhiều bưởi, xoài ngày trước là rẫy mì của nhà bà Ba, còn nhà bà thì ở tuốt trên Trường Lưu.

Bà Ba Bông quê gốc ở huyện Mỹ Văn, tỉnh Đồng Tháp. Bà lấy chồng, theo chồng lên Tây Ninh. Năm 1968, ông Ba Vốn bàn với vợ làm cái chòi ở rẫy mì để lấy chỗ…trốn quân dịch. Khu vực rẫy mì giáp với khu căn cứ Năm Trại của cách mạng nên lính làng ít khi lui tới. Bà Ba chỉ khu đất trước mặt bảo tôi: “Từ đây xuống là khu vực của Xã đội Trường Hoà. Biết tôi đưa chồng đi trốn quân dịch, anh em du kích dần dần làm quen, qua đây phụ vợ chồng tôi mần cỏ, rồi chỉ cho tôi qua bển những chỗ có thể trồng mì. Rừng hồi đó rậm nhưng từng cụm theo lối da beo. Anh em du kích ở chỗ nào thì cắm biển Khu tử địa là lính không dám vô vì sợ gài trái. Từ năm 1968 đến 1975, tôi làm liên lạc cho anh em, giúp họ mua đồ ăn, tăng võng, thuốc men…”.

Người bắt mối đầu tiên với bà Ba là chú Sáu Thành và chú Út Tâm. Sau biết thêm Hai Ngoa và Thanh Nhái. Anh em hồi đó ăn ở cực khổ lắm, toàn che tăng mắc võng nằm, hoặc có ai gan hơn thì cắt tranh che cái lều nhỏ vừa che đủ chỗ mắc võng. Lúc nào địch “thụt ô buýt” hoặc cối thì phải xuống hầm. Những năm đó, bà Ba tự nguyện làm liên lạc cho cách mạng, buổi sáng vô rẫy, nếu thấy có dấu hiệu lính nguỵ đi càn thì nhanh chóng vô khu rẫy gần căn cứ, tới điểm hẹn báo cho anh em du kích biết để có kế hoạch đối phó. Thường bà mướn mấy người đi làm mì phụ hoặc rủ những gia đình có rẫy gần đó đi cùng để che mắt địch. Khi mọi người tản đi làm hết, bà mới gõ cán cuốc báo hiệu cho du kích ra gặp nghe tình hình. Có nhiều lần quá nguy hiểm may mà tránh được. Đó là lần đi vô rẫy, mới tới nhà ông Năm Tú thì bà Ba phát hiện dấu giày lính rất nhiều. Bọn lính lúc đó đã tản vô các nương mì, núp sau các ụ mối. Bà Ba bảo mấy người đi cùng về đi, bữa nay không làm được mà họ không nghe, nói lỡ vô rồi thì làm luôn. Bà Ba tìm được du kích, vừa báo xong tình hình thì pháo địch từ ba phía Cầu Khởi, Bến Kéo, Trà Võ cùng bắn vô dữ dội. May có mấy căn hầm của du kích chứ không bữa đó “tiêu hết mấy người”.

Một lần chú Út Tâm và anh Thanh Nhái gởi tiền nhờ bà mua thuốc Tây. Họ viết tên thuốc lên tờ giấy rồi đưa bà lên chợ Trường Lưu mua. Bà Bảy Hậu chủ tiệm thuốc Tây thấy số lượng thuốc mua quá nhiều, lại toàn thuốc sốt rét thì bảo: “Cô mua thuốc sốt rét nhiều như vậy, coi chừng bị cảnh sát bắt à nghen”. Bà Ba sợ, bèn gửi lại chỉ mang một ít về. Vừa ra khỏi tiệm thuốc tới đường ngang thì cảnh sát ập tới. Thoát được về căn cứ, bà Ba than với chú Sáu Thành: “Hôm nay mua thuốc sốt rét, xém chút nữa bị bắt

Khu căn cứ Năm Trạ

rồi. Nếu bị bắt, chồng trốn quân dịch thì ai nuôi sắp nhỏ?”. Sau này gặp lại, ông Út Tâm còn nói chọc bà Ba. “Bây mua thuốc cho cách mạng có mấy lần, giờ được cấp thuốc không cả đời còn gì. Vậy mà hồi đó rên dữ quá”. Hiện nay bà Ba được hưởng chế độ Bảo hiểm y tế đối với người có công với cách mạng. Năm trước đi mổ, nhờ có BHYT mà đỡ mấy triệu bạc,

Sau giải phóng, vợ chồng bà Ba dọn lại khu rẫy mì. Bà sợ có mìn nhưng ông Hai Ngoa nói anh em du kích không có gài trái bên đó. Tuy vậy lúc giẫy cỏ, ông bà cũng lượm được nhiều lựu đạn do cả ta và địch khi hành quân qua đánh rớt. Có lần vun cỏ đốt rẫy, vừa về tới nhà thì nghe tiếng nổ của lựu đạn bị lẫn trong cỏ. Ông Ba một mình quần quật đào cái ao rộng gần công đất để thả cá. Hai vợ chồng dọn nhà xuống ở gần khu Năm Trại vì đất dưới này rộng và tốt. Bà Ba cặm cụi với khu vườn mới, cùng chồng con phát triển kinh tế gia đình. Chỉ có điều bà buồn là hai vợ chồng sinh được 6 người con thì ba người bị bệnh mất từ nhỏ. Sau này ông Ba mất đi, chỉ còn lại bà và anh con trai Út chăm sóc vườn nhà.

Những ngày lễ tết hay kỷ niệm chiến thắng, bà Ba vẫn được mời đi họp hay dự mít tinh. Những người cán bộ trong khu căn cứ Năm Trại từng gắn bó với bà như bà Năm Nhiên, bà Ba Nhớ vẫn gặp nhau thường xuyên, cũng có những người không còn như ông Út Chín Nhỏ. Sau giải phóng ông Út Tâm, ông Sáu Thành, ông Tư Lẹ, ông Ba Công đều công tác ở uỷ ban huyện Hoà Thành, mỗi lần hội họp đều gặp bà Ba, chắc giờ họ về hưu cả rồi. Bà Ba chỉ cho tôi tấm Huy chương kháng chiến hạng Nhì mình được tặng, nói: “Cách mạng cũng ghi công lao cho bác đó. Giờ bác lên chùa làm công quả, kiếm cây lá làm thuốc làm từ thiện cho nhơn sanh. Những lúc vô rừng kiếm cây thuốc, lại nhớ anh em cách mạng hồi đó gian khổ vì dân, vì nước ở nơi này”.

P.Q