Pháp luật   Bạn đọc

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Trả lời đơn bà Trần Thị Huệ Trí:

Bà có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính 

Cập nhật ngày: 08/12/2019 - 06:59

BTN - Trước khi xây dựng công trình nhà tạm và ki-ốt trong phạm vi đất quy hoạch hành lang đường bộ, bà Trần Thị Huệ Trí (ngụ khu phố Thanh Hà, thị trấn huyện Gò Dầu) có thông qua chính quyền địa phương bằng tờ cam kết cụ thể, được Chủ tịch UBND Thị trấn chứng thực. Tuy nhiên, công trình này đang bị buộc phải tháo dỡ.

Ba ki-ốt liền kề trên căn nhà được sửa chữa nằm cặp bên dốc cầu Gò Dầu.

Có cam kết

Bà Trí có hai thửa đất được Nhà nước cấp giấy chứng nhận QSDĐ tại khu phố Nội ô A, thị trấn huyện Gò Dầu. Căn nhà trên đất của bà Trí nằm cặp bên dốc cầu Gò Dầu, gần khu chợ huyện, nhưng đã hư hỏng, xuống cấp. Bà mong muốn sửa chữa lại căn nhà, tận dụng khoảng không gian bên trên để làm ki-ốt phục vụ cho việc mua bán nhằm ổn định cuộc sống. Bà Trí liên hệ UBND Thị trấn để được hướng dẫn về các thủ tục liên quan.

Bà Trí được cán bộ địa chính thị trấn Gò Dầu cho biết, qua trao đổi với Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện (Phòng KTHT), hai thửa đất trên của bà nằm trong phạm vi đất quy hoạch hành lang đường bộ (chưa được bồi thường) nên không thể cấp giấy phép xây dựng. Nếu gia đình bà có nhu cầu, phải làm tờ cam kết với chính quyền địa phương theo hướng: khi nào Nhà nước cần thu hồi đất thì gia đình bà Trí chỉ được xem xét bồi thường về đất, không bồi thường nhà ở và ki-ốt, đồng thời đương sự phải tự tháo dỡ các công trình này. Bà Trí đồng ý và làm tờ cam kết.

Ngày 20.8.2018, ông Lê Văn Khôi - Chủ tịch UBND Thị trấn ký chứng thực vào tờ cam kết của bà Trần Thị Huệ Trí. Sau đó, bà Trí sửa nhà, nâng cấp đổ sàn tạm lên trên để xây thêm ba ki-ốt liền kề. Trong quá trình thi công, ngày 3.10.2018, có đoàn công tác gồm đại diện Phòng KTHT, Chi cục Quản lý đường bộ IV.2, Công ty CP Đầu tư xây dựng công trình 742, UBND Thị trấn đến lập biên bản về việc kiểm tra, xử lý vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đoạn K143+350 QL.22A (bên phải tuyến) đối với bà Trí.

Qua làm việc, chính quyền địa phương có ý kiến: “Theo Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23.9.2015, tại khoản 3 Điều 29 nêu rõ, công trình bị xuống cấp, chưa được nhà nước đền bù, giải toả và người dân có nhu cầu để sử dụng thì UBND địa phương thống nhất phương án sửa chữa” (trích nguyên văn trong biên bản- PV). Để tạo điều kiện ổn định cho người dân sinh sống, phù hợp với nhu cầu sử dụng, địa phương thống nhất cho bà Trần Thị Huệ Trí sửa chữa nhà tạm (ki-ốt), không cơi nới, mở rộng.

Đơn vị quản lý tuyến quốc lộ yêu cầu bà Trí cam kết khi kinh doanh buôn bán không để phương tiện dừng, đỗ lấn chiếm lòng, lề đường QL.22A, gây mất an toàn giao thông. Đồng thời kiến nghị UBND Thị trấn theo dõi, tuyên truyền, phổ biến cho người dân chấp hành các quy định pháp luật về giao thông đường bộ, phạm vi đất dành cho đường bộ, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Biên bản kiểm tra còn nêu rõ: “Qua ý kiến của các cơ quan chức năng, tất cả thống nhất với ý kiến như trên”. 

Sau khi đoàn công tác kiểm tra xong, bà Trí an tâm, tiếp tục xây dựng công trình cho đến khi hoàn tất mà không nhận được thông báo hay ý kiến nào khác từ phía cơ quan chức năng. Sử dụng nhà ở và ki-ốt được gần hai tháng, bất ngờ, ngày 27.11.2018, đại diện đơn vị quản lý tuyến đường và cán bộ địa chính thị trấn Gò Dầu đến lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với bà Trí về hai hành vi: xây dựng nhà ở trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ và tự ý tháo dỡ rào chắn (hộ lan mềm) của công trình QL.22A.

Vẫn bị xử phạt

Ngày 3.12.2018, UBND huyện Gò Dầu ra Quyết định số 219 xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 21,5 triệu đồng. Quyết định buộc người vi phạm phải tháo dỡ công trình xây dựng trái phép, lắp lại hộ lan mềm đường bộ, khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm hành chính gây ra. Bà Trí đã đóng tiền phạt, đồng thời lắp lại rào chắn công trình đường bộ. Tuy nhiên, đến nay, bà Trí vẫn chưa tháo dỡ công trình nhà ở và ki-ốt.

Theo bà Trí, để thuận tiện trong việc kinh doanh, bà tự ý tháo dỡ một đoạn hộ lan mềm là sai. Riêng việc xây dựng công trình nhà ở và ki-ốt, trước khi thi công, gia đình bà có liên hệ cơ quan chức năng để xin ý kiến và đã làm tờ cam kết, được Chủ tịch UBND Thị trấn chứng thực. Hơn nữa, trong quá trình xây dựng, đại diện các cơ quan liên quan cũng đã đến chứng kiến, lập biên bản, thống nhất theo tinh thần trong biên bản làm việc vào ngày 3.10.2018. Tại thời điểm kiểm tra, trong khi công trình chưa hoàn tất, nếu các cơ quan có thẩm quyền nhận thấy có hành vi vi phạm thì tại sao không kịp thời hướng dẫn, ngăn chặn để tránh gây thiệt hại về sau cho người dân?

Bà Trí cho hay, bà đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để sửa chữa nhà ở và xây dựng ki-ốt, giờ bị buộc phải tháo dỡ, khiến bà không phục. Để có tiền sửa nhà, bà Trí phải đi vay ngân hàng. Mặc dù vị trí đất nằm trong quy hoạch nhưng chưa được đơn vị chức năng sử dụng. Do đó, bà Trí làm “đơn xin cứu xét” tạm thời cho giữ nguyên hiện trạng công trình mới xây dựng. Khi nào việc thu hồi đất quy hoạch được triển khai thì gia đình bà tự nguyện thực hiện đúng theo tờ cam kết. Bà Trí chỉ mong được giữ lại công trình để làm chỗ ở tạm chứ không hoạt động kinh doanh mua bán, tránh phát sinh tụ tập đông người gây mất an toàn giao thông.

Ngày 18.10.2019, UBND huyện Gò Dầu có Văn bản số 1228 trả lời “đơn xin cứu xét” của bà Trí. Theo văn bản này, tháng 8.2018, bà Trí xây dựng mới công trình với diện tích 44,5m2, kết cấu 2 tầng (tầng trệt và 3 ki-ốt bên trên, ngang mặt tiền đường QL22.A). Để bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên tuyến quốc lộ, tất cả các trường hợp vi phạm đều phải được xử lý triệt để, đúng quy định của pháp luật. UBND huyện Gò Dầu không đồng ý cho bà Trí giữ nguyên hiện trạng công trình theo nội dung đơn yêu cầu, đề nghị bà chấp hành theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 219.

Sau đó, UBND huyện Gò Dầu tiếp tục nhận được “đơn xin cứu xét” của bà Trí với nội dung tương tự, đơn do Văn phòng Huyện uỷ chuyển. UBND huyện vẫn giữ nguyên quan điểm trả lời bà Trí như tại Văn bản số 1228. Khi nhận được văn bản trả lời của huyện, bà Trí bức xúc: “Chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan đều biết gia đình tôi sửa nhà và làm ki-ốt.

Việc này diễn ra trong nhiều tháng chứ không phải một vài ngày. Hậu quả xảy ra như vậy khó tránh khỏi phần trách nhiệm của cơ quan chức năng. Thế nên, thiệt hại gây ra cần phải được xem xét và giải quyết theo quy định của pháp luật. Tiếp theo, tôi sẽ thực hiện quyền khiếu nại nên hiện tại không đồng ý tháo dỡ công trình”.

Ngày 25.11.2019, UBND huyện ban hành Quyết định số 5173 về việc cưỡng chế buộc thi hành khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm hành chính đối với bà Trí. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định, nếu bà Trí không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế. Tuy nhiên, bà Trí đã không đồng ý nhận quyết định cưỡng chế. Trong quyết định có nêu rõ: “Bà Trần Thị Huệ Trí có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính đối với quyết định này theo quy định của pháp luật”. 

Ông Trần Công Tạo - Phó chánh Văn phòng UBND huyện Gò Dầu cho biết, trong vụ việc có sự thiếu sót về mặt quản lý từ phía chính quyền địa phương, phòng chức năng. Cụ thể là UBND Thị trấn và Phòng KTHT, một số cán bộ có liên quan đã bị xử lý nghiêm theo quy định. Chủ tịch UBND Thị trấn và cán bộ địa chính đã bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách; trưởng, phó Phòng và một chuyên viên Phòng KTHT bị kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Quốc Sơn