Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Bá Huê Viên
Thứ tư: 02:06 ngày 20/04/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trong Bá Huê viên vẫn còn 5 cây cao su của đồn điền Pháp, có trước khi Đạo chọn nơi đây làm đất Tổ đình để xây Toà thánh Cao Đài.

Rộng 1,2 mẫu (ha), bắt đầu khoanh vườn để trồng và chăm cây kiểng quý từ khoảng năm 1960. Đấy là những thông tin đầu tiên thu lượm được từ một dì cao tuổi, chuyên công quả coi sóc vườn hoa kiểng Bá Huê viên trong nội ô Toà thánh Cao Đài. Nếu ai qua lại trục đường chính Phạm Hộ Pháp mỗi ngày, chắc sẽ có cảm giác Bá Huê viên ngày nào cũng thế. Cũng màu xanh mườn mượt toả bóng mát quanh năm. Cũng hoa chuối, hoa dong riềng cum cúp nhoai lên, nhoi nhói đỏ. Lại còn vô vàn chậu và cây sứ, gốc múp míp vặn vẹo muôn kiểu dáng để rồi bung ra trên chỏm lá xanh rờn những chùm bông đỏ, trắng hay vàng. Nói đến sứ bỗng nhiên lại nhớ, màu hoa sứ đỏ trong vườn trăm hoa này cũng thật đặc biệt. Giống hệt son tươi làm đỏ môi thiếu nữ, chỉ có màu hoa đào biếc mùa xuân phương Bắc là có thể sánh được mà thôi! Rồi những cây chuối cảnh (nghe nói nguồn gốc Châu Phi) xoè những tấm lá to trên cùng mặt phẳng. Trông xa như những chiếc quạt ba tiêu trong phim truyện Tàu Tây Du ký. Chúng đứng lặng, mà quạt gió lên trời như thế đã bao năm…

Vậy mà vẫn có những hình ảnh lạ, nếu người đi qua chịu dừng xe bước vào tận trong vườn. Như giữa tháng ba này (2011) có cây đại tướng quân đang trổ một cành hoa cao tới hơn 3 mét. Dì công quả còn bổ sung, cây đại tướng còn có một tên gọi khác là cây giữ tiền. Lý do vì sao còn chưa rõ, nhưng trước mắt đã hiện hình một đài hoa thẳng đứng, đâm lên từ tâm điểm của cây. Từ thân trục hoa lại đâm ra vô số những cành hoa xoè đều ra các hướng, lên cao thì ngắn dần lại, nên có khối hình hoa như ngọn tháp. Những chùm bông bên dưới đã hoe vàng, còn bên trên vẫn xanh mướt tựa màu bông thiên lý vườn nhà.

Cây cảnh Bá Huê Viên

Bá Huê viên - vườn trăm hoa có lẽ còn cả trăm loài kỳ hoa dị thảo. Thứ dễ thấy nhất là những vòm, bụi cây họ sanh, si được chăm chút tỉa tót tạo nên nhiều hình dạng. Lớn nhất có lẽ là bộ tứ linh đứng bên trái lối vào chính. Bộ này gồm đủ hình tượng các vật linh như: rồng, lân, rùa, phượng. Lân rất dễ nhận ra, nhờ đứng oai nghi một góc khối hình. Còn long, phượng và rùa như quện vào nhau trông như một tổng thể sinh động và xanh rờn năm tháng. Bên phía đối diện, ở vế bên phải cổng chính còn có những tạo hình sanh, si thành những dáng rồng cuộn, phượng đang vỗ cánh bay lên. Cũng loài cây này còn được các nghệ sĩ dân gian - công quả Cao Đài tạo hình những con vật gần gũi, dễ thương như con trâu, con vịt. Rồi cả những tán cây khéo léo kết lại từ nhiều gốc, làm nên những mái nhà hình ngọn tháp, hình cây rơm hay chiếc nấm. Ở vài ba trụ cổng, với sự góp mặt của bêtông, ta còn thấy những loài dây leo hoa nở bốn mùa như sử quân tử kết thành những vòm cổng rậm, dày như có thể che mưa. Dọc các lối đi, nhiều loài hoa thân mềm như cỏ, bung đầy những chùm hoa tím hoặc vàng, hồng, trắng. Trong rất nhiều hồ nước xinh xắn bố trí như là ngẫu hứng, còn có sen xanh, súng tím điểm trang làm mát mắt người qua. Đấy mới chỉ là những loại kiểng, hoa thu hút các bạn trẻ sà vào chụp ảnh. Còn với các ông, bà cao tuổi hoặc nghệ nhân các câu lạc bộ cây kiểng thì lại hay săm soi kỹ lưỡng hoặc suýt xoa khen ngợi các thế cây bon sai, cũng thật muôn hình vạn trạng có trong vườn. Có loại, không biết vô tình hay thật hữu ý mà thân và cành tạo hình một chữ nho lối viết hoa mỹ như thư pháp. Thư pháp này đặc sắc hơn nhờ phông nền là lá, là hoa luôn biến đổi ở mỗi một góc nhìn. Lại cũng có những dáng xương rồng khẳng khiu thân mọc toàn gai nhưng luôn thẳng như thân trúc. Chỉ ở trên ngọn mới chấp chới một nụ hoa màu cờ đỏ thắm.

Thế nhưng tất cả những điều tuyệt vời kể trên cũng chưa chắc sánh được với một chuyện đã cũ, nhưng sẽ là rất mới đối với người chưa biết. Đó là trong Bá Huê viên vẫn còn 5 cây cao su của đồn điền Pháp, có trước khi Đạo chọn nơi đây làm đất Tổ đình để xây Toà thánh Cao Đài. Vậy là những cây cao su này được trồng trước năm 1927. Điều này đáng để các công ty cao su đang phát triển mạnh trên đất Tây Ninh quan tâm trên cả hai mặt khoa học và lịch sử. Giờ chúng vẫn là những cây cổ thụ sum suê toả bóng trong vườn nhưng vẫn mỗi năm mỗi lần thay lá. Thậm chí có cây gốc đã to cả mấy người ôm, xù ra nhiều ụ, mấu. Còn trên thân cành thì y hệt cây rừng với vô số loài tầm gửi, dây leo vấn vít vòng quanh. Liệu có phải đây là những cây cao su thuộc thế hệ đầu tiên, duy nhất hiện còn trên đất Tây Ninh. Chỉ riêng chuyện này thôi cũng đáng để Bá Huê viên trở thành một điểm dừng chân trong bất cứ một tour du lịch nào ghé thăm Toà thánh Cao Đài.

TRẦN VŨ

 

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục