Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng

Anh Nguyễn Văn Hùng- "cột mốc sống" trên vùng biên Hoà Thạnh

Anh thứ Ba, tên Nguyễn Văn Hùng, nhà ở Tà Nông. Cứ bước chân vô vùng biên giới Hoà Thạnh - Thna Thnong này, cả bên Việt lẫn bên Cam hỏi Ba Hùng ai cũng biết. Ba Hùng giàu, giàu lắm! Anh có đến vài chục mẫu đất, canh tác quanh năm. Nhưng Ba Hùng nổi tiếng xứ này không phải vì giàu, mà do cái tính thẳng thắn, bộc trực, không kiêng nể ai, hễ thấy ai nói sai, làm sai là anh phản bác đến cùng.

Ngồi với Ba Hùng hơn nửa ngày, tôi càng thấy quý anh hơn. Thực chất, những gì Ba Hùng làm, cũng đều vì chủ quyền lãnh thổ. Đó là ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân nước Việt trước tổ tiên ông bà, những bậc tiền nhân mở cõi, đánh đổi máu xương để có dáng hình Tổ quốc hôm nay.

Trong căn chòi rẫy của Ba Hùng (nằm trên địa bàn ấp Hiệp Bình, xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành), trên chiếc võng hết chỗ vá, rít một hơi thuốc, Ba Hùng kể, cha anh là ông Nguyễn Văn Sương, trước tham gia Việt Minh, năm 1960, ông được điều về làm Bí thư xã Van Bon - vùng tạm giải phóng, sau đổi tên là Thành Long, rồi tách ra lấy tên là Hoà Thạnh bây giờ. Ông lập gia đình, mua đất cất nhà, bám trụ ở đây luôn. Anh Hùng sinh năm 1968. Thuở nhỏ, anh dòng trâu đi khắp, nên thuộc làu từ lùm cây đến ngọn cỏ. Thời đó, trên đoạn biên giới này đã có cột mốc do Pháp cắm rồi. Tuổi thơ của anh là những ngày cùng đám bạn Khmer bên phum Thna, Thnong (xã Thna Thnong, huyện Romdoul, tỉnh Svay Rieng, vương quốc Campuchia) đối diện dắt trâu tìm cỏ, lội bàu bắt cá dọc theo đường biên, quanh cột mốc. Đến năm 1985, Chính phủ Việt Nam - Campuchia cắm mốc lần thứ nhất, ngay vị trí mốc cũ thời Pháp và lần thứ hai năm 2006 cũng tương tự. Điều này không riêng gì anh hay đám bạn Khmer bên kia biên giới biết, mà tất cả người dân Việt lẫn Cam - những người sinh ra và lớn lên ở vùng biên này đều thừa nhận. 

Anh Ba Hùng cùng các chiến sĩ Đồn Biên phòng Phước Tân bên cột mốc biên giới 146

Kể đến đây, chị Ngọc Anh - vợ Ba Hùng đi chợ về tới, đưa mắt nhìn chị một lúc, anh tiếp tục câu chuyện của đời mình: Hồi đi bộ đội, đóng quân ở Đồng Dù, một lần ra quân làm công tác dân vận, gặp và quen biết chị ở xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh. Xuất ngũ, anh quay lại cưới chị. Từ đó, chị rời thành phố theo anh về bám trụ ở Tà Nông.

“Những ngày đầu về đây, đêm nào tôi cũng khóc. Hồi đó, Tà Nông làm gì có đường sá như bây giờ, tứ bề vắng vẻ, vài ba cây số mới thấy một nóc gia, chợ búa thì xa, bệnh tật nhiều lần tưởng chết, còn trộm cướp thì triền miên. Cứ vài ba bữa, trộm rình nhà bắt trâu. Ban đầu sợ, riết rồi cũng quen. Đận đó, vất vả quá, nhiều người bán đất mà đi, vợ chồng tôi khuyên can, mong người ta ở lại cho có bạn nhưng không được. Cách đây mấy năm, khi các nhóm phản động bên Campuchia kéo xuống cột mốc la ó, biểu tình, bà con sợ sệt, kéo đồ đạc về sâu bên trong, tui với anh Hùng động viên dữ lắm, nhưng họ sợ… Ở đây là đường biên, ai cũng đi hết thì còn gì nữa!” - chị Ngọc Anh tâm sự.

Nghe chị nói đến đây, tôi lý giải thêm rằng, sở dĩ Ba Hùng kiên gan bám đất, có lẽ cũng nhờ sự tảo tần, chịu thương, chịu khó và đồng cảm của người vợ trong việc bám đất, bám làng, bảo vệ biên cương.

Những người bạn Khmer bên Thna Thnong thường xuyên qua thăm Ba Hùng để học hỏi kinh nghiệm trồng trọt

Từ bên ngoài có 3 thanh niên người Campuchia bước vào, Ba Hùng nói: “Mấy đứa con nuôi, nhà bên Thna, Thnong, hôm nay qua phụ xây cái hồ nước”.

Hỏi chuyện Răck - con nuôi của Ba Hùng, nó kể: Gần 2 năm trước, ba ruột của Răck là ông La Vin - bạn kết nghĩa thời chăn trâu của Ba Hùng bị tai biến. Nửa đêm nửa hôm chẳng biết cầu cứu ai, Răck nhớ đến Ba Hùng và điện thoại nhờ ông cứu giúp. Ba Hùng gặp Bộ đội Biên phòng xin cho Răck đưa ba mình qua biên giới, xuống thành phố Tây Ninh cấp cứu. May mà có ông Ba Hùng, ông La Vin thoát chết, từ đó, Răck trở thành cậu con nuôi thứ 5 của anh. “Ba Hùng giúp dân bên Campuchia nhiều thứ lắm!” - Răck nói.

“Anh thường giúp gì?” - tôi hỏi. “Thường thì bà con bên đó hay nhờ mình hỗ trợ trồng trọt. Mình biết nhiêu chỉ bấy nhiêu, “sạch ruột” với bà con, từ vốn giống đến kỹ thuật chăm bón, vun trồng. Thấy vậy, nhiều người kết nghĩa anh em. Bên đó mỗi lần lễ tết, cưới hỏi đều mời vợ chồng tôi qua dự cho bằng được. Mấy đứa thanh niên, như thằng Răck, thì xin làm con nuôi”.

Ba Hùng cùng cậu con nuôi là Răck ghé thăm các chiến sĩ Trạm KSBP Hoà Thạnh

Những lần sang nước bạn, Ba Hùng gặp không ít người “thuộc thành phần phản động”, dùng những lời lẽ khiêu khích, vu khống Việt Nam lấn chiếm đất... Ba Hùng bực, kêu đám bạn chăn trâu hồi trước ra để xác nhận xem, trải qua 2 lần cắm mốc, Việt Nam có lấn sang không? Tất cả đều chỉ ngay vị trí mốc. Ba Hùng hỏi nà: “Hồi Việt Nam sang đánh Pol Pot giúp người Khmer khỏi nạn diệt chủng, nói xin lỗi chứ cắm cột mốc đâu mà chẳng được, nhưng Việt Nam có làm vậy không? Từ xưa tới giờ, mấy ông bệnh hoạn sang Việt Nam chữa bệnh có ai làm khó, làm dễ gì không? Dân Việt Nam bên tui cũng còn nghèo nhưng có bao giờ bỏ các ông khi bị đói không? Bây giờ hoà bình, vui vẻ, yên ổn làm ăn, mấy ông ở đâu đến đây không biết ất giáp gì về biên giới, bày đặt vu khống Việt Nam!”. Và không ít người đã phải cúi đầu xin lỗi trước Ba Hùng.

Mang chuyện Ba Hùng tôi tìm đến Trạm kiểm soát biên phòng Hoà Thạnh cách đó không xa, nhắc đến tên anh, cả trạm đều à lên một tiếng, bảo anh là “người nhà” của Biên phòng, chia ngọt sẻ bùi, sớm tối có nhau, khi thì nắm rau, lúc con cá. Thượng tá Nguyễn Văn Dũng - Chính trị viên Đồn Biên phòng Phước Tân ra thăm anh em ở trạm chia sẻ: “Những sĩ quan trẻ mới về đây công tác đều tranh thủ đến gặp anh Ba Hùng, chỉ vài ba ngày là hiểu hết lịch sử vùng biên này, từ đường biên cột mốc cho đến phong tục tập quán của bà con Campuchia. Anh chỉ những cái nên làm, không nên làm ở cả đôi bờ biên giới”.

Trung tá Nguyễn Đức Tuyên- Phó Đồn trưởng Nghiệp vụ tiếp lời Thượng tá Dũng: “Nhờ am hiểu tường tận lịch sử đường biên, lại thông thạo tiếng Khmer, nhiều lần sang bạn chơi, anh Ba biết nhiều chuyện do bà con bên kia cung cấp, nhờ đó giúp chúng tôi chủ động đối phó kịp thời với các vụ vi phạm quy chế biên giới. Nhất là trong các năm từ 2014 - 2016, anh bỏ hết công ăn việc làm ở nhà, lên biên giới, cơm nắm, nước lạnh cùng chúng tôi đứng ra đấu tranh phản bác lại các luận điệu sai trái, phi lý, vô căn cứ của các phe nhóm phản động ở Campuchia, lôi kéo, kích động nhiều người từ nơi khác xuống các vị trí vừa cắm mốc và chưa cắm mốc để la ó, vu cáo Việt Nam lấn đất, chiếm đất; buộc họ phải thừa nhận giá trị của việc phân giới cắm mốc do Chính phủ hai nước đã ký kết, nhanh chóng ổn định tình hình an ninh biên giới”.

Chuyện của Ba Hùng càng nghe tôi càng thấm, anh nặng nợ ân tình với vùng biên này, bởi đó là mồ hôi, là xương máu từ đời cha đến đời anh - gần 60 năm gắn bó. Năm nay đã ngoài 50 tuổi, nhiều người khuyên Ba Hùng bán đất về thành phố cho khoẻ, anh chỉ cười trừ và gạt bỏ ngoài tai. Ba Hùng quan niệm: dân vùng biên nói về kinh tế là thua thiệt so với ở thành thị, ở đây cũng buồn lắm, nhưng bỏ đất bỏ làng mà đi là có tội với tổ tiên ông bà - những người đã vượt qua bao gian khổ mới tạo được một phần hình hài của đất nước. “Dân biên giới, ai cũng sợ khó mà bỏ đi, còn đâu là Tổ quốc. Huống hồ, mảnh đất này bao nhiêu năm đã dung dưỡng, cưu mang cả gia đình tôi.  Có chết tôi cũng phải nằm lại đây” - Ba Hùng quả quyết.

Biên cương xã tắc bao đời nay hình thành và trụ vững, một phần là nhờ những nông dân chân chất có cách làm, cách nghĩ giống như Ba Hùng Tà Nông.  

Lê Quân