Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Bà Merkel phá vỡ 2 điều cấm kỵ ở Đức
Thứ năm: 18:28 ngày 21/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Đức vốn không muốn bỏ tiền túi ra cho các quốc gia khác trong EU chi tiêu. Song trước sự tàn phá của đại dịch, bà Merkel đã đặt lợi ích của khối lên trên lo lắng trong nước.

Trong thời gian làm thủ tướng Đức, bà Angela Merkel đã chứng kiến Liên minh Châu Âu (EU) bị thách thức bởi Brexit, làn sóng người nhập cư, khủng hoảng nợ công Hy Lạp và chủ nghĩa dân túy, và bà về cơ bản vẫn kiên định với đường lối của mình.

Và rồi virus corona xuất hiện.

Đối mặt với sự vấy bẩn trên di sản của chính mình cũng như sự suy thoái kinh tế sâu sắc tại Đức và các đối tác thương mại chính, bà Merkel tuần này đã quyết định phá vỡ hai điều cấm kỵ từ lâu trong chính sách của Đức, theo New York Times.

"Đứng lên vì châu Âu"

Cùng với tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, bà Merkel đề xuất một quỹ 500 tỷ euro để giúp các quốc gia thành viên EU bị dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng nhất khôi phục kinh tế.

Đề xuất này hoàn toàn đối lập với hai yếu tố trung tâm của tư duy Đức, theo ông Jean Pisani-Ferry, nhà kinh tế học từng làm cố vấn cho chính phủ Pháp.

Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc họp báo sau hội đàm trực tuyến với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 19/5. Ảnh: Getty.

Kế hoạch này, được Ủy ban Châu Âu hoan nghênh, sẽ cho phép chuyển tiền từ các nước giàu hơn sang những nước cần giúp đỡ hơn. Và cũng theo kế hoạch này, tiền sẽ được EU vay chung với tư cách tập thể.

Những điều này không nhận được sự ủng hộ rộng rãi tại Đức, và có thể có lợi cho các đối thủ dân túy của bà Merkel trên chính trường. Song bà Merkel, vào lúc hoàng hôn của sự nghiệp chính trị, đã đặt lợi ích của liên minh 27 quốc gia lên trên những lo ngại trong nước của bà.

Đối mặt với đại dịch đã tàn phá nền kinh tế Châu Âu, bà Merkel và ông Macron, những người thường xuyên bất hòa trong vài năm qua, đã lôi "động cơ" Pháp - Đức đã rỉ sét ra khỏi gara và cho nó chạy lại.

Theo đề xuất, quỹ phục hồi sẽ là khoản nợ do EU phát hành và được toàn bộ 27 thành viên chấp nhận. Số tiền này sẽ được Ủy ban Châu Âu phân phối dưới hình thức tài trợ như một phần trong ngân sách bình thường của liên minh và được EU hoàn trả trong thời gian dài.

Berlin đã kiên định phản đối những lời kêu gọi về việc phát hành cái gọi là "eurobond" (trái phiếu châu Âu) trong nhiều năm, vì lo ngại rằng các công cụ nợ thông thường sẽ khiến Đức phải bỏ tiền túi ra để các quốc gia khác chi tiêu.

Với đề xuất lần này, việc trả nợ sẽ là trách nhiệm tài chính của cả EU nhưng khoản tiền chủ yếu sẽ có lợi cho các nước ở Nam Âu, vốn có kinh tế kém phát triển hơn và đang bị dịch bệnh ảnh hưởng nặng nhất.

Đây rõ ràng là điều mà Đức cũng như các nước giàu phương Bắc vốn luôn tránh xảy ra.

Trong khi sự nhạy cảm về vấn đề vẫn chưa tan biến (cả bà Merkel và ông Macron đều tránh đề cập đến từ "eurobond" hôm 19/5), chiều sâu của cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế do dịch bệnh gây ra dường như đã thuyết phục bà Merkel rằng Đức không còn lựa chọn nào khác nếu muốn tránh những rạn nứt khác trong EU.

Các lãnh đạo chính trị ở phía nam khu vực đã kêu gọi tinh thần đoàn kết từ Đức và các quốc gia phía bắc khác trong nhiều tuần, cảnh báo rằng người dân của họ, bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh, sẽ quay lưng lại với EU nếu không nhận được thêm trợ giúp.

"Đức và Pháp đang đứng lên vì châu Âu", bà Merkel nói sau cuộc hội đàm trực tuyến với ông Macron. "Những hoàn cảnh khác thường cần đến những biện pháp khác thường".

Người dân chờ đợi nhận súp gà ở Barcelona, Tây Ban Nha. Ảnh: NYT.

Con đường chông gai

Mặc dù quy mô của quỹ phục hồi được đề xuất nhỏ hơn so với dự kiến, nhưng việc đề xuất phân phối tiền dưới dạng tài trợ cho các quốc gia cần đến, chứ không phải cho vay, đánh dấu sự nhượng bộ lớn về phía bà Merkel, theo Politico.

Nói một cách tiêu cực, theo báo này, đề xuất đã biến nước Đức tiết kiệm trở thành "nạn nhân mới" của virus corona. Song việc này cũng cho thấy rằng bà Merkel dường như đã rút ra được bài học từ các cuộc khủng hoảng trong quá khứ.

Các nỗ lực giải cứu của châu Âu đối với Hy Lạp và các quốc gia khác trong cuộc khủng hoảng nợ khu vực đồng euro bị nhìn nhận là mang tính trừng phạt quá đậm nét, chủ yếu là do Đức đòi hỏi việc thắt lưng buộc bụng như một điều kiện cho viện trợ. Việc này đã làm lung lay niềm tin vào EU ở phần lớn Nam Âu và thúc đẩy cảm xúc chống Đức tại nhiều nơi.

Bản chất của đại dịch - xảy ra không phải là do sự quản lý sai lầm của chính phủ như khủng hoảng nợ - có thể đã khiến Merkel dễ dàng đồng ý nới lỏng các điều kiện về tiền bạc. Tất nhiên, bà cũng vẫn phải cần đến sự đồng ý của quốc hội Đức.

Kế hoạch cụ thể dự kiến được Ủy ban Châu Âu công bố vào tuần tới, song con đường đi đến thỏa thuận cuối cùng mà toàn bộ 27 nước đều nhất trí rõ ràng sẽ rất chông gai. Các quốc gia như Áo, Hà Lan và Phần Lan, nơi chia sẻ truyền thống tiết kiệm với Đức, có khả năng phản đối kế hoạch này, hoặc ít nhất là cố gắng phản đối.

Thủ tướng Áo Sebastian Kurz đã không lãng phí thời gian để làm rõ rằng họ sẽ không từ bỏ lập trường phản đối việc tài trợ cho các quốc gia bị virus corona tấn công. "

"Chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ hầu hết quốc gia bị ảnh hưởng bằng các khoản vay", ông Kurz viết trên Twitter sau khi tham vấn với những người đồng cấp ở Đan Mạch, Hà Lan và Thụy Điển. Ông nói ngân sách 7 năm mới của EU không được cao hơn một cách đáng kể so với hiện tại.

Thủ tướng Áo Sebastian Kurz nói sẽ phản đối việc tài trợ thay vì cho vay. Ảnh: Twitter.

Bất kể điều gì được Ủy ban Châu Âu đưa ra đều sẽ dẫn đến những cuộc đàm phán gian nan, theo ý kiến các chuyên gia.

"Italy sẽ muốn nhiều hơn và Hà Lan sẽ muốn ít hơn", bà Nathalie Tocci, cố vấn cho EU, lãnh đạo Viện Quan hệ Quốc tế Italy, nói với New York Times.

Một nhà ngoại giao châu Âu nói rằng theo quan điểm của ông, trong khi Hà Lan đồng ý với ông Kurz rằng nợ cho các khoản tài trợ là không thể chấp nhận được, họ có thể đồng ý với một số khoản trợ cấp chúng đi kèm với các điều kiện sử dụng. Họ cũng có thể muốn thấy những nỗ lực thực sự của các quốc gia như Italy trong việc khắc phục những trở ngại đối với hoạt động của thị trường chung châu Âu.

Toàn bộ quá trình đàm phán nhiều khả năng sẽ chỉ kết thúc trong thời gian Đức đảm nhiệm chức chủ tịch của khối, bắt đầu vào ngày 1/7.

Anna Wieslander, người Thụy Điển, Giám đốc khu vực Bắc Âu của Hội đồng Đại Tây Dương, đã ca ngợi bà Merkel và nói bà ước rằng Thụy Điển sẽ thể hiện sự đoàn kết nhiều hơn với các nước ở châu Âu bị virus tấn công mạnh nhất.

"Nói chung, chúng tôi muốn Merkel lãnh đạo, và bây giờ bà ấy đang làm vậy, và làm vì lợi ích chung của châu Âu. Tất nhiên, ở Đức, bà sẽ không giành được phiếu bầu cho việc này. Nhưng đây là vấn đề về sự lãnh đạo".

Nguồn Zing

Tin cùng chuyên mục