BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bà Năm trồng rừng

Cập nhật ngày: 16/03/2010 - 06:00

Bà ngồi dưới tấm bạt che nắng rách te tua, đôi tay trần cần mẫn xúc từng mớ đất cho vào cái bọc ni lông nhỏ xíu để chuẩn bị cho ươm giống cây rừng Vườn quốc Gia Lò Gò - Xa Mát. Ít ai biết rằng, hơn 30 năm trước, bà từng nổi tiếng là người chuyên phá rừng, hầm than.

Người đàn bà ấy tên là Lê Thị Huệ (còn có biệt danh bà Năm “chửi thề”). Bây giờ, là bà Năm trồng rừng, 56 tuổi, hiện ngụ ở xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên. Quê bà Năm ở Long An. Năm 1968, bà Năm theo gia đình về Tây Ninh sinh sống. Những năm đầu, gia đình bà ở huyện Trảng Bàng, đến năm 1972 thì đến Tân Biên lập nghiệp. “Thời gian đó, Năm không làm việc gì lương thiện cả, buôn lậu, phá rừng, hầm than... chuyện gì Năm cũng tham gia”, bà Năm nhớ lại.

Một năm sau ngày miền Nam giải phóng, bà Năm lập gia đình. Vợ chồng bà... phá rừng, đốt lò, hầm than nhiều hơn. Lò than của vợ chồng bà có quy mô từ 2 - 3 tấn, mỗi lò như vậy phải hầm cả nửa tháng mới chín. Vợ chồng bà đem gạo, đem mùng vào ở luôn trong rừng là chuyện bình thường. Và họ cứ phá hết động rừng này thì kéo sang động rừng khác.

“Hồi đó, có lần đang chất than lên xe trâu để tải ra ngoài, tình cờ Năm thấy được ngoài bìa rừng có cái bao thuốc lá mới bỏ. Năm biết có lực lượng kiểm lâm đang theo dõi nên thay vì đi về đường cũ, Năm quyết định dọn đường mới đi vòng về. Về tới nhà, Năm ra quán ngồi nhậu, tới chiều tối thấy kiểm lâm mới về tới”, bà Năm cười khà khà khi nhắc lại chuyện xưa.

Gia đình bà Năm ươm giống cây rừng.

Tôi hỏi thêm bà về biệt danh bà Năm “chửi thề”. Bà kể: “Nói thiệt, hồi đó Năm có nhiều tật xấu như chửi thề, hút thuốc, nhậu. Bây giờ, lớn tuổi, đã bỏ bớt các tật xấu đó, nhưng cũng còn. Những lúc tức giận quá, theo thói quen Năm chửi thề không ngán ai”.   

Bà Năm kể tiếp về biệt danh bà Năm trồng rừng. Giọng bà trầm lắng: “Có lẽ ông bà xưa nói đúng, nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá. Vợ chồng Năm phá rừng càng nhiều, bây giờ quả báo càng nặng. Hơn mười năm nay, chồng của Năm đã bỏ Năm mà đi theo người đàn bà khác. Bây giờ, luống tuổi rồi mà Năm vẫn chưa có miếng đất đàng hoàng để ở. 5 đứa con của Năm đã lập gia đình hết 4 nhưng chúng còn nghèo hơn Năm. Trong đó, có đứa bị vợ bỏ, để lại hai đứa cháu nội cho Năm nuôi. Cứ nghĩ tới bao nhiêu điều đó mà mấy năm nay Năm phải ráng trồng rừng để bù đắp lại tội lỗi của mình”.

Từ năm 1996 đến nay, bà Năm là một điển hình trong công việc trồng và bảo vệ rừng ở Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát. Không chỉ lao động một mình, bà còn vận động con, dâu, rể của bà cùng làm, hình thành một nhóm 5 - 6 người, chuyên nhận trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Công việc của gia đình bà Năm rất đa dạng. Vào thời điểm này thì nhận công việc bỏ đất vào bao ni lông để chuẩn bị vườn ươm cây giống. Tiền công được trả theo sản phẩm: 5.000 đồng/100 bịch, trung bình mỗi người kiếm được khoảng 80.000 đồng/ngày. Sau khi vô đất xong, những người trong gia đình bà Năm tiếp tục nhận các công việc như cấy giống vào bịt, chăm sóc cây giống, vận chuyển cây giống, trồng rừng, chăm sóc rừng...

Đặc biệt, gia đình bà Năm nổi tiếng với công việc trồng rừng ở những “điểm nóng”. Tại khu vực Vườn quốc gia thường xảy ra những vụ lấn chiếm đất rừng. Sau khi chính quyền địa phương tiến hành cưỡng chế, thu hồi lại đất rừng thì công việc trồng rừng sau đó thường bị những người lấn chiếm đất rừng trước đây gây hấn. Trong khi nhiều người khác không dám nhận trồng rừng thì gia đình bà Năm sẵn sàng đảm trách. Với tiếng tăm của bà Năm, những người lấn chiếm đất rừng đều phải kiêng nể, không dám cản phá.

Anh Nguyễn Thanh Hải, kỹ thuật viên Vườn ươm, người trực tiếp hợp đồng công việc với bà Năm và gia đình bà nhận xét: “Từ ngày bà Năm có công ăn việc làm ổn định thì gia đình bà không còn đi phá rừng nữa. Bà Năm rất chăm chỉ và có trách nhiệm với công việc đã nhận”.

Đại Dương