Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Rốt cục dẫu có thương nhớ mấy thì người Tây Ninh cũng phải vĩnh biệt cầu Quan, khi tuổi cây cầu đã 88, nghĩa là thượng thọ (1924- 2012).

Rốt cục dẫu có thương nhớ mấy thì người Tây Ninh cũng phải vĩnh biệt cầu Quan, khi tuổi cây cầu đã 88, nghĩa là thượng thọ (1924- 2012). Tuy nhiên, trước khi vĩnh viễn trở về cát bụi, nhân lúc bộ khung cầu còn đó, thì cũng nên xác định lại chính xác các thông số cầu Quan.
Chẳng là, trong cuốn sách thể loại sưu khảo “Tây Ninh xưa” của Huỳnh Minh, in năm 1972, ông cũng viết về cầu Quan. Nhưng chỉ là một nhà sưu khảo, nên kích thước cầu chỉ nhắm chừng mà ước lượng. Đoạn viết về cầu như sau: “Muốn vào chợ Tây Ninh, phải qua một cầu đúc bê tông ba nhịp… Cầu được cơ quan AKROF xây cất năm 1924 với kinh phí 8.000 đồng do quỹ công nho xã Thái Bình thời bấy giờ đài thọ. Đúc bằng bê tông nên cầu rất vững chắc, bề rộng bốn thước, hai bên có lối đi dành cho người đi bộ, mỗi bên rộng 8 tấc, có lan can…”.
![]() |
Cầu Quan |
Trong một số bài báo viết về sự kiện khởi công xây cầu mới ngày 17.2.2012, tác giả vẫn dùng số liệu mà Huỳnh Minh đã ước lượng kể trên để nói về cây cầu cũ. Do vậy, vào ngày 22.2.2012, chúng tôi bao gồm cả kỹ sư Trần Công Chánh, giám đốc Công ty TNHH Hoàng Mỹ đã tiến hành đo đạc lại; khi mà đơn vị phá dỡ mới đào xới lên phần bê tông mặt cầu và phá được dãy lan can. Kích thước chính xác là đây: bề rộng cầu (thông thuỷ) rộng 5,1 mét, bề dày các thanh bê tông giàn cầu là 0,21m; hai lối phụ hai bên mỗi bên rộng 1 mét. Tổng lại bề rộng của cầu Quan là 7,52 mét.
Về các kích thước khác mà tác giả Huỳnh Minh chưa đề cập đến, nhân đây chúng tôi cũng đo và có kết quả như sau: 3 nhịp cầu, tính từ bờ phía Đông sang, lần lượt có số đo là: 21,43; 21,36; 21,50 mét. Ở hai bên đầu cầu, mặt cầu còn được kéo dài ra thêm mỗi bên 2,8m (phần có lan can), nên tổng chiều dài cầu là 69,89 mét. Phần giàn cầu là một vòm cong có chiều cao vòm là 2,9 mét. Phần bê tông mặt cầu có chiều dày 25cm, chia làm 2 lớp. Lớp dưới là bê tông cốt thép dày 15cm và lớp trên là bê tông sạn dày 10cm. Bê tông bị phá đi, lộ ra cốt sắt mặt cầu. Kỹ sư Chánh nhận xét: bố trí cốt thép cực kỳ đơn giản, mà hiệu quả. Bản bê tông cầu chỉ dùng thép 10mm. Chính giữa có thêm một đà dọc, thì thép chụp bên trên chỉ dài 1 mét úp qua. Vậy thôi, mà đủ cho cầu bền chắc suốt gần 90 năm, mà từng thanh thép vẫn chưa hề bị rỉ sét. Đặc biệt nhất, có lẽ là phần bê tông để đúc cầu. Các kỹ sư xây dựng thời nay đã hầu như chuyển sang dùng bê tông đá nhỏ (1 x 2)cm- là loại đá xay ra từ đá núi granite. Đá 1 x 2 có cường độ cao, lại có bề mặt nhám nên dễ dính bám trong hỗn hợp xi măng, đá, thép. Không như loại đá sỏi, sạn có bề mặt trơn láng. Thế mà mặt cầu Quan chỉ thuần nhất một loại bê tông sạn (sỏi). Sau 88 năm, vẫn còn làm nhọc nhằn từng mũi khoan máy vừa khoan vừa đập do một máy đào 5 tấn vận hành. Từng cục bê tông vỡ ra, ngổn ngang mặt cầu vẫn còn ngời ngợi sắc xanh xám xi măng lẫn màu sạn trắng hoặc vàng, như mới vừa vớt lên trong lòng suối, tươi ròng.
Nói thêm về hai lối đi phụ hai bên, đấy chính là phần cong- xon của kết cấu cầu Quan. Những dầm cong- xon ở đầu mỗi nhịp đưa ra mỗi bên 1 mét. Chỉ những phần dầm và bản bê tông ở phía Nam là có đôi chỗ bị tróc lở bê tông, lòi ra phần cốt thép. Do vậy mà thép cũng bị hen rỉ tạo nguy cơ gẫy, sập. Riêng phần bên mạn Bắc, tất cả hầu như vẫn vẹn nguyên. Đấy là do đặc điểm thời tiết xứ mình, phía Tây Nam luôn là phía có gió mùa, mưa tạt cũng nhiều mà nắng quái chiều hôm cũng lắm. Cũng chính vì lý do này, mà ở ngôi tháp cổ ngàn năm Chót Mạt, trong khi mảng tường phía Nam đã sụp từ lâu, thì ở bên mặt Bắc, tường trụ vẫn còn, lộ ra một tổng thể điêu khắc tuyệt vời. Các nhà xây dựng tỉnh nhà đã nghĩ tới điều này chưa, mỗi khi bắt đầu một công trình mới.
Tò mò ngắm hai trụ cầu trên mặt nước thản nhiên trôi vẫn còn soi bóng, mới nhận ra thêm những trụ cầu này cũng cực kỳ đơn giản. Mỗi trụ chỉ gồm 2 cặp trụ đôi, được giằng néo vào nhau bởi hai thanh xiên hình chữ X. Kích thước trụ cũng nhỏ nhoi, cỡ bằng những cột nhà ở một lầu một trệt. Vậy mà chúng đã từng chịu va đập bởi biết bao trận lũ lớn, đặc biệt là trận lũ Nhâm Thìn 1952, cách nay vừa đúng 60 năm. Khi ấy, nước rạch lên cao chỉ cách mặt cầu chừng 5 tấc. Rồi còn biết bao nhiêu bè gỗ lấy từ đại ngàn Quang Hoá thả trôi về cặp san sát dưới cầu Quan, như một vài bức ảnh lưu giữ ở Bảo tàng… Cầu Quan từng có những ngày vui bừng bừng khí thế, như ngày 25.8.1945 đoàn diễu hành cách mạng qua cầu mà tiến vào Toà Bố giành lấy chính quyền; hay cầu Quan cũng từng chứng kiến những bi thương của một thời mất nước, nhất là vụ trả thù của quân Pháp sau trận thua ở Bàu Cốp năm 1947, đã đem hàng loạt tù nhân ra chặt cổ, bêu đầu ở ngay tại cầu Quan. Nghe kể sơ sài thế, kỹ sư Chánh nhặt lấy một cục bê tông vỡ của cầu đem về làm kỷ niệm.
TRẦN VŨ