Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Sở GD-ĐT vừa công bố 3 phương án tuyển sinh vào lớp 10 cho năm học 2011 - 2012 để lấy ý kiến của các nhà quản lý, các cán bộ chuyên môn của ngành giáo dục và một số cơ quan ban ngành có liên quan.
Vừa qua, Sở GD-ĐT đã công bố 3 phương án tuyển sinh vào lớp 10 cho năm học 2011 - 2012 để lấy ý kiến của các nhà quản lý, các cán bộ chuyên môn của ngành giáo dục và một số cơ quan ban ngành có liên quan.
Ông Nguyễn Thành Nhân, Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng của Sở GD- ĐT cho biết, kỳ tuyển sinh vào lớp 10 của năm học sau sẽ có một số thay đổi về phương thức tuyển sinh nhằm làm cho công tác tuyển sinh ngày một hoàn thiện hơn, khoa học hơn. Kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 sẽ được thực hiện theo một trong ba phương thức sau đây:
Phương thức 1: Tất cả các trường trung học phổ thông công lập đều tổ chức thi tuyển. Mỗi trường sẽ chỉ tuyển 80% chỉ tiêu được giao, 20% chỉ tiêu còn lại dành cho các thí sinh đã thi trượt ở trường đã đăng ký ban đầu. (Thí sinh có thể lấy kết quả điểm thi nộp vào một trường nào đó do mình tự chọn). Tuyển sinh theo phương thức này, thí sinh sẽ có hai nguyện vọng. Điều kiện để nộp hồ sơ vào nguyện vọng 2: tổng điểm thi phải cao hơn điểm chuẩn của trường nguyện vọng 2 là 2 điểm. Ví dụ minh hoạ: thí sinh A dự thi vào Trường THPT Tây Ninh được 30 điểm nhưng không đậu vào trường này. Thí sinh A có thể chuyển điểm thi của mình về dự tuyển ở Trường Trần Đại Nghĩa nếu như điểm chuẩn để vào trường Trần Đại Nghĩa là 28 điểm. Trong trường hợp các trường tuyển không đủ 20% chỉ tiêu còn lại thì sẽ xét tiếp những thí sinh có điểm dự thi kế cận.
Do số học sinh lớp 9 ngày càng giảm nên việc tuyển sinh vào lớp 10 ngày càng nhẹ nhàng hơn |
Theo ông Nhân, ưu điểm của phương thức này là qua kỳ thi, các trường trung học phổ thông sẽ có được những thông số tương đối tin cậy để đánh giá chất lượng đầu vào của trường mình. Tuy nhiên, phương thức này cũng có một hạn chế không nhỏ: có những trường nhiều năm qua xét tuyển không đủ chỉ tiêu, việc tổ chức thi chỉ thêm lãng phí tiền bạc, công sức.
Phương thức 2: Chỉ tổ chức thi tuyển đối với một số trường công lập có quy mô lớn trong các huyện thị và có tính cạnh tranh cao. Cụ thể là các trường: Tây Ninh, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Văn Thụ, Quang Trung, Nguyễn Huệ, Nguyễn Trãi, Dương Minh Châu, Trần Phú và Tân Châu. Các trường còn lại sẽ tổ chức xét tuyển (lấy kết quả học lực, hạnh kiểm của 4 năm học ở bậc THCS làm cơ sở). Việc xét tuyển sẽ được tổ chức sau khi các trường đã tổ chức thi tuyển xong.
Phương thức tuyển sinh này có ưu điểm là học sinh nếu muốn học ở một trong số các trường vừa nêu thì có thể nộp hồ sơ dự thi. Nếu thi rớt thì sẽ chuyển hồ sơ về xét tuyển ở những trường không thi tuyển. Việc tổ chức thi tuyển vào một số trường lớn sẽ hạn chế được việc nâng điểm, chấm điểm, kiểm tra đánh giá nhiều khi còn mang nặng cảm tính ở bậc trung học cơ sở. Tuy nhiên, thực tế mấy mùa tuyển sinh vào lớp 10 gần đây cho thấy, chỉ có một số trường ở khu vực Thị xã còn có tỷ lệ “chọi” hơi cao, riêng các trường ở huyện thì chỉ tiêu tuyển sinh và số lượng hồ sơ nộp vào trường chênh lệch không đáng kể.
Phương án 3: Sẽ tổ chức xét tuyển ở các trường (trừ Trường chuyên Hoàng Lê Kha vẫn tổ chức thi theo quy chế dành cho trường chuyên). Mỗi trường chỉ tuyển 80% tổng chỉ tiêu, 20% chỉ tiêu còn lại dành để xét tuyển nguyện vọng 2. Phương thức này cho phép mỗi thí sinh được chọn hai nguyện vọng. Nếu như không trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ được dự tuyển vào nguyện vọng 2 với điều kiện: điểm xét tuyển phải cao hơn điểm chuẩn của trường nguyện vọng 2 là 2 điểm theo nguyên tắc lấy điểm từ cao xuống thấp. Nếu trường nào tuyển không đủ 20% chỉ tiêu còn lại thì sẽ xét số thí sinh có điểm thi kế cận (phương án này gần giống với phương án 1). Lưu ý: những thí sinh đã trúng tuyển vào trường nguyện vọng 1 thì không được xin chuyển sang trường nguyện vọng 2.
Ngoài 3 phương án trên, Sở GD- ĐT cũng đề nghị các cán bộ quản lý, giáo viên… nếu có sáng kiến nào hay hơn, khoa học hơn có quyền đề xuất để Sở xem xét.
Đ.V.T