Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Gió bấc về báo hiệu sự chuyển mùa. Mưa sẽ thưa dần rồi dứt hẳn nhường chỗ cho mùa khô. Gió bấc về cũng là mùa tết sắp về.
Sáng thức dậy sớm, bước ra sân hít thở và đi bộ. Gió rào rạt. Trời se lạnh. Chút se lạnh hiếm hoi của thời tiết phương Nam. Gió bấc về. Đã qua tháng 10 âm lịch. Gió bấc về báo hiệu sự chuyển mùa. Mưa sẽ thưa dần rồi dứt hẳn nhường chỗ cho mùa khô. Gió bấc về cũng là mùa tết sắp về.
Mẹ lấy hạt bông vạn thọ mùa tết trước được cất kỹ trong chái bếp đem ra gieo. Những chiếc hạt dài đen từ bầu hoa được mẹ rải đều trên mặt đất đã làm tơi. Sau vài hôm tưới, luống đất đó sẽ lấm tấm những chồi xanh.
Phải chờ thêm một vài tuần mới nhận ra chiếc lá đặc trưng của hoa vạn thọ. Đó cũng là lúc mẹ cẩn thận bứng từng cây đặt vào những giỏ đan bằng cây trúc trong đó có bịch nylon chứa hỗn hợp phân và đất. Mỗi ngày, mẹ tưới cây bằng chiếc vòi búp sen.
Khi mẹ vẫy tay, nước từ vòi sen tia ra như cơn mưa rào tắm mát cho cây sau một ngày khô héo. Ánh mắt mẹ tràn ngập niềm vui khi nghĩ về vụ hoa sắp đến. Bao năm rồi vẫn thế. Dù cuộc sống giờ đã qua rồi những vất vả khó khăn nhưng mẹ vẫn duy trì trồng hoa tết.
Hoa từ bàn tay mẹ chăm sóc vào dịp tết sẽ được đặt trước hiên nhà. Màu hoa cộng hưởng nắng tháng Giêng làm hoa càng vàng rực rỡ, hoa vạn thọ nhà trồng còn dùng để cúng rước ông bà, cúng đất trời phút giao mùa thật thiêng liêng.
Những năm gần đây, sau khi để lại hoa trong nhà, mẹ không còn gánh ra chợ bán mà đem tặng bà con lối xóm- những nhà không trồng hoa- để tết đến nhà ai cũng tràn ngập sắc xuân.
Ba cũng lên luống gieo kiệu, những luống kiệu xanh xanh thật mát mắt. Đã hết mùa mưa nên việc tưới nước khá vất vả. Ở những nhà trồng nhiều, họ phải bơm nước từ giếng hoặc nước từ kênh đào giải hạn cho cây.
Tôi đi dạo qua những thửa ruộng thường ngày trong năm trồng lúa. Giờ đã vào mùa tết, người ta chuyển sang trồng hoa màu. Mươi hôm nữa, những đám đất ấy sẽ phủ đầy màu đỏ thẫm của tía tô, xanh đậm của cải sậy làm dưa cải. Những luống đất trồng cúc đại đoá cũng vào mùa gieo hạt.
Nhà vườn trồng mai đã bắt đầu lo làm hoa. Mấy năm nay, với công nghệ sinh học, người ta đã biết cách bón thúc cho cây ra hoa thật nhiều, việc hoa nở sớm hay muộn không còn đáng lo như xưa. Rồi mai sẽ vàng rực rỡ mỗi góc nhà, góc vườn khi tết đến.
Xóm làm mứt đã rộn ràng chuẩn bị nguyên liệu cho một mùa mứt mới. Người ta bảo mứt là cách ông bà làm để bảo quản cây trái đang mùa rộ không bị hư hỏng và có thể để ăn dần suốt những tháng còn lại trong năm.
Đây những trái bí già thật to, sẽ được bào vỏ cắt ra những miếng vừa ăn chuẩn bị sên mứt. Dừa được chọn những trái vừa rám để mứt ăn vừa dẻo vừa không cảm giác bị xảm.
Những trái dừa được bổ đôi và nạy cái dừa để bào sợi. Mứt dừa sẽ có nhiều màu tuỳ thuộc được pha với màu gì, xanh lá dứa, đỏ củ dền, xanh đậu biếc, vàng của dành dành.
Toàn những sắc màu chiết xuất từ thiên nhiên. Những tràng mứt phơi dưới nắng rực rỡ chuẩn bị đóng gói đưa đến những nơi xa- những nơi mà mọi người rất bận rộn không có thời gian cho việc làm mứt tết.
Xóm bánh tráng nhộn nhịp những thanh âm nói cười của những người thợ tráng bánh miệt mài bên bếp lửa hồng. Những chiếc bánh được làm từ bột gạo hoặc bột mì tráng trên chiếc trã ngùn ngụt bốc hơi nước được bịt vải.
Trên lớp vải đó, bàn tay khéo léo người thợ tráng lên từng lớp bột mỏng. Trong khi đậy nắp chờ bánh chín thì người thợ thoăn thoắt tay múc bột vào chén để chuẩn bị cho việc tráng chiếc bánh sau.
Nắng vàng ươm những tháng cuối năm thật lý tưởng cho phơi bánh tráng. Những chiếc bánh ban đầu còn ướt bám chặt lấy vỉ tre, khi khô sẽ bong ra. Người làm bánh chỉ việc gỡ nhẹ và xếp thành từng ràng (mỗi ràng bánh có một trăm bánh, và dù chỉ làm từ bàn tay thợ vẫn bảo đảm từng chiếc bánh đồng đều từ kích cỡ cho đến độ dày).
Đi đến đâu cũng thấy mọi người đang tất bật cho mùa tết. Thỉnh thoảng lại nghe đi nghe lại điệp khúc: chẳng còn bao nhiêu ngày nữa là tết… Nhanh thật, mới đó gần hết năm. Thời gian từ thời điểm bấc cho đến tết một cách vô thức được đếm ngược dần…
Trương Quốc Toàn