BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ghi chép tản mạn

Bác bảo vệ

Cập nhật ngày: 05/07/2019 - 18:12

BTN - Trong câu chuyện của Bàn Dân có một bác bảo vệ. Bác này biết cả phong trào mà TP. Tây Ninh phát động là “Năm xin, ba biết”, thậm chí còn thuộc lòng.

Ðọc chuyên mục Chuyện thời sự của Bàn Dân (Báo Tây Ninh ngày 1.7.2019), tôi lại sực nhớ ra những bác bảo vệ từng gặp. Chuyên mục kỳ này là bàn chuyện thực hiện văn hóa công sở, do chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp phát động trong một hội nghị vào cuối tuần qua.

Trong câu chuyện của Bàn Dân có một bác bảo vệ. Bác này biết cả phong trào mà TP. Tây Ninh phát động là “Năm xin, ba biết”, thậm chí còn thuộc lòng. Ðây nhé, bác trả lời răm rắp: “Năm xin là xin chào, xin mời (ngồi), xin lỗi, xin cảm ơn, xin hẹn gặp lại”. Còn ba biết? Biết nghe dân nói, biết nói cho dân hiểu, biết làm cho dân tin.

Vậy mà cũng mới chỉ vài tuần trước, tôi lại gặp được một bác bảo vệ của thời bao cấp tưởng đã lùi xa vào dĩ vãng. Nói ra thật khó tin, nhưng đấy lại là ở một cơ quan có trách nhiệm xúc tiến, mời gọi đầu tư vào các chương trình trọng điểm ở tỉnh nhà (xin được giấu tên).

Bữa ấy, tôi đến tìm hiểu một vài thông tin liên quan ở một khu công nghiệp. Vừa đến cổng, tôi đã gặp bác bảo vệ từ cái phòng trực bên tay trái ra chặn lại. Bác hỏi ngay đến gặp ai, có việc gì? Tôi trả lời, đến tìm hiểu tình hình để giúp bạn đến đầu tư khởi nghiệp. Bác lại hỏi:- Có hẹn trước hay không?- Thì tôi mới đến đây lần đầu, đã biết ai đâu mà hẹn trước!

- Vậy là không được rồi. Khách đến đây là phải có hẹn.

- Thì bây giờ tôi đến gặp, để xin một cái “hẹn” đây! - Cũng không được nốt. Thật là một tình huống “vô phương cứu chữa”.

Thần mặt ra suy nghĩ. Hay là cơ quan này toàn đón tiếp các chủ doanh nghiệp sang trọng, đến bằng xe hơi láng coóng. Trong khi đó mình lại cưỡi con xe máy tầm thường. Xem lại thì quần áo cũng không đến nỗi nào. Cũng quần tây, áo sơ mi bỏ thùng như công chức. Khuyết điểm duy nhất, chỉ có thể là ở đôi dép. Dép da cẩn thận, nhưng vẫn là cái giống dép lê…

Còn đang phân vân thì cũng may từ trong ngôi nhà chính có người đi ra. Một bạn thanh niên trẻ. Tôi nhanh nhảu lại chào, rồi xin một số điện thoại của ông chánh văn phòng, để có thể điện lên xin phép được vào. May mà lúc ấy bác bảo vệ có chuyện gì đó phải vào phòng. Bạn trẻ bảo tôi: - Chú cứ lên đi, phòng chánh văn phòng bên phải lầu thứ nhất. Theo lời bạn ấy, tôi lên thì gặp ngay anh chánh văn phòng cũng còn khá trẻ. Anh tận tình chỉ tay cho tôi sang phòng quản lý khu công nghiệp để gặp một đồng nghiệp nắm rõ mọi thông tin tôi cần thiết. Thế là xong!

Vậy thì những cán bộ của cơ quan (công sở) này đã thực hiện đúng tên gọi cũng như chức năng của họ là giúp người dân, doanh nghiệp đến nắm được những thông tin cần thiết, để yên tâm đầu tư hay khởi nghiệp. Chỉ có bác bảo vệ là không. Có thể do bác hơi cao tuổi, còn bị ám ảnh với công việc thời xa xưa của những người bảo vệ. Tôi cũng đã từng gặp vài lần rồi, nên biết. Ðấy là cái hồi vài chục năm trước, mới xuất ngũ rồi đi xin việc.

Mọi ý đồ đều bị chặn đứng ngay từ trước phòng bảo vệ. Mỗi công sở, cơ quan thời ấy đều như một thánh đường cao chót vót. Dân chúng chớ tới gần. Chuyện những bác bảo vệ của một thời, từng được mệnh danh là “to nhất cơ quan” tưởng đã trôi vào dĩ vãng. Vậy mà vẫn còn rơi rớt đến ngày nay thì là chuyện lạ lùng. Trong khi đa số các bác bảo vệ thời nay, thời 4.0 đã biết làm đúng theo nhiệm vụ.

Nhân câu chuyện này, tôi cũng xin bày tỏ nhiều lời cảm ơn đến các bác (hoặc anh) bảo vệ ở mọi cơ quan, xã, phường mà tôi đã gặp. Như anh bảo vệ Cục Thuế tỉnh, nơi có toà công sở lớn và hiện đại vào bậc nhất trên đường 30.4. Lần nào tôi đến, thế nào cũng được anh chỉ chỗ để xe rồi đưa vào thang máy, dắt tay đến tận phòng người tôi cần gặp.

Cả các bạn trẻ dân phòng thường trực bảo vệ ở UBND phường 3. Các bạn này cứ cho dân thoải mái vào ra, chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng khi ai đó định rồ ga phóng tới. Với các bạn trẻ thì chuyện này chẳng có gì đáng nói. Nhưng với những ai đã từng gặp các bác bảo vệ thời bao cấp chưa xa, lại là chuyện thật đáng yêu, thật đáng nhớ trên đời.

NGUYỄN