Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bác Hồ về thăm dân
Thứ hai: 06:35 ngày 03/02/2014

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Phải sống trong dân, phải sống như dân mới có thể nghe dân nói mọi sự thật.

Ngày 21-3-1962, Bác Hồ dự họp Bộ Chính trị góp ý kiến về việc chuẩn bị nội dung của hội nghị công nghiệp trung ương. Bác rất quan tâm đến kỷ cương phép nước chưa nghiêm minh vì nhiều cơ quan báo cáo thành tích chưa trung thực.

Bác Hồ chia kẹo cho các cháu thiếu niên nhi đồng trong ngày Người về thăm HTX Nông nghiệp Lai Sơn vào tháng 3-1958, nay thuộc phường Đồng Tâm, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: TƯ LIỆU

Bác Hồ chia kẹo cho các cháu thiếu niên nhi đồng trong ngày Người về thăm HTX Nông nghiệp Lai Sơn vào tháng 3-1958, nay thuộc phường Đồng Tâm, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: TƯ LIỆU

Bác nói: “Ta có họp, có nghị, có quyết rồi, giao cho ai phải giao trách nhiệm rõ ràng, ai làm được thì khen nhưng thấy ai làm sai thì có thái độ rõ ràng, làm không được thì cách chức ngay. Tỉnh Thái Bình được thưởng hơn 700 huân chương, huy chương mà không thấy phạt một ai, ý tôi là còn nhu nhược đối với vấn đề này”. (Biên bản hội nghị Bộ Chính trị, lưu tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng).

Bác Hồ biết bệnh thành tích rất trầm trọng, từ trung ương đến địa phương, cơ quan nào cũng “tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”, nhất là thấy cấp trên về càng ra sức che giấu khuyết điểm, phóng đại thành tích. Thiếu tướng Phan Văn Xoàn, phục vụ Bác từ năm 1955 đến năm 1969 và đại tá Huỳnh Hữu Kháng, phục vụ Bác từ năm 1945 đến năm 1951, đều cho biết Bác mỗi khi về làm việc bất cứ đâu, gần hay xa, Bác thường không cho những nơi đó biết trước. Riêng ông Huỳnh Hữu Kháng kể lại: Đang thời kỳ chiến tranh, thỉnh thoảng ông lặng lẽ báo cho nơi Bác Hồ sắp đến biết trước để còn chuẩn bị hầm trú ẩn kiên cố để phòng địch đánh phá. Bác biết, Bác đã phê bình ông: “Lần sau không cho chú Kháng đi nữa. Đi như vậy thì không thấy hết những điều cần biết”.

Bác giải thích với anh em phục vụ, lãnh đạo đến làm việc ở đâu, thực tế cuộc sống ở đó phải còn nguyên vẹn, đừng để nơi đó biết lãnh đạo sắp về thăm, lại bố trí phô trương hình thức sao cho vừa lòng lãnh đạo. Thiếu tướng Xoàn kể lại: Tết Âm lịch năm 1962, Bác muốn thăm một gia đình nghèo ở Hà Nội, phải là gia đình thực nghèo. Vì vậy, Bác căn dặn đừng cho lãnh đạo địa phương biết, nếu biết lại chỉ chọn người nghèo vừa vừa thôi! Anh em cảnh vệ đã bám cơ sở, tự đi tìm gia đình nghèo và cuối cùng đã tìm được chị Tín, góa bụa nuôi 4 con, đêm 30 Tết còn phải gánh nước thuê. Bác Hồ đã gặp chị Tín khi chị còn đang gánh nước. Đêm giao thừa, về Phủ Chủ tịch, Bác Hồ mới gọi điện thoại cho lãnh đạo Hà Nội nhắc nhở rằng với những người cực nghèo như chị Tín và đàn con, đáng lẽ thành phố phải cưu mang giúp đỡ để đêm 30 Tết cũng được chuẩn bị đón giao thừa như mọi nhà.

Đi công tác xa, có chuyến Bác Hồ mang theo cơm nắm, bánh mì, nghỉ và ăn trưa nơi có bóng mát. Ban Bảo vệ sức khỏe trung ương đề nghị buổi trưa đoàn của Bác ghé vào trụ sở một xã hoặc huyện có cơm nóng, canh sốt, chỗ ngồi đàng hoàng, trời nóng có quạt máy. Thực hiện như vậy, chuyến đi của Bác không đạt yêu cầu. Bác muốn thăm một, hai địa điểm của tỉnh nhưng chưa muốn cho lãnh đạo tỉnh biết trước khi đoàn của Bác về thị xã. Nếu đoàn của Bác ăn cơm tại trụ sở xã hoặc huyện, chắc chắn lãnh đạo tỉnh biết ngay, sau đó sẽ có ô tô của lãnh đạo tỉnh, của công an bảo vệ, của báo - đài tỉnh. Tới lúc này chỉ còn có quay phim, chụp ảnh, gặp dân sẽ chỉ còn nặng về hình thức. Đến bất cứ nơi nào đã báo trước, Bác Hồ không tinh ý sẽ lại dễ khen “thành tích giả”. Đến thăm trại chăn nuôi tập thể, mới trông thấy đàn lợn, Bác đã nhìn ra vấn đề. Lợn lại cắn nhau, không chịu nhau, phá chuồng, có con đã nhảy ra ngoài. Bác hỏi: “Nếu các chú nuôi thật thì sao nó lại cắn nhau thế?”. Và Bác nhắc nhở: “Những con lợn nhảy ra khỏi chuồng phải bắt cho vào chuồng. Nếu mất, dân người ta bắt đền đấy”. Nghe Bác nói như vậy, lãnh đạo tỉnh, huyện đi theo Bác đều thấy trò bịp bợm mượn lợn béo của những gia đình chăn nuôi cá thể đã bị lộ. Bác chỉ ra ngay sự thật và dặn dò một câu rất thấm thía: “Thôi, lần sau muốn Bác đến thăm nữa thì phải làm ăn cho tử tế, làm thật chứ đừng làm giả dối như thế, nó hư thân mất nết đi, mà dân người ta oán, người ta ghét”.

Từ địa phương về trung ương, về lúc nào Bác hoàn toàn chủ động, lãnh đạo địa phương không phải tiễn đưa vì có thể Bác còn ghé thăm một, hai nơi chỉ có đoàn của Bác với dân thôi. Lại có nơi đưa Bác Hồ về thăm một hợp tác xã, cứ khoe với Bác là lá cờ đầu của các hợp tác xã trồng trọt, chăn nuôi. Bác đến tận luống đất, Bác nhổ lên hết, nhìn thấy cây héo, Bác hỏi: “Các chú mới cắm hoa đón Bác đấy à, rễ của nó đâu, làm sao nó héo thế này?”. Thì ra địa phương đưa cây ở nơi khác đến cắm nơi đón Bác (theo lời kể của GS-TS Hoàng Chí Bảo, Ủy viên Hội đồng Lý luận trung ương).

Về thăm dân, Bác Hồ khuyên lãnh đạo các cấp rất cụ thể “một người nói với một người, từ miệng sang tai”, tâm tình với dân, có nghĩa không có cán bộ địa phương đi theo, dân không thể thổ lộ hết nỗi lòng. Phải sống trong dân, phải sống như dân mới có thể lắng nghe dân nói mọi sự thật, về thăm dân lại có lãnh đạo tỉnh hoặc huyện hoặc xã đi theo, dân tiếp thực lòng làm sao được.

Ngày nay, bệnh thành tích “ma quái” hơn thời còn kháng chiến rất nhiều, “tơ hồng” đã đạt tới trình độ siêu hạng, lãnh đạo về các địa phương vẫn có đón, có đưa, có khẩu hiệu “Nhiệt liệt chào mừng...” thì sự thật chỉ có thể biết một nửa. Mà khi sự thật chỉ biết một nửa thì tai hại vô cùng, thà chẳng biết gì còn hơn.

THÁI DUY

Theo Báo Người lao động

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục