BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bác ngư dân hào hiệp

Cập nhật ngày: 09/11/2010 - 11:00

Chúng tôi đến nhà ông Trần Văn Long ở ấp Tà Dơ, xã Tân Thành (Tân Châu) đúng lúc có vài người khách cũng đến thăm ông. Trong đó có anh Phan Thế Phương, ngụ ấp Đồng Kèn II - người được ông Long cứu sống trong vụ tai nạn lật ghe hôm 30.10 vừa qua. Anh Phương đến để cảm ơn “ân nhân” của mình và trả lại chiếc áo ấm mượn tạm hôm gặp nạn.

Anh Phương kể lại, hôm ấy anh cùng 2 người bạn bơi ghe qua đảo Suối Nhím để bắt ếch. Trời rất lạnh, cả nhóm làm liều đi đại mặc dù ngoài họ ra, không có thuyền ghe nào dám ra hồ cả. Khoảng 11 giờ trưa, bất ngờ có sóng to làm ghe chở 3 người bị lật. Lúc ấy, ba anh em thấy sợ nhưng nhờ giữ được bình tĩnh nên đã lật được ghe lại, bám vào chờ người đến cứu. Vì ghe đang ở giữa hồ, cả hai phía bờ đều xa nên 3 người phải ngâm mình trong nước rất lâu từ 11 giờ trưa tới 6 giờ chiều. Do hôm ấy không có xuồng ghe nào đi ngang qua, cả nhóm bị nạn bàn với nhau chịu đựng hoài cũng không phải cách. Anh Phương bơi giỏi nhất và cũng còn khoẻ nhất nên được cử ôm cái can nhựa cố bơi vào bờ tìm người cứu. Lúc anh còn đang chới với giữa dòng thì may gặp được ông Long và được vớt lên ghe đưa vào bờ. Sau đó, ông Long cho ghe ra tìm kiếm hai người còn lại. Ông Long kể: “Hôm đó, tôi làm liều đi lưới cá. Đang trên hồ tôi nghe tiếng kêu cứu nên cố bơi ghe về phía đó. Sau khi vớt được Phương lên bờ, tôi cho ghe trở lại tìm nhưng không gặp ai. Tôi vào bờ, sau đó tham gia với lực lượng tìm kiếm của xã tìm vớt hai người còn lại. Khi ấy trời đã khá khuya”.

Ông Long và Phương

Đấy là câu chuyện gây xôn xao không ít trong cái ấp nhỏ ven hồ. Chúng tôi được biết, anh Phương không phải là người đầu tiên được ông Long cứu. Từ năm 2009 đến nay, ông đã một mình vớt được 4 người mắc nạn giữa hồ đưa lên bờ, chưa kể vài lần tham gia vớt người gặp nạn và cả người chết đuối. Kể lại chuyện cũ, ông Long chỉ cười và xua tay: “Chuyện có gì đâu, trong hoàn cảnh ấy thì ai cũng phải ra tay cứu giúp thôi mà”. Anh Phương vẫn còn bồi hồi, cho biết: “Lúc được chú Long vớt lên bờ, tôi rất mừng vì khi ấy tôi đã mệt, đói và lạnh, trong đầu đã nghĩ đến cái chết. Gia đình tôi vừa mới cúng tạ lễ việc tôi thoát nạn”.

Với ông Long việc cứu vớt người dường như là cơ duyên. Người đàn ông trên bốn mươi tuổi này bơi khá giỏi, cuộc sống vẫn còn vất vả. Căn nhà vách đất và khá trống trải - tổ ấm cho cả gia đình 4 người của ông Long hiện tại được cất nhờ trên phần đất của người khác. Hằng ngày, ông Long đánh cá trên hồ Dầu Tiếng kiếm được khoảng 50.000 đồng. Vợ ông Long kể: “Cách đây vài năm, cũng vào ngày 23 âm lịch, ổng đi lưới cá trên hồ không may bị lật ghe từ 1 giờ đêm cho đến 4 giờ sáng thì về tới nhà nhờ ôm một cái can nhựa”. Lưới cá là việc kiếm ăn hằng ngày vì thế mỗi lần cứu người là coi như ngày hôm sau cả nhà ông không có gì ăn! Tuy vậy,  với tấm lòng hào hiệp sẵn có, ông vẫn không thể làm ngơ trước hoạn nạn của người khác, khi có người cần cứu giúp, ông vẫn lại ra tay.

NGÔ TUYẾT