Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bác sĩ làm điều chưa từng có để cứu chữa ca bệnh suy tim hiếm gặp
Thứ tư: 07:56 ngày 13/11/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Các bác sĩ tại Trung tâm Tim mạch đã thực hiện điều chưa từng có trong y văn để cứu chữa cho một bệnh nhân suy tim từng trải qua 2 lần đại phẫu, đang đối mặt với nguy cơ tử vong cao.

Bệnh nhân nguy kịch vì suy tim hiếm gặp trên thế giới

Vừa qua, Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện Đại học Y) vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân Q bị suy tim đã có tiền sử thay van tim cách đây gần 20 năm tại nước ngoài. Sau khoảng thời gian van tim thoái hóa dần và gần đây nữ bệnh nhân lại tiếp tục ra nước ngoài để tiến hành một cuộc phẫu thuật thay van tim cơ học. 6 tháng sau thay van tim, tình hình bệnh nhân có những diễn biến phức tạp.

Bệnh nhân nhập viện Bệnh viện Đại học Y do đau đầu, sức khỏe yếu, các bác sĩ đã nhanh chóng phát hiện bệnh nhân bị xuất huyết não và được chỉ định mổ dẫn lưu máu tụ. Sau 1 tháng nằm viện điều trị, bệnh nhân có những dấu hiệu lâm sàng phù, khó thở, gan to khi siêu âm cho thấy vẫn còn tình trạng suy tim, hở van lá nhiều.

Lúc này, TS Nguyễn Thị Minh Lý (Phó giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y) đã chẩn đoán và tìm được nguyên nhân do một lỗ thông từ buồng thất trái sang tâm nhĩ phải của bệnh nhân. Ngay lập tức ê-kip đã hội chẩn với các chuyên gia đầu ngành tim mạch học gồm GS.TS Nguyễn Lân Việt, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) để tìm ra phương án điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Nước tiểu của bệnh nhân dần đổi từ đen sang vàng sau khi được can thiệp lần 2.

Trường hợp của bệnh nhân Q là một ca bệnh lâm sàng suy tim hiếm gặp trên thế giới. Đây là tổn thương thứ phát sau một cuộc phẫu thuật tim. Theo số lượng báo cáo hiện trên thế giới chỉ có vài ca và rủi ro người bệnh phải đối diện rất cao. Bởi đây là một thương tổn nặng nề hơn cả hở van tim, áp lực thất trái lớn khiến dòng máu đi ngược thẳng vào hệ tiểu tuần hoàn. Tình trạng suy tim sẽ tiến triển rất nhanh mà không một loại thuốc nào có thể điều trị được.

Bác sĩ quyết định làm điều chưa từng có trong y văn để cứu người

Trước đó, các ca bệnh tương tự trên thế giới đều dùng phương pháp điều trị phẫu thuật và tỷ lệ tử vong cao. Trường hợp bệnh nhân Q đã trải qua nhiều cuộc đại phẫu, gần đây nhất trải qua 2 cuộc phẫu thuật thay van tim và mổ dẫn lưu máu tụ ở não khiến sức khỏe bị ảnh hưởng nặng nề. Việc phẫu thuật lại cho bệnh nhân để điều trị suy tim là một phương án không khả thi.

Ê-kip đã bàn bạc kỹ lưỡng và quyết định can thiệp qua da để bít lỗ thông cho bệnh nhân. Sau khi tiến hành can thiệp, bệnh nhân tiến triển tốt. Tuy nhiên chỉ một tuần sau, bệnh nhân xuất hiện vàng da tăng lên, nước tiểu đen – một trong những biểu hiện nguy kịch cần được xử lý.

Ngay lập tức, ê-kip đã tiến hành hội chẩn cùng các chuyên gia nước ngoài, chẩn đoán đa chuyên khoa để loại trừ các nguyên nhân và tìm phương án điều trị tối ưu nhất cho người bệnh. Các phương tiện chẩn đoán từ siêu âm thường, siêu âm tim qua thực quản, siêu âm tim cản âm, MRI tim… được áp dụng để định hình chính xác tổn thương từ đó đưa ra phán đoán về khả năng can thiệp cũng như các biến chứng có thể xảy ra với người bệnh.

Sau những giờ phút cân đo đong đếm, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cùng ê-kip đã đưa ra quyết định chưa từng có trong y văn đó là tiến hành can thiệp qua da lần 2 bít lỗ thông cho bệnh nhân bằng cách lấy dụng cụ cũ và thay bằng dụng cụ mới phù hợp hơn. May mắn thay, sau khi làm thủ thuật, người bệnh đáp ứng được với dụng cụ mới, sức khỏe dần tiến triển, tình trạng suy tim hết hoàn toàn.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu và bệnh nhân Q trước khi ra viện.

ThS.BSNT Trịnh Thị Hà My (Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện Đại học) người tham gia điều trị cho bệnh nhân Q thông tin: "Ban đầu cả gia đình và các bác sĩ đã chuẩn bị sẵn tư tưởng cho một cuộc đại phẫu. Nếu thực sự phải mổ phanh lồng ngực lần thứ 3 sẽ là một gánh nặng đối với bệnh nhân. Thời gian sau khi can thiệp lần 2 bít lỗ thông với chúng tôi rất kinh khủng, cả ê-kip hồi hộp chờ từng giây từng phút xem tiến triển của người bệnh đáp ứng ra sao. Không chỉ là trường hợp của bệnh nhân Q mà với tất cả các trường hợp bệnh nhân khác được điều trị thành công, bình phục trở lại đều là niềm vui với bác sĩ. Nhưng với những ca bệnh hết sức đặc biệt như bệnh nhân Q thì niềm vui đó được nhân lên rất nhiều lần. Trước khi đạt được thành công này, chúng tôi đã phải trải qua những cung bậc cảm xúc lo lắng, bất lực từ ngày qua ngày khi chưa tìm được phương án điều trị thích hợp cho người bệnh".

"Cùng với sự phát triển của xã hội, ngành y nói chung và chuyên ngành tim mạch nói riêng đang có những sự phát triển vượt bậc. Việc khám chữa bệnh ở Việt Nam không thua kém gì so với nước ngoài từ hệ thống y tế cho đến các phương pháp can thiệp ngày càng tiến bộ và điều trị được rất nhiều ca bệnh khó. Trong quá trình công tác tại Trung tâm Tim mạch tôi nhận thấy số lượng bệnh nhân can thiệp ngày càng đông vì xu hướng của ngành y là thiên về những can thiệp ít xâm lấn nhằm rút ngắn thời gian nằm viện và giảm thiểu những rủi ro cho người bệnh. Những kỹ thuật can thiệp không chỉ được thực hiện ở các tuyến Trung ương mà ngay cả các bệnh viện tuyến tỉnh cũng đã thực hiện thường quy. Sự tin tưởng của người bệnh đối với nền y học của nước nhà ngày càng tăng. Không những vậy, thời gian gần đây có cả những trường hợp bệnh nhân là Việt kiều, người nước ngoài đã tìm đến và điều trị thành công tại Việt Nam" - ThS.BSNT Trịnh Thị Hà My chia sẻ.

Nguồn SKĐS 

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục