Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Bác sĩ quan sát hơn 600 bệnh nhân chết dần
Chủ nhật: 08:26 ngày 05/01/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Để xem bệnh giang mai giết người thế nào, các bác sĩ vờ chữa trị cho 662 người Mỹ gốc Phi suốt 40 năm, trong một thử nghiệm bị đánh giá là phản y đức nhất lịch sử.

Giữa cuộc Đại Khủng hoảng thập niên 1930s, chính phủ Mỹ dường như cung cấp dịch vụ y tế miễn phí cho những người lĩnh canh Mỹ gốc Phi tại hạt Macon, bang Alabama. Khi đó khu vực này đang bùng phát dịch giang mai nghiêm trọng. 

Năm 1932, Cơ quan Y tế Công cộng Mỹ, kết hợp với Viện nghiên cứu Tuskegee, thử nghiệm trên 662 người đàn ông Mỹ gốc Phi mắc bệnh giang mai. Họ dành 6-8 tháng đầu quan sát biểu hiện bệnh, tình hình sức khỏe bệnh nhân, rồi chuyển sang bước chữa trị trong giai đoạn tiếp theo, cuối cùng ghi lại kết quả nghiên cứu.

Khi thí nghiệm sắp được tiến hành, nhiều công ty tài trợ bất ngờ rút khỏi dự án. Nhóm nghiên cứu không còn đủ khả năng điều trị cho bệnh nhân khi 8 tháng quan sát kết thúc. Thay vì hủy bỏ dự án, nhóm nghiên cứu chuyển hướng sang quan sát bệnh giang mai sẽ tiến triển, hủy hoại cơ thể một người đàn ông ra sao tới khi họ chết. 

Các bệnh nhân nam tới "điều trị" bệnh, không hay biết mình đang bị lợi dụng. Ảnh: All That's Interesting 

Để đạt mục đích, các bác sĩ nói với những người đàn ông này rằng họ bị 'bệnh máu xấu", che giấu bệnh tình thật để những bệnh nhân da đen không tự ý rút khỏi thí nghiệm, đi nơi khác chữa trị. Có như vậy, họ mới có thể theo dõi cơ thể bệnh nhân yếu dần từng ngày, chết dần trong đau đớn. 

Suốt 40 năm, hàng trăm người đàn ông mắc giang mai tình nguyện tham gia thí nghiệm, tin rằng mình được điều trị miễn phí mà không hay biết đang bị lợi dụng, không được chữa trị. Căn bệnh tình dục nguy hiểm họ mắc đang nặng hơn từng ngày. 

Thí nghiệm này trái phép. Từ những năm 1940, thuốc penicillin đã được chứng minh điều trị giang mai hiệu quả, các bác sĩ cũng biết đến liệu pháp điều trị giang mai bằng thạch tín. Nhiều luật điều trị các bệnh tình dục cũng được đưa ra. Song, nhóm nghiên cứu bỏ qua tất cả. 

"Ngày càng có nhiều phương pháp điều trị giang mai, nghiên cứu của chúng tôi càng có ý nghĩa quan trọng", bác sĩ Thomas Parran, một trong những người đứng đầu nghiên cứu, viết trong báo cáo thường niên. Ông lập luận "đây là cơ hội cuối cùng để làm rõ mức độ nguy hiểm của giang mai". 

Năm 1969, tức 37 năm sau khi bắt đầu, một nhóm quan chức Dịch vụ Y tế Công cộng tập hợp dữ liệu xem xét tiến trình nghiên cứu. Trong 5 quan chức có mặt, chỉ một người cho rằng nên điều trị cho bệnh nhân, song bị 4 người còn lại lờ đi. 

Một bệnh nhân được nhân viên y tế trong chương trình thí nghiệm. Ảnh: Stargate-rasa 

Người liên lạc chính của các bệnh nhân là nữ y tá người Mỹ gốc Phi tên Eunice Rivers. Cô được các bệnh nhân coi là một người bạn đáng tin. Eunice là y tá duy nhất tham gia vào thí nghiệm trong suốt 40 năm. 

Hoàn toàn hiểu các bệnh nhân nam trong thí nghiệm không hề được điều trị, nhưng là một y tá trẻ được giao nhiệm vụ quan trọng trong dự án chính phủ tài trợ, Eunice không thể tiết lộ sự thật. 

Cô lên tiếng biện minh khi nghiên cứu được công bố năm 1972, rằng "Bệnh giang mai đã gây hại hầu hết bệnh nhân", "Nghiên cứu chứng minh bệnh giang mai không ảnh hưởng người da đen nhiều như da trắng". 

Nghiên cứu này liên tục được thực hiện trong suốt 4 thập kỷ. Năm 1972, Peter Buxtun, nhân viên xã hội của Dịch vụ Y tế Cộng đồng là người đầu tiên tiết lộ sự thật với báo chí. Trước đó, anh từng nhiều lần phản đối tại nơi làm việc nhưng liên tục bị cấp trên phớt lờ. 

Tháng 7/1972, Washington Star đăng tải câu chuyện của Peter. Hôm sau, câu chuyện của anh được đưa lên tờ New York Times. Chính phủ Mỹ đã tự phá luật, làm thí nghiệm trái phép trên chính công dân của mình. Chữ ký của mọi thành viên từ Sở Y tế Công cộng vẫn còn nguyên trên các tập tài liệu. 

Eunice và hai bác sĩ trong nhóm làm thí nghiệm. Ảnh: All That's Interesting 

Những việc làm sai trái bị đưa ra ánh sáng, thí nghiệm Tuskegee kết thúc sau 40 năm. Khi ấy chỉ còn 74 trong 662 nam bệnh nhân tham gia thí nghiệm còn sống. Khoảng 40 bệnh nhân có vợ bị lây bệnh, 19 người có con sinh ra mắc giang mai bẩm sinh. 

Sau khi sự thật được tiết lộ, Sở Y tế Công cộng Mỹ không lên tiếng xin lỗi. John R. Heller, Trưởng Bộ phận Các bệnh Tình dục, công khai trả lời rằng thí nghiệm Tuskegee kết thúc quá sớm. "Nghiên cứu được tiến hành càng lâu, kết quả cuối cùng thu được càng chính xác", ông nói. 

Chính phủ Mỹ đã đưa ra các luật mới nhằm ngăn chặn thảm kịch tương tự xảy ra. Luật này yêu cầu phải có chữ ký đồng ý của người tham gia, chẩn đoán bệnh, báo cáo chi tiết kết quả xét nghiệm trong từng nghiên cứu lâm sàng. 

Một Ban Cố vấn Đạo đức được thành lập cuối thập niên 70 nhằm xem xét các vấn đề đạo đức liên quan tới các nghiên cứu y sinh. Những nỗ lực khuyến khích các tiêu chuẩn đạo đức cao nhất trong nghiên cứu khoa học vẫn đang diễn ra cho tới ngày nay. 

Năm 1997, chính phủ Mỹ chính thức xin lỗi các nạn nhân. Tổng thống Bill Clinton đã mời 8 người sống sót cuối cùng và gia đình họ đến Nhà Trắng, trực tiếp xin lỗi. 

Nguồn VNE (Theo All That’s Interesting) 

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục