Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Bậc thầy tiểu thuyết trinh thám với 1.500 người đẹp
Thứ tư: 05:35 ngày 15/02/2012

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Georges Simenon sở hữu cả thảy 16 bút danh, 500 cuốn tiểu thuyết và 1500 người đàn bà trong cuộc đời mình. Nghĩa là đối với bậc thầy tiểu thuyết trinh thám người Pháp này thì việc chinh phục một người đẹp còn dễ hơn gấp ba lần việc cho ra lò một một cuốn sách.

Không làm linh mục thì làm… bánh
Ngày 13.2.1903 tại thành phố Liege (Bỉ) vợ chồng nhà Simenon đã đón chào một thành viên mới - cậu con trai nhỏ được đặt tên là: Georges Joseph Christian Simenon. Cái tên văn vẻ này hẳn là theo ý nguyện của Herrietta, người mẹ trẻ dẫu đã 23 tuổi vẫn còn thích… chơi búp bê. Cũng chính bà mẹ trẻ ấy do không thích con số 13 xúi quẩy nên dù chưa kịp bình phục sau sinh nở đã đôn đáo đến tòa thị chính xin sửa giấy chứng sinh để con trai mình được chào đời vào ngày 12.2 (vào lúc 23h30).

Jean Gabin trong vai Maigret, nhân vật lừng danh của bậc thày trinh thám Georges Simenon

Bà còn “hoạch định” rằng Georges sau này phải trở thành linh mục và làm việc tại một nhà thờ địa phương. Bởi vậy, khi cậu bé vừa chập chững biết đi, chủ nhật nào bà cũng đưa cậu đến nhà thờ.  Tuy nhiên, Herrietta cũng nhận ra rằng quý tử nhà mình chẳng hào hứng gì với những lời tụng ca Chúa mà chỉ quay ngang quay ngửa và làm phiền mọi người. Rốt cục bà đành quay về với ước mơ giản dị hơn: cũng chẳng tệ nếu cậu thành công trong việc kinh doanh bánh kẹo!

Semenov chứ không phải Simenon? 

Nhưng thân mẫu định chẳng bằng… thiên định! Simenon không thích linh mục mà cũng chẳng ham làm bánh trái. Nhưng cậu bé rất hiếu học và thích kết giao với các sinh viên người Nga đang trọ học ở nhà mình. Các sinh viên này đã giải thích với cậu rằng họ của cậu thật ra không phải là Simenon, mà là Semenov. Và ông nội cậu chắc chắn là một người lính Nga mang họ Semenov sang Pháp đánh nhau hồi đầu thế kỷ 19. Rồi ông lấy vợ người Pháp nên họ của ông mới được phát âm theo kiểu Pháp như vậy. Simenon đem “giả thuyết” này ra hỏi cha và ông nội nhưng chẳng ai khẳng định với cậu điều gì cả. Dầu vậy, các các sinh viên Nga vẫn gọi cậu là Semenov và cho cậu bé làm quen với các tác phẩm của Gogol, Dostoevsky, Chekhov. Cậu bé người Pháp gốc Bỉ tất nhiên không lĩnh hội hết được sự ý vị trong ngôn từ của Gogol hay nét tinh tế trong tâm lý nhân vật Dostoyevsky. Nhưng cậu rất thích cách mà Chekhov lồng ghép những bài học luân lý vào các truyện ngắn… 

Bỗng dưng thành… chồng

Hoàn cảnh gia đình (cha bệnh nặng) đã khiến Simenon phải bỏ dở trung học. Sau đó anh ra nhập quân đội. Sau khi cha mất, Simenon cũng ra quân và làm phóng viên cho một tờ báo địa phương. Rồi theo lời khuyên của bạn bè, Simenon quyết định sẽ đến Paris. Khi ấy, Simenon có một cô bạn gái xinh đẹp tên là Tizhi. Tizhi cũng khao khát đến Paris cùng người yêu. Nhưng cha mẹ cô ra điều kiện với Simenon: cứ cưới đi rồi muốn đi đâu thì tùy. Vậy là, dù chưa hào hứng với chuyện thê tử nhưng chàng Simenon lịch lãm đã cư xử như một đấng nam nhi tử tế và trở thành chồng khi mới 21 tuổi.

Simenon (trái) và người vợ đầu - Tizhi (giữa)

Mối quan tâm của đôi vợ chồng trẻ này thực ra rất khác nhau: Tizhi say sưa với hội họa, còn Simenon mải mê viết lách – ông làm phóng viên mảng pháp luật tại một tòa báo. Một lần, đọc được một tiểu thuyết dài kỳ trên báo, ông đã thốt lên: “Tôi có thể viết không tệ hơn thế này!” rồi liền ngồi vào bàn và viết. Tuy nhiên, tác phẩm hư cấu đầu tiên của ông – “Chuyện tình cô nhân viên đánh máy” – đã không mang lại cho nhà văn trẻ danh tiếng đáng kể nào.

Nhưng chẳng bao lâu sau Simenon nhanh chóng trở thành một “thợ viết” với khối lượng công việc khổng lồ - từ 1924 đến 1934, ông đã viết cả thảy 300 cuốn tiểu thuyết (!), trong đó có những cuốn viết chỉ trong vòng 5-6 ngày, chỉ những “ca” cá biệt mới chiếm của ông nhiều tháng hoặc vài năm… Đặc biệt ông đã sáng  tạo ra hình tượng kinh điển của dòng văn học trinh thám thế kỷ XX – thanh tra Maigret. Tổng số tiểu thuyết về vị thám tử lừng danh này lên đến 80 cuốn. Hình tượng Maigret đã được độc giả yêu thích đến mức ngay khi Simenon còn sống, tại thành phố Delfzijl (nơi ông sáng tạo ra nhân vật này), người ta đã dựng lên một bức tượng của Maigret. Và trong lễ khánh thành bức tượng ấy, thị trưởng thành phố đã trao cho Simenon tờ giấy khai sinh trong đó ghi: “Jules Maigret, nơi sinh: Delfzijl; năm sinh: 1929; cha: Georges Simenon; mẹ: không rõ…”

Tizhi thì thậm chí còn thành công hơn chồng. Tranh của cô nhanh chóng trở nên nổi tiếng, đến nỗi trong các cuộc gặp mặt vui vẻ, đáp lại câu hỏi: “Anh đang làm gì?” George hay đùa rằng: “Làm chồng của một nữ họa sĩ nổi tiếng!”

Tuy vậy, Georges không chỉ vùi đầu vào viết lách. Một lần, Tizhi trở về nhà sớm hơn thường lệ và phát hiện ra chồng mình đang “vui vẻ” với cô giúp việc. Ý nghĩ đầu tiên trong đầu người vợ bị phản bội này là đóng sầm cửa lại và không bao giờ mở nó ra nữa. Nhưng vào thời điểm đó, Simenon đã bước lên đỉnh cao của vinh quang, còn Tizhi thì ngược lại - những bức tranh của cô bắt đầu bị quên lãng. Vậy là sau khi tranh cãi với nhau suốt mấy tiếng đồng hồ, cuối cùng hai vợ chồng đi đến thỏa thuận: trước mặt bạn bè, người quen họ vẫn là vợ chồng, nhưng thực chất thì giường ai nấy nằm. Cũng từ đó Simenon bắt đầu "lang thang"… 

Bác thợ câu thích phóng đại con mồi...

Trong  “Hồi ký về những chuyện thân mật” mà Simenon viết vào tuổi xế chiều, ông đã khoe rằng mình có quan hệ tình dục với khoảng… 10.000 phụ nữ. Con số này khiến các nhà nghiên cứu về bậc thầy tiểu thuyết trinh thám này không khỏi nghi ngờ và họ đã tỉ mẩn ngồi đếm lại tất tần tật những người đẹp có “dính líu” với Simenon dù dài lâu hay chỉ thoáng qua. Và quả nhiên là giống như một bác câu cá, Simenon đã phóng đại quá mức kích thước của “con mồi” của mình. Tuy nhiên, với danh sách khiêm tốn chỉ còn lại có 1.500 người đẹp thôi thì Simenon cũng đã khiến bất cứ  tay “thợ câu” lành nghề nào cũng phải ghen tị.

Không có tình yêu, chẳng thấy đám cưới...

Có một chuyện khá thú vị liên quan đến tiểu thuyết trinh thám đầu tiên về thanh tra Maigret của Simenon. Sau khi đọc qua bản thảo, ông chủ xuất bản Feyar vốn nổi tiếng là có cặp “mắt xanh” trong việc thẩm định các tác phẩm, đã thốt lên: "Anh viết linh tinh gì thế này? Nó không giống một tiểu thuyết trinh thám. Truyện trinh thám phải tiến triển như một ván cờ: người đọc cần được cung cấp mọi dữ liệu. Sách của anh không có cái gì giống như thế cả. Mà viên thanh tra cũng không ổn – không còn trẻ và chẳng hấp dẫn. Các nạn nhân và kẻ sát nhân thì không gợi lên sự thương cảm hay ác cảm. Tất cả kết thúc một cách nhạt nhẽo. Chẳng có yêu đương, cũng chẳng có đám cưới. Chẳng hiểu anh định lôi cuốn đọc giả bằng cách nào đây?"

Ấy thế nhưng khi Simenon vừa thò tay ra lấy lại bản thảo, thì Feyar liền cất nó đi và bảo: “Khi nào anh viết được 6 cuốn, hãy mang đến đây, chúng tôi sẽ in luôn trong một tháng”.  Và rồi viên thanh tra Maigret của Simenon chẳng mấy chốc đã trở nên lừng danh. Những cuốn tiểu thuyết về nhân vật này được ông cho ra lò liên tục mà bạn đọc vẫn nóng lòng ngóng đợi.

Simenon và cô con gái rượu Marie-Jo (ảnh trái). Marie-Jo lúc trưởng thành (phải)

George đặt dấu chấm hết cho cuốn tiểu thuyết cuối cùng của mình vào năm 1972. Sau đó, ông chỉ viết hồi ký. Và ai gặp ông sau này cũng không khỏi ngạc nhiên trước sự thay đổi ở Simenon. Ông luôn tươi cười và bảo: “Cuối cùng nó đã buông tha tôi, và tôi có thể sống như một người bình thường!” Lúc đó, số lượng tiểu thuyết của ông đã vượt qua con số 500. Còn số lượng bút danh thì ít hơn rất nhiều, cả thảy chỉ có... 16! Riêng bút danh yêu thích Georges Sim đã được ký dưới 76 cuốn tiểu thuyết và 26 truyện ngắn về thanh tra Maigret.

Như vậy là số lượng phụ nữ mà Simenon kiếm được gấp ba lần số sách ông viết ra. Nghĩa là đối với bậc thầy tiểu thuyết trinh thám này thì việc chinh phục một người đẹp còn dễ gấp ba lần việc cho ra lò một một cuốn tiểu thuyết mới.

Dưới gốc cây tuyết tùng 

Simenon có một cô con gái rượu tên là Marie-Jo (con với người vợ thứ hai). Ông dành cho Marie-Jo một tình yêu rất đỗi dịu dàng. Năm con mới 8 tuổi ông đã mua tặng cô bé một chiếc nhẫn đính hôn bằng vàng ròng và chiếc nhẫn ấy chưa bao giờ rời xa cô. Tuy nhiên, Marie-Jo tội nghiệp đã bị trầm cảm nặng sau nhiều nỗ lực để trở thành ca sĩ bất thành. Và vào một ngày tháng năm rực nắng, thiếu nữ mới 25 tuổi ấy đã dùng súng lục bắn vào ngực mình. Trong lá thư tuyệt mệnh, cô xin cha hãy để cho cô đeo chiếc nhẫn mà ông đã tặng và tro cốt của cô xin hãy chôn dưới gốc tuyết tùng 300 năm tuổi trong vườn nhà.

Simenon đã thực hiện yêu cầu của con gái. Và 11 năm sau, khi nhà văn này 86 tuổi, cảm thấy cái chết đang đến gần, ông đã viết di chúc trong đó yêu cầu được hỏa táng sau khi chết và tro cốt thì đem rải dưới gốc tuyết tùng kia.

Georges Simenon mất ngày 4.9.1989… Ý nguyện cuối cùng của người quá cố đã được thực thi.

T.T (st)

Từ khóa:
data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục