Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bậc tiểu học: Học sinh được học 2 buổi tăng gấp 8 lần

Cập nhật ngày: 08/02/2011 - 11:02

Năm học 2000- 2001, toàn tỉnh Tây Ninh có gần 10.000 học sinh bậc tiểu học được học 2 buổi/ngày, đạt tỷ lệ 7,79%. Đến nay (năm học 2010- 2011), con số này đã là 56,89%, tăng khoảng 8 lần. Có 241/284 trường tiểu học trong toàn tỉnh thực hiện dạy 2 buổi/ngày. Qua đó, có thể nói mô hình dạy học này đã có bước phát triển đáng kể tại tỉnh nhà. Theo kế hoạch của Sở GD- ĐT, đến năm 2015, toàn tỉnh sẽ có 80% học sinh được học 2 buổi/ngày- một chỉ tiêu mà nhiều người cho rằng để đạt được không phải dễ dàng gì!

Muốn phát triển mô hình dạy học 2 buổi/ngày, ngành giáo dục phải giải quyết song song hai vấn đề: cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Cho đến nay, ở Tây Ninh vẫn còn có nhiều trường tiểu học chưa thực hiện được mô hình trên do còn có những khó khăn, thiếu thốn về điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Đối với những trường dạy học một buổi/ngày, giáo viên các cấp học hiện nay đã đủ, thậm chí thừa. Riêng với những trường dạy hai buổi/ngày thì có trường đủ giáo viên để bố trí nhưng lại thiếu phòng ốc và ngược lại. Theo quy định của Bộ GD- ĐT, đối với những trường chỉ dạy học 1 buổi thì tỷ lệ giáo viên được bố trí là  1,20 giáo viên/lớp. Còn đối với loại hình 2 buổi thì bình quân mỗi lớp được bố trí 1,5 giáo viên. Tính trung bình chung của toàn tỉnh Tây Ninh, tỷ lệ giáo viên được bố trí ở bậc tiểu học là 1,38 giáo viên/lớp. Nếu chỉ dạy 1 buổi thì tỷ lệ này đã vượt quy định, còn nếu dạy 2 buổi thì lại thiếu. Trong số 9 huyện thị, hiện chỉ có Châu Thành là có thể đáp ứng được số lượng giáo viên để dạy 2 buổi/ngày (tỷ lệ hiện là 1,52 giáo viên/lớp, cao nhất tỉnh). Nhưng đây chỉ là con số bình quân chung. Trên thực tế, việc điều động, bố trí giáo viên hiện vẫn còn có những bất cập dẫn đến tình trạng giáo viên thừa, thiếu cục bộ.

Học sinh Trường tiểu học Kim Đồng trong giờ học

Một vấn đề nữa đặt ra đối với việc dạy học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học là sự phát triển không cân đối giữa các địa phương trong tỉnh. Số liệu thống kê cho thấy, kể từ năm học 2000 -2001 đến nay, Thị xã vẫn là nơi có tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày cao nhất (hiện chiếm hơn 80% số học sinh toàn Thị xã). Các huyện còn lại có khoảng hơn một nửa học sinh tiểu học đã chuyển sang 2 buổi/ngày. Riêng ở Tân Biên, số em học 2 buổi/ngày đang ở mức thấp nhất toàn tỉnh: 19,58%. Tân Châu thì chưa tới một nửa học sinh được học 2 buổi/ngày. Đây là hai địa phương đang gặp không ít khó khăn trong việc thực hiện chủ trương dạy 2 buổi/ngày.

Có một thực tế không hay là hiện nay, ở nhiều trường việc dạy 2 buổi/ngày đã bị “biến tướng”: khi lên lớp, một số giáo viên không dạy hết bài chính khoá, phần khối lượng kiến thức còn lại của bài học được chuyển sang dạy tiếp vào buổi chiều. Thái độ, phương pháp dạy học này khiến cho việc dạy học 2 buổi/ngày giảm đi tác dụng, ý nghĩa đích thực của nó. Theo tinh thần của việc dạy học 2 buổi/ngày thì trong buổi sáng, giáo viên và học sinh phải hoàn thành khối lượng kiến thức, mục đích yêu cầu của bài học. Buổi chiều, dành cho việc hướng dẫn học sinh làm bài tập nhằm củng cố kiến thức đã học. Ngoài ra, ở buổi học thứ hai trong ngày, học sinh phải được tham gia trò chơi hoặc các hoạt động ngoại khoá. Với cách dạy và học như thế, toàn bộ nội dung bài học đều được giải quyết tại lớp, học sinh không phải cặm cụi làm bài tập ở nhà nữa. Tinh thần là thế nhưng hiện nay, do sự kiểm tra, giám sát chưa chặt chẽ nên ở một số trường còn diễn ra tình trạng giáo viên “kéo nhẵng” bài dạy từ buổi sáng đến buổi chiều. Cũng vì vậy nhiều học sinh được học 2 buổi/ngày mà về nhà vẫn phải “chúi mũi” lo làm bài tập!

Đ.V.T