BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tuỳ bút

Bấc về

Cập nhật ngày: 05/01/2019 - 21:30

BTN - Gió bấc về. Những cơn mưa cuối mùa thưa dần. Nước kênh, rạch rút xuống. Các cánh đồng trũng ven sông, rạch cũng cạn dần. Nông dân quê tôi khẩn trương làm đất xuống giống lúa Ðông- Xuân. Cùng với nhà nông, đàn cò trắng, chân dài lêu khêu giẫm đạp bùn đen trên những đám ruộng khô nước, xỉa xói, sục sạo tìm mồi. Chẳng có ai xua đuổi, nhưng chốc chốc chúng lại rủ nhau tung cánh tìm đến nơi khác, chắc là do nguồn thức ăn ở chỗ đó đã cạn kiệt. Nhìn nông dân làm đất sạ lúa giữa mùa Ðông và những cánh cò lặn lội tìm mồi, tôi lại chạnh nhớ những tháng mùa Ðông, gió bấc của thời xa cũ.

Khi ấy, ba tôi ở độ tuổi tứ tuần, còn anh chị em tôi là những đứa trẻ thò lò mũi xanh. Nhà tôi nằm bên bờ một dòng rạch khá lớn thuộc hệ thống sông Vàm Cỏ Ðông. Phía bên kia rạch là cánh đồng ruộng rộng hàng ngàn mẫu và chia thành hai khu vực rõ ràng. Khu vực trũng thấp ven kênh, rạch quanh năm ngập nước, nhiều sình lầy, gọi chung là ruộng lầy. Khu vực còn lại cao hơn, đất không nổi sình, chỉ có nước vào mưa, gọi là ruộng gò. Dù là ruộng gò hay ruộng lầy trước kia mỗi năm cũng chỉ làm có một vụ lúa vào mùa mưa.

Hồi đó dưới sông, rạch và trên các cánh đồng quê tôi cá đồng nhiều lắm, nhất là vào mùa nước nổi. Cá không chỉ tập trung ở ruộng lầy mà tràn lên các cánh đồng ruộng gò để sinh sống. Ðến lúc bấc về, trời ít mưa, nước ruộng gò bắt đầu cạn, lúa mùa cũng vừa chín tới. Ðây là thời điểm cá lớn, cá bé từ trên ruộng gò tìm đường xuống ruộng lầy hoặc ra kênh, rạch. Ðể thoát thân, chúng theo các lỗ trổ (do con người chủ động xẻ bờ khai nước cho cạn ruộng), hoặc các lỗ lòng (do chuột hoặc cua xoi) từ ruộng cao xuống ruộng thấp, hoặc chui luôn ra kênh, rạch.

Ðây cũng là thời điểm ba tôi cùng bà con hàng xóm tập trung bắt cá. Cách bắt cá ở quê tôi hồi đó khá đa dạng, đủ kiểu (nhưng không có chích điện, hay lưới cào huỷ diệt như bây giờ). Trong nhiều kiểu cách đánh bắt cá ấy, có hai cách mà ba tôi rất thường làm, bởi nó được nhiều cá, mà không phải mất một đồng vốn nào để mua sắm ngư cụ. Hai cách đánh bắt cá này cũng chỉ thực hiện trong khoảng thời gian ngắn gần cuối năm âm lịch, khi gió bấc thổi về, trời khô và lạnh. Ðó là đặt xà di và đào hầm lết.

Xà di là một dụng đánh bắt cá được ba tôi bện bằng vòi gai cây mây rừng. Hằng năm, ba tôi tìm đến mấy khu rừng chồi trong làng cắt vòi gai mây và dây rừng về bện xà di. Xà di có hình thuôn như cái bắp chuối. Nó dài khoảng 7-8 tấc, miệng tròn, rộng khoảng một gang tay người lớn và nhỏ dần về phía đuôi. Phía đuôi được cột túm lại rất chặt. Chiều xuống, ba mang hàng chục cái xà di chèo xuồng qua ruộng tìm chỗ đặt.

Ba tìm các lỗ trổ, hoặc lỗ lòng đặt xà di. Lũ cá trên ruộng sợ chết khô tìm đường sống theo lỗ trổ, lỗ lòng xuống chỗ sâu thì lại chui đầu vô xà di. Vô được mà ra không được, vì bị gai mây móc lại, nên mấy con cá tràu, cá trê,  cá rô... hễ lỡ chui đầu vào xà di là chỉ còn nước nằm đó chờ ba tôi đến “giải cứu”. Ba tôi dậy khá sớm, đội sương mù, băng mình trong gió bấc lạnh lẽo, chèo xuồng ra ruộng cuốn xà di, trước khi trời sáng. Về nhà, ba mở dây cột đuôi xà di và trút cá vào thau. Ba lựa cá sống và còn nguyên vẹn đem rọng, con nào trầy vi, tróc vẩy đã chết (do gai mây móc) thì ba tranh thủ làm thịt, rồi đem muối.

Cũng đánh bắt cá vào mùa gió bấc, nhưng ba tôi chẳng cần ngư cụ nào hết, chỉ dựa vào kinh nghiệm và đặc tính của loài cá. Ðó là làm hầm lết. Cùng với việc đi đón đường sống của cá là đặt xà di, ba còn “canh me” hôm nào gió nhiều, trời lạnh dữ, ba đi làm hầm lết. Ðể làm hầm lết, ba tìm những ao, đìa, hầm nước sâu (gọi chung là ao) mà cá tự nhiên (không có ai nuôi) trú ngụ nhiều và không có đường thoát nước làm hầm lết. Ðến ao, ba lựa địa thế bên bờ ao, nằm phía trên hướng gió và gần mé nước, rồi lấy dao phay khoét đất làm một cái hầm nhỏ, sâu xuống vài tấc, miệng hầm tròn (hoặc vuông), đường kính rộng cũng vài tấc.

Làm hầm xong, ba xuống rạch móc bùn non dưới đáy rạch, rồi múc thêm nước dưới rạch, có cả rong, rêu. Sau đó ba lấy bùn trét lên miệng hầm lết và trét xuống đến mé nước ao, tiếp theo ba đổ nước múc dưới rạch (có rong rêu) xuống ao ngay phía trước hầm lết. Gió bấc thổi xuống, mùi sình non và mùi nước rạch pha với nước ao lan toả trong ao. Cá dưới ao đánh hơi được cái mùi hấp dẫn của sông rạch, tưởng là cơ hội thoát cảnh ao tù đã đến, nên rủ nhau tìm đến chỗ bùn non miệng hầm và cùng nhau “lết” lên bùn, rồi... cùng “té” xuống hầm hết ráo. Cá té hầm lết nhiều nhất cũng là các loại cá trê, cá rô, cá tràu..

Làm hầm lết khác với đặt xà di là không đợi đến gần sáng mới đi cuốn, mà ba xách đèn lúp, mang đụt đi thăm lúc nửa đêm. Ba nói, do hầm lết không có che miệng, cá rớt vào có thể mèo, chuột, rắn... đến ăn, hay là ông trời đổ mưa bất thường (cũng có khi xảy ra) làm chìm hầm lết, cá ra hết... Cá đặt hầm lết nhìn chung là ngon hơn cá đặt xà di, vì con nào cũng còn sống và nguyên vẹn, không bị tróc vẩy, trầy vi...

Ðã nhiều năm qua rồi, gần cuối năm âm lịch, gió bấc vẫn đều đặn mang cái lạnh từ phương Bắc về. Tiết trời hanh khô và lạnh, cánh đồng vùng trũng quê tôi cũng khô dần, nông dân làm đất sạ lúa Ðông - Xuân. Con cá đồng ngày càng cạn kiệt, đến nỗi đàn cò còn kiếm mồi không ra, có đâu mà đặt xà di, làm hầm lết như thời xa xưa. Tất cả giờ chỉ còn trong ký ức của thời thơ dại. 

T.L