Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, hướng đến xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi

Bài 1: Áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại trong chăn nuôi 

Cập nhật ngày: 18/08/2023 - 23:45

BTN - Trong chăn nuôi, việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) có ý nghĩa rất lớn, không chỉ kiểm soát dịch bệnh mà còn tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Hệ thống máng cung cấp thức ăn, nước uống tự động của trại gà Trường Thịnh.

Theo yêu cầu của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), một trong những điều kiện tiên quyết để xuất khẩu thịt sang các thị trường là phải xây dựng được vùng chăn nuôi ATDB. Trong giai đoạn 2021-2025, ngành chăn nuôi Tây Ninh ưu tiên phát triển các dự án chăn nuôi công nghiệp, tập trung, an toàn sinh học, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Mạnh dạn áp dụng các biện pháp an toàn sinh học

Chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH) là việc thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, vệ sinh thú y nhằm ngăn ngừa và hạn chế sự lây nhiễm của mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào các cơ sở chăn nuôi và tiêu diệt mầm bệnh tồn tại ở bên trong, nhằm ngăn cản sự xâm nhập của mầm bệnh từ bên ngoài và không để mầm bệnh lây lan giữa các khu vực chăn nuôi. Hiện nay, việc thực hiện tốt chăn nuôi ATSH là giải pháp tối ưu để đẩy lùi dịch bệnh, phát triển chăn nuôi bền vững.

Ông Nguyễn Thanh Tòng, chủ cơ sở chăn nuôi chuyên cung cấp giống gà Đông Tảo tại ấp Đá Hàng, xã Hiệp Thạnh cho biết, gia đình ông bắt đầu thả nuôi gà Đông Tảo từ năm 2013 đến nay. Để bảo vệ đàn gà khỏi các loại dịch bệnh nguy hiểm, ngoài việc tiêm vaccine ngừa các loại bệnh như: cúm gia cầm, GumBoro, Newcastle, tụ huyết trùng… Đồng thời, để hạn chế mầm bệnh phát sinh, ông đã sử dụng men vi sinh làm chất độn dưới nền chuồng, còn gọi là đệm lót sinh học giúp phân gà được phân huỷ mà không gây mùi hôi.

Ông Tòng cho biết thêm, trước đây khi chưa sử dụng men vi sinh trộn với trấu làm chất độn lót nền chuồng, hằng ngày, vợ chồng ông phải vất vả quét dọn, phun xịt thuốc sát trùng. Việc sử dụng đệm lót sinh học vừa giúp gia đình ông tiết kiệm sức lao động vừa bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Theo ông Nguyễn Tri Phú- bác sĩ thú y tại xã Thạnh Đức, trong chăn nuôi, nhất là nuôi các loại gia cầm thì việc phòng bệnh là yếu tố hàng đầu. Một khi gà, vịt nhiễm bệnh thường rất khó điều trị, nếu sử dụng nhiều kháng sinh sẽ làm chúng “bị chai”, chậm lớn, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng.

Ông Phú nuôi khoảng 100 đến hơn 200 con gà, nhờ áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh nên từ trước đến nay, đàn gà của gia đình chưa bao giờ mắc bệnh.

Phát triển chăn nuôi trang trại, áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại

Huyện Dương Minh Châu là địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển chăn nuôi, trong đó nhiều trang trại chăn nuôi tập trung với quy mô lớn, được đầu tư hiện đại, tự động hoá, quy trình chăn nuôi khép kín, con giống chất lượng... bảo đảm vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.

Mô hình nuôi gà Đông Tảo trên đệm lót sinh học giúp tiết kiệm sức lao động.

Ông Nguyễn Thành Sang- chủ trang trại chăn nuôi gà lạnh Trường Thịnh tại ấp Phước Tân, xã Phước Ninh (huyện Dương Minh Châu) cho biết, năm 2009, ông dốc hết vốn liếng xây dựng trang trại gà lạnh đầu tiên trên địa bàn huyện Dương Minh Châu. Trại được xây dựng kiên cố, mái che được thiết kế cách nhiệt, hệ thống quạt gió và các loại máy móc như máng ăn, uống tự động... giúp nhiệt độ trong chuồng luôn ổn định. Sau mỗi đợt nuôi, trước khi thả gà vào trại, ông dành 1 tháng để thực hiện các bước vệ sinh, khử trùng chuồng trại. Đồng thời, để hạn chế ô nhiễm môi trường, nền chuồng độn trấu được rắc vôi và phun khử trùng, tiêu độc thường xuyên, không phải quét dọn phân, thay chất độn chuồng trong suốt quá trình nuôi nên giảm tối đa công lao động, bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, ông tuân thủ nghiêm ngặt việc tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại, nhất là trong thời tiết nắng nóng dễ phát sinh dịch bệnh trên đàn gia cầm.

Ông Sang cho biết thêm, hiện trang trại gia cầm của ông nuôi khoảng 30.000 con gà lông trắng, theo hợp đồng nuôi gia công cho Công ty TNHH CJ Vina Agri. Ðể đáp ứng yêu cầu của đối tác, trang trại phải tuân thủ những quy định chăn nuôi an toàn dịch bệnh nghiêm ngặt.

Theo ông Nguyễn Khắc Dương- chủ trang trại chăn nuôi gà theo hợp đồng gia công cho một doanh nghiệp chăn nuôi có vốn nước ngoài tại ấp Phú Lễ, xã Phước Ninh (huyện Dương Minh Châu), ban đầu, trang trại nuôi mỗi lứa khoảng 20.000 con, đến nay đã tăng lên 60.000 con, trung bình mỗi năm ông nuôi 4 đợt.

Trong đó, con giống, vaccine, thức ăn chăn nuôi và các loại vật tư vệ sinh chuồng trại đều được đối tác chuyển giao. Trong quá trình nuôi, cán bộ kỹ thuật thường xuyên đến kiểm tra và hướng dẫn các bước thực hiện theo quy trình khép kín, bảo đảm an toàn sinh học.

Ông Nguyễn Khắc Dương cho biết, địa phương xây dựng vùng chăn nuôi ATDB là rất đúng đắn, giúp ông yên tâm mở rộng quy mô trang trại, mạnh dạn đầu tư lắp đặt hệ thống làm lạnh, quạt thông gió, máy nổ... và hệ thống máng nước, cho ăn tự động giúp điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm phù hợp theo từng giai đoạn sinh trưởng của đàn gà, hạn chế tối đa rủi ro do tiếp xúc với các yếu tố bên ngoài xâm nhập vào khu vực chăn nuôi.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, nhờ áp dụng các biện pháp tổng hợp phòng, chống dịch bệnh, trong những năm gần đây, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định, không xảy ra các ổ dịch bệnh nguy hiểm.

Việc xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh là rất cần thiết khi tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp như hiện nay. Ðể làm được điều này, những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã thực hiện cơ cấu lại ngành chăn nuôi, chuyển đổi từ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ sang quy mô trang trại, trang trại khép kín; áp dụng tổng hợp và đồng bộ các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học, bảo đảm được các quy trình kỹ thuật và đáp ứng yêu cầu vệ sinh thú y.

Việc xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh gắn với chăn nuôi an toàn sinh học, phát triển nông nghiệp đạt chuẩn VietGAHP không chỉ góp phần bảo đảm nguồn cung thực phẩm an toàn, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, mà còn là xu thế của nền chăn nuôi hiện đại.

Minh Dương

(còn tiếp)