BAOTAYNINH.VN trên Google News

Bất cập ở các xã nông thôn mới

Bài 1: Băn khoăn về một số tiêu chí, chỉ tiêu 

Cập nhật ngày: 14/09/2018 - 06:01

BTN - Trong quá trình xây dựng NTM cũng còn bộc lộ những khó khăn, hạn chế- nhất là trong việc duy trì một số tiêu chí ở các xã đã được công nhận xã NTM.

Từ khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đến nay, bộ mặt nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ sở hạ tầng nông thôn ngày một khang trang hơn. Hệ thống giao thông ngày càng được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân mở rộng sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập...

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng NTM cũng còn bộc lộ những khó khăn, hạn chế- nhất là trong việc duy trì một số tiêu chí ở các xã đã được công nhận xã NTM.

Niềm vui của trẻ trên con đường giao thông nông thôn vừa mới mở. Ảnh: Trường Nhất

Vốn đối ứng còn hạn chế

Theo UBND huyện Hoà Thành, trong thời gian qua, Chương trình xây dựng NTM đã được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, vai trò chủ thể của người dân ngày càng được phát huy. Những kết quả trong xây dựng NTM đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.

Ðời sống nhân dân từng bước được nâng lên. Ðến hết năm 2017, huyện Hoà Thành có 3 xã được công nhận đạt chuẩn NTM gồm Long Thành Trung, Long Thành Bắc, Long Thành Nam; 1 xã đạt 19 tiêu chí đang chờ UBND tỉnh thẩm định công nhận đạt chuẩn (Trường Tây); 1 xã đạt 17 tiêu chí (Hiệp Tân); 1 xã đạt 14 tiêu chí (Trường Ðông); 1 xã đạt 13 tiêu chí (Trường Hoà).

Trong 2 năm 2016, 2017, nguồn vốn thực hiện nhóm tiêu chí hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn huyện là 112.629 triệu đồng. Trong đó, vốn Trung ương 7.809 triệu đồng; vốn tỉnh 97.641 triệu đồng; vốn huyện 5.772 triệu đồng; vốn huy động nhân dân 6.288 triệu đồng.

Hệ thống giao thông huyện Hoà Thành có đặc thù là được quy hoạch lô bàn cờ, khá thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển của nhân dân. Tuy nhiên, do có nhiều tuyến đường ngang dọc nên cần nguồn lực lớn để đầu tư nâng cấp đồng bộ.

Theo UBND xã Long Thành Nam, trên địa bàn xã có các tuyến đường lớn là các tuyến huyết mạch nối liền với các xã, huyện lân cận, thuận tiện trong việc giao thương phát triển kinh tế. Thời gian qua, công tác vận động nhân dân tham gia làm đường giao thông theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn. Nhiều cá nhân điển hình được các ngành cấp trên khen thưởng do tự nguyện đóng góp công sức, tiền của làm đường.

Tuy nhiên, UBND xã Long Thành Nam cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các công trình giao thông, xã gặp khó khăn trong việc vận động đóng góp đối ứng. Trên địa bàn xã còn một bộ phận nhân dân làm thuê, thu nhập không ổn định nên việc thu tiền đối ứng đạt thấp.

UBND huyện Hoà Thành đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện nhóm tiêu chí hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện còn một số khó khăn, hạn chế. Nguồn vốn cần đầu tư cho hạ tầng kinh tế - xã hội cao nhưng nguồn vốn đầu tư từ Trung ương và tỉnh còn ít, nguồn vốn đối ứng của huyện hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của các công trình, dự án xây dựng NTM. Công tác duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường sau đầu tư ở các xã còn chưa chủ động, còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư từ ngân sách.

Trong khi đó, UBND xã Long Thành Trung cho biết, tổng các nguồn vốn huy động đầu tư đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã thời gian qua khoảng 42 tỷ đồng, trong đó, vốn đối ứng, vốn xã khoảng 2,7 tỷ đồng. Tính đến tháng 7.2018, xã đã quyết toán khoảng 41,2 tỷ đồng, còn nợ chưa thanh toán trên 924 triệu đồng (từ nguồn vốn đối ứng 10%, gồm 9 công trình).

Công tác vận động vốn đối ứng còn gặp nhiều khó khăn do mặt bằng thu nhập chung của người dân địa phương chưa đồng đều, hầu như chỉ vận động vốn đối ứng được từ những hộ giàu, hộ khá. Trước tình hình này, mới đây, UBND huyện Hoà Thành đã đồng ý hỗ trợ kinh phí cho xã để thanh toán phần nợ từ nguồn vốn đối ứng còn thiếu.

Còn ở xã Long Thành Bắc, tổng nguồn vốn huy động đầu tư làm đường giao thông nông thôn thời gian qua khoảng 39,4 tỷ đồng, trong đó vốn vận động đối ứng của xã là 1,5 tỷ đồng. Ðến nay, vốn đối ứng còn phải thu khoảng 700 triệu đồng. Có công trình đã được bàn giao, đưa vào sử dụng hơn 1 năm nhưng việc vận động vốn đối ứng 10% trong nhân dân “còn gặp nhiều khó khăn”.

”Ðau đầu” với tiêu chí 15

Ðối với tiêu chí 15 về y tế, chỉ tiêu 15.1 về tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) nhiều địa phương đang gặp khó khăn.

Ông Ðặng Anh Dũng, Chủ tịch UBND xã Bến Củi (huyện Dương Minh Châu) cho biết, xã được công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2014. Ðến nay, xã luôn phấn đấu để duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí. Tuy nhiên, hiện xã đang đối mặt với nhiều khó khăn vì tiêu chí xã NTM có sự thay đổi, có những tiêu chí đòi hỏi ở mức độ cao hơn.

Về chỉ tiêu bảo hiểm y tế, do lao động trên địa bàn xã là người dân làm thuê, làm công ăn lương, thường xuyên xa nhà nên việc thực hiện chỉ tiêu này gặp bất lợi. Mặt khác, do địa bàn Bến Củi giáp với huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương)- là khu vực có đời sống, dịch vụ phát triển hơn nên người dân trên địa bàn xã khi có nhu cầu khám, chữa bệnh đều đến Bệnh viện Dầu Tiếng khám và mua bảo hiểm y tế tại đó. Tính đến cuối tháng 7.2018, tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn xã mới chỉ đạt 75,75%, trong khi yêu cầu của tiêu chí y tế là phải đạt 85%.

Theo ông Dũng, nếu không đạt chỉ tiêu BHYT thì “rất đáng lo ngại”, nên xã đang “đau đầu” với vấn đề này. Xã phải cử người đi từng nhà thống kê các trường hợp mua bảo hiểm y tế ở tỉnh khác, báo cáo tỉnh, xin ý kiến cho xã cộng thêm số người đã mua BHYT ngoài địa bàn để nâng tỷ lệ BHYT của xã.

Ông Ðinh Thế Trọng, Phó Chủ tịch UBND xã Bến Củi cho hay, theo thống kê ban đầu, xã có hơn 400 người tham gia BHYT ở Dầu Tiếng. Nếu được “cộng” cả con số này thì tỷ lệ BHYT ở Bến Củi có thể đạt khoảng 83%. Trên cơ sở này, từ nay đến cuối năm, xã tiếp tục tăng cường vận động thì mới có thể đạt chỉ tiêu 85%.

Tại huyện Hoà Thành, tính đến tháng 8.2018, tỷ lệ người dân tham gia BHYT toàn huyện là 71,74%. Thực hiện bộ tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020, các xã trên địa bàn chưa đạt chỉ tiêu 15.1 về tỷ lệ người dân tham gia BHYT. Theo đánh giá của UBND huyện, tiêu chí 15 về y tế là một trong những tiêu chí mà các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM khó giữ vững.

Ông Trần Phi Hùng, Chủ tịch UBND xã Long Thành Trung cho biết, xã Long Thành Trung đạt chuẩn NTM vào năm 2014 và đến năm 2019 sẽ được thẩm định công nhận lại. Khó khăn nhất với xã là chỉ tiêu BHYT, bắt buộc phải đạt 85% dân số trong năm 2019.

Hiện trên địa bàn xã có khoảng 21.000 dân, nhưng có khoảng 2.000 người không ở địa phương. Bất cập ở chỗ, dù đây là những người không tham gia BHYT nhưng vẫn “bị” tính là dân ở địa phương. Theo ông Hùng, cần phải loại trừ số lượng này ra, chỉ căn cứ vào số người thực tế còn ở địa phương mới hợp lý.

Ông Hùng cho biết thêm, năm nay, huyện giao chỉ tiêu BHYT cho xã khoảng 78%. Xã sẽ cố gắng phấn đấu vận động để cuối năm hoàn thành chỉ tiêu này. Tuy nhiên, đến năm 2019, xã sẽ rất khó khăn, bởi hiện xã chỉ đạt khoảng 70%. Ðể đến năm sau đạt được 85% thì xã cần phải đạt thêm 15% nữa. Việc nâng tỷ lệ nhanh như vậy sẽ gây nhiều khó khăn cho địa phương, bởi chỉ cần nâng khoảng 5% thì các xã đã “rất vất vả”.

Ðường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Hoà Thành.

Tiêu chí 6: Thừa và thiếu

Xã Thạnh Ðông (huyện Tân Châu) là xã đạt chuẩn NTM năm 2015. Theo UBND xã Thạnh Ðông, nhà văn hoá ấp Thạnh Quới có vị trí nằm gần trung tâm xã và gần Trung tâm văn hoá, thể thao, học tập cộng đồng xã nên được sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị chung với Trung tâm. Còn nhà văn hoá các ấp Thạnh Nghĩa, Thạnh Hưng, Thạnh Hiệp, Thạnh Hoà đã xây dựng xong và đi vào hoạt động, bảo đảm 5/5 ấp có nhà văn hoá, nơi sinh hoạt văn hoá, thể thao phục vụ cộng đồng.

Thời gian qua, ban chủ nhiệm các nhà văn hoá ấp đã tổ chức nhiều hoạt động tại đây như tuyên truyền chủ trương của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao, thư viện, câu lạc bộ, tập huấn các lớp khuyến nông, đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn…

Ông Nguyễn Tiến Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Ðông cho biết, Trung tâm Văn hoá thể thao - Học tập cộng đồng (VHTT-HTCÐ) được xây dựng với nguồn vốn đầu tư khoảng 4 tỷ đồng, các thiết chế đều được bảo đảm như có phòng đọc, phòng internet, phòng phát thanh, hội trường sinh hoạt... Tuy nhiên, đánh giá về hiệu quả hoạt động của Trung tâm, ông Minh cho biết: “Chủ yếu chỉ là để duy trì tiêu chí”, bởi Trung tâm hoạt động chưa hiệu quả, chưa có các thiết chế thể dục thể thao cho người dân.

Trên thực tế, phòng internet có rất ít người đến truy cập. Phòng đọc được trang bị trên 2.000 đầu sách nhưng rất ít người đọc. Tuy Trung tâm VHTT-HTCÐ có sân bóng chuyền, sân chơi cầu lông nhưng các hoạt động phần lớn để duy trì bảo đảm tiêu chí chứ chưa có gì nổi bật.

Còn ông Trần Phi Hùng, Chủ tịch UBND xã Long Thành Trung (huyện Hoà Thành) cho biết, Trung tâm VHTT-HTCÐ xã thường diễn ra một số hội nghị ở địa phương, ngoài ra có khu vực đánh bóng bàn, bóng chuyền… Tuy nhiên, sân bóng đá chưa được trang bị tốt, chỉ mới giải quyết nhu cầu vui chơi tạm thời cho thanh niên. Nhìn chung, đa số các Trung tâm VHTT-HTCÐ chưa phát huy được hết công năng.

Theo UBND huyện Hoà Thành, đối với tiêu chí 6, trong đó có chỉ tiêu 6.3 (tỷ lệ ấp có nhà văn hoá ấp hoặc nơi sinh hoạt văn hoá, thể thao phục vụ cộng đồng), huyện đã đề xuất, kiến nghị với tỉnh, Trung ương xem xét chỉ cần thiết xây dựng thiết chế này ở những địa phương vùng sâu, biên giới, hải đảo, xa trung tâm đô thị.

Vì hiện nay, một số công trình thiết chế văn hoá ấp trên địa bàn huyện Hoà Thành tuy được đầu tư xây dựng đầy đủ, đúng quy định nhưng người dân không có nhu cầu sinh hoạt. Nguyên nhân vì Hoà Thành là huyện ở vị trí trung tâm của tỉnh, tốc độ đô thị hoá nhanh, có nhiều cơ sở, câu lạc bộ văn hoá - thể thao tư nhân với trang thiết bị hiện đại, đáp ứng đủ nhu cầu hưởng thụ văn hoá - thể dục - thể thao ngày càng cao của người dân, do đó người dân không có nhu cầu sinh hoạt ở các nhà văn hoá ấp.

Thực tế một số xã đã đạt chuẩn NTM trên địa bàn tỉnh cho thấy, một số tiêu chí, chỉ tiêu cần được điều chỉnh cho phù hợp với đặc thù của từng địa phương, từng vùng để việc đầu tư, khai thác sử dụng mang lại hiệu quả, tránh gây lãng phí.

NHÓM PV KT

(Còn tiếp)