Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đẩy mạnh đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật về pháo
Bài 1: Báo động tình trạng tai nạn do “pháo tự chế”
Thứ sáu: 22:26 ngày 10/01/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Chỉ trong vài tuần qua, cả nước đã ghi nhận hàng chục vụ tai nạn liên quan đến pháo nổ tự chế. Những vụ nổ không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, còn để lại di chứng nặng nề về tâm lý và gánh nặng tài chính cho nạn nhân và gia đình.

Hiện nay, tình trạng thanh thiếu niên tự chế tạo pháo nổ đã và đang trở nên nghiêm trọng, có xu hướng gia tăng. Đây không chỉ là việc làm rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ gây ra tai nạn thương tâm, còn là hành vi vi phạm pháp luật.

Chỉ trong vài tuần qua, cả nước đã ghi nhận hàng chục vụ tai nạn liên quan đến pháo nổ tự chế. Những vụ nổ không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, còn để lại di chứng nặng nề về tâm lý và gánh nặng tài chính cho nạn nhân và gia đình.

Thương tích, tàn tật suốt đời bởi pháo tự chế

Theo các cơ quan chức năng, pháo tự chế có thành phần hoá học đa dạng, có thể mua nguyên liệu ở các cửa hàng bán hoá chất như: lưu huỳnh, phốt pho, magie, carbon… Công thức chế tạo pháo hiện nay được chia sẻ tràn lan trên mạng xã hội, tuy nhiên, người chế tạo thường không kiểm soát được chất lượng, hàm lượng dẫn đến những vụ tai nạn thương tâm do pháo tự chế.

Hiện trường vụ việc nổ pháo xảy ra trên địa bàn xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên.

Tai nạn do pháo nổ tự chế gây ra rất nghiêm trọng, do tiếp xúc gần nên khi hoá chất phát nổ, con người dễ bị các tổn thương nặng ở vùng mặt, mắt, tay, cổ, ngực… Vùng tổn thương có thể nhanh chóng phù nề, cản trở hô hấp, gây suy hô hấp. Vết bỏng nặng gây nhiễm độc, để lại những di chứng nặng nề như sẹo xấu, ảnh hưởng tới cơ, xương hoặc tàn phế, thậm chí là tử vong. Dù đã được các cơ quan chức năng tuyên truyền, cảnh báo nhưng các vụ tai nạn do chế tạo, sử dụng pháo vẫn xảy ra.

Cách đây khoảng 2 tháng, anh N.T.N (ngụ phường Long Thành Bắc, thị xã Hoà Thành) có mua một số hoá chất về chế tạo pháo nổ để sử dụng. Trong quá trình nhồi thuốc, do anh bất cẩn nên quả pháo phát nổ làm tay, chân và mặt bị thương phải đi cấp cứu.

Anh N chia sẻ, trước đây, anh cũng từng chế tạo và sử dụng pháo nổ nhưng lần này do sơ suất nên để xảy ra vụ việc không may. “Tôi sử dụng ít thuốc nên lực nổ không gây ảnh hưởng lớn đến cơ thể, hiện các vết thương đã dần hồi phục. Qua sự việc lần này, tôi mới thấy hậu quả khủng khiếp do pháo tự chế gây ra cho bản thân và gia đình. Tôi sẽ không bao giờ tự chế pháo nổ nữa!”- anh N nói.

Với tâm lý hiếu kỳ và chưa nhận thức đầy đủ về hậu quả của việc chế tạo, sử dụng pháo nổ, tháng 10.2024, em N (sinh năm 2012, ngụ xã Phước Trạch, huyện Gò Dầu) lên mạng xã hội tìm hiểu cách chế tạo pháo, mua vật liệu về cất giấu rồi tự chế thành pháo nổ để sử dụng trong dịp tết và thời điểm vắng người.

Khi mẹ của em N là bà N.T.Đ phát hiện trên bếp dính bột đen, nghe mùi thuốc pháo, nghi ngờ con mình đang chế tạo pháo, sợ nguy hiểm nên chị đã điện thoại cho Công an xã Phước Trạch để trình báo sự việc. Qua làm việc, Công an xã đã phân tích, giải thích những nguy hiểm về chế tạo pháo nổ cho em N và gia đình biết.

Cứ mỗi dịp cận tết, số người bị tai nạn do pháo nổ tự chế lại tăng cao. Các vụ việc liên quan đến sử dụng pháo trái phép thường ở độ tuổi thanh thiếu niên, do các em có tâm lý ham vui, tò mò, thích thể hiện bản thân, dễ bị lôi kéo, không lường trước được những hậu quả có thể xảy ra.

Trước đó, ngày 23.12.2024, trên địa bàn huyện Tân Biên xảy ra một vụ nổ tại nhà anh P.P.Đ (ngụ xã Thạnh Tây) khiến 1 người tử vong, 5 người khác bị thương. Nạn nhân chủ yếu là các thanh thiếu niên có độ tuổi từ 14-17 tuổi. Nguyên nhân được xác định do nhóm thanh thiếu niên này đặt mua thuốc pháo qua mạng, sau đó về tự chế tạo, vì bất cẩn dẫn đến nổ gây thương tích.

Hay vào ngày 19.12.2024, tại xã Đôn Thuận, thị xã Trảng Bàng, cháu L.B.K (sinh năm 2012) lên mạng đặt mua pháo nổ (loại pháo banh). Sau khi mua pháo về, cháu K lấy thuốc nổ trong pháo tự ý chế tạo lại để sử dụng. Tuy nhiên, trong quá trình chế tạo thì xảy ra vụ nổ gây thương tích phải đưa cháu K đi cấp cứu.

Chợ pháo trên không gian mạng

Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, cảnh báo, cho người dân ký cam kết không vi phạm; thậm chí bắt giữ, xử lý hình sự nhiều đối tượng mua bán, vận chuyển tàng trữ, chế tạo pháo nổ trái phép nhưng tình trạng này vẫn còn tồn tại. Nguy hiểm hơn, cách thức, hướng dẫn chế tạo pháo cũng như hoạt động mua bán sản phẩm này xuất hiện tràn lan trên các trang mạng xã hội.

Các đối tượng đăng bài bán pháo hoa trên mạng xã hội với nhiều mức giá khác nhau.

Chỉ cần gõ từ khoá “pháo chơi tết” trên các trang mạng xã hội, ngay lập tức hiện ra hàng trăm kết quả với đủ các loại quảng cáo bán pháo kèm theo dịch vụ giao hàng tận nơi. Trong các bài quảng cáo, đối tượng công khai rao bán đầy đủ các loại pháo như: pháo hoa nổ, pháo nổ cỡ lớn, pháo cối, pháo trứng… kèm theo hình ảnh chi tiết loại pháo để thu hút người mua. Theo lời giới thiệu của người bán, các sản phẩm này được nhập từ Trung Quốc và Thái Lan, với đủ loại mức giá tuỳ loại.

Một tài khoản Facebook có tên T.M.N cũng rao bán các loại pháo hoa với giá dao động từ 330.000 - 3 triệu đồng kèm theo tin tuyển dụng cộng tác viên bán pháo với chiết khấu cao để thu hút nhiều người tham gia. Khi chúng tôi liên hệ với chủ tài khoản này để đặt mua pháo bi bịch 70 viên, người này cho biết muốn nhận được hàng phải đặt cọc nửa tiền. Người mua chỉ cần cung cấp địa chỉ, số điện thoại, hàng sẽ được gửi xe khách, sau đó có người mang đến tận nhà và thu tiền.

Trên môi trường mạng, thị trường mua bán pháo nổ luôn sôi động với đủ chủng loại, có giá thành rẻ, cam kết hàng xịn, hợp pháp, giấy tờ đầy đủ. Ngoài việc trao đổi, mua bán, một số trang còn ngang nhiên đăng tải video, bài viết hướng dẫn cách chơi, chế tạo pháo nổ. Các video được đăng tải công khai, không giới hạn độ tuổi cũng như cảnh báo nguy hiểm, thu hút hàng triệu lượt xem.

Anh Phạm Hồng Thái- Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thị trấn (huyện Châu Thành) cho biết, hiện nay, tình trạng thanh thiếu niên hay học sinh mua nguyên vật liệu, học cách chế tạo trên mạng xã hội rồi tự làm pháo nổ để sử dụng khá phổ biến. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, rất nguy hiểm, gây ra thiệt hại về sức khoẻ, tính mạng và tài sản. Để tránh bị phát hiện, các em thường giấu gia đình, thầy cô, người thân để tự làm hoặc rủ bạn cùng làm.

“Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm về pháo, thuốc nổ, tiền chất thuốc nổ trên địa bàn, nhất là trong học sinh, thanh thiếu niên, ngoài việc tăng cường các biện pháp điều tra, xử lý của lực lượng Công an, các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể cần tăng cường công tác tuyên truyền về hậu quả của việc tự chế tạo pháo nổ”- Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thị trấn nói.

Một luật gia thuộc Hội Luật gia tỉnh cho biết, tuỳ thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm, hành vi tự ý chế tạo pháo nổ trái phép có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật. Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31.12.2021 của Chính phủ quy định phạt tiền 5-10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép; phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với các hành vi chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép phụ kiện nổ; vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo; hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện trái phép cách thức chế tạo, sản xuất, sửa chữa hoặc sử dụng pháo dưới mọi hình thức.

Đối với người có hành vi hướng dẫn chế tạo pháo, sau đó đăng video lên mạng xã hội có thể bị xử lý hành chính từ 10 - 20 triệu đồng theo quy định tại điểm e, khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3.2.2020. Nếu hành vi chế tạo pháo nổ có tính chất nghiêm trọng sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ (Điều 305) hoặc tội sản xuất, buôn bán hàng cấm (Điều 190) Bộ luật Hình sự.

Thiên Di - Phương Thảo

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục