Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
An toàn vệ sinh thực phẩm - Việc không của riêng ai
Bài 1: Bếp ăn học đường: Nhiều nỗ lực vì an toàn cho học sinh
Thứ hai: 09:11 ngày 20/05/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại bếp ăn học đường vào thời điểm này đang là mối quan tâm hàng đầu của nhiều gia đình, trường học và toàn xã hội.

Tại Tây Ninh, mặc dù những tháng đầu năm 2024 chưa xảy ra vụ việc đáng tiếc, nhưng vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm luôn đòi hỏi người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng cần nâng cao ý thức để giảm thiểu các nguy cơ ngộ độc từ thực phẩm không an toàn. Bên cạnh trách nhiệm của các cơ quan chức năng, trên thực tế, đây là việc không của riêng một ai.

Giờ ăn trưa của học sinh bán trú tại Trường tiểu học Võ Thị Sáu (phường 3, TP. Tây Ninh).

Chỉ còn vài ngày nữa, các cơ sở giáo dục sẽ tổng kết năm học 2023-2024. Việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại bếp ăn học đường vào thời điểm này đang là mối quan tâm hàng đầu của nhiều gia đình, trường học và toàn xã hội. Trong khi đó, số lượng học sinh bán trú ngày càng tăng, đòi hỏi việc tuân thủ các quy định pháp luật về ATVSTP ở các bếp ăn tập thể ngày càng phải chặt chẽ.

Nhà trường trực tiếp giám sát bữa ăn

Ghi nhận tại một số trường tiểu học, mầm non có tổ chức bán trú trên địa bàn tỉnh, các khâu tiếp phẩm, chế biến cho đến khi phần cơm tới tay học sinh được thực hiện khá bài bản. Nhìn chung, trang thiết bị (bàn, ghế, khay, muỗng...) phục vụ bữa ăn được đầu tư tốt, vệ sinh sạch sẽ, các quy trình được thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc. Điều đáng nói, phần lớn giáo viên, phụ huynh, bảo mẫu, cấp dưỡng luôn trực tiếp kiểm tra, giám sát.

Trường tiểu học Võ Thị Sáu (phường 3, TP. Tây Ninh) có 1.700 học sinh, nhưng chỉ có khoảng 930-950 em ở lại ăn trưa. Cô Trần Thị Thanh Quyên- Phó Hiệu trưởng trường cho biết nhiều năm nay, nhà trường đã ký kết hợp đồng với Công ty TNHH MTV Chuỗi cung ứng thực phẩm Tây Ninh (thị xã Trảng Bàng) tổ chức nấu ăn tại trường, bếp ăn do nhà trường trực tiếp quản lý.

Mỗi suất ăn trị giá 27.000 đồng, ngoài thực đơn gồm 4 món chính (mặn, xào, canh, tráng miệng), bếp ăn nhà trường còn tổ chức ăn xế cho học sinh bán trú từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần. Các suất ăn được chia theo đúng định lượng tính toán, bảo đảm đồ ăn luôn nóng.

“Trường giám sát tất cả từ khâu tiếp phẩm, kiểm tra số lượng, chất lượng thực phẩm, nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm ghi trên bao bì, nhãn mác. Ngoài nguồn gốc thực phẩm, Ban Giám hiệu và nhân viên y tế thường xuyên giám sát, kiểm tra mẫu thực phẩm hằng ngày tại các bếp ăn tập thể. Người trực tiếp sơ chế, chế biến thực phẩm phải mang bao tay, khẩu trang, nón đầy đủ, các dụng cụ chế biến cũng được kiểm tra, thực hiện đúng quy trình trước khi thức ăn đến với các em. Từ đầu năm học đến nay, bếp ăn nhà trường được cơ quan chuyên môn đánh giá bảo đảm các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm”- cô Quyên chia sẻ thêm.

 Để tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm, năm học 2023-2024, nhà trường đã ký kết hợp đồng cung cấp nước uống đóng bình (loại 20 lít) với một doanh nghiệp tại huyện Tân Biên, do đơn vị đã chứng minh đầy đủ các quy định bảo đảm về ATVSTP. “Các năm học trước, nhà trường ký hợp đồng với một doanh nghiệp sản xuất nước uống đóng chai trên địa bàn TP. Tây Ninh, nhưng sau thời gian phát hiện nguồn nước đóng bình (loại 20 lít) có mùi lạ, tập thể nhà trường ngưng hợp đồng với đơn vị ngay sau đó. Đối với căn-tin trong trường học, Ban Giám hiệu yêu cầu chủ căn-tin chỉ sử dụng các loại nước uống đóng chai; bánh, kẹo, các loại thực phẩm phải có đầy đủ nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác, hạn sử dụng”- Phó Hiệu trưởng cho biết thêm.

Phối hợp chặt chẽ, phòng tránh ngộ độc thực phẩm

Ghi nhận tại bếp ăn Trường mầm non 15.3 (thị trấn Bến Cầu), đơn vị tổ chức nấu ăn trực tiếp cho 356 trẻ tại trường (mức giá 24.000 đồng/phần ăn). 7 nhân viên cấp dưỡng trực tiếp, được phân chia việc cụ thể, từ khâu tiếp phẩm, phân loại, sơ chế thực phẩm, người lặt rửa rau, củ, người nấu ăn trực tiếp đều mang bao tay, khẩu trang, nón gọn gàng. Tất cả các loại chén, muỗng, dĩa, ly inox đều được trụng vào nước sôi trước khi cho trẻ sử dụng. Các bồn rửa thực phẩm tại đây được chia ra ba chuyền riêng gồm: chuyền để rửa thực phẩm, chuyền để cắt, thái và chuyền cho vệ sinh. Khâu giám sát do Phó Hiệu trưởng theo dõi, điều hành và báo cáo tập thể nhà trường.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Thu- Hiệu trưởng trường cho biết, bếp ăn được chế biến theo quy tắc một chiều, kiểm thực 3 bước và lưu mẫu theo quy định. Toàn bộ nguồn thực phẩm thịt, cá tươi sống, gạo, sữa và nước uống cho trẻ đều được nhà trường hợp đồng với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hằng năm, đủ điều kiện bảo đảm ATVSTP. Trong đó, các loại thực phẩm luôn đầy đủ bốn nhóm giúp trẻ phát triển hài hoà, cân đối. “Từ đầu năm học, Ban Giám hiệu nhà trường triển khai kế hoạch tổ chức bếp ăn cho trẻ. Việc lấy mẫu thức ăn được thực hiện mỗi ngày và công khai thực phẩm, thực đơn để phụ huynh cùng theo dõi. Điều này không chỉ giúp phụ huynh yên tâm về dinh dưỡng của con khi đến trường mà còn giúp nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú trong nhà trường”- cô Thu bày tỏ.

Khu vực bếp chế biến tại bếp ăn Trường mầm non 15.3 (thị trấn Bến Cầu, huyện Bến Cầu).

Hiệu trưởng Trường mầm non 15.3 thông tin thêm, để nâng chuẩn mức độ 2 vào năm học tới, nhà trường sẽ dỡ bỏ một dãy phòng học cũ, xây mới thành dãy hành chính, bếp ăn và phòng năng khiếu, cải tạo toàn bộ không gian nhà trường gần 7.000m2 với nhiều cây xanh, khu vui chơi sạch, đẹp, bảo đảm an toàn cho trẻ.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Về nguyên tắc, bếp ăn bán trú đòi hỏi rất nhiều yêu cầu nghiêm ngặt về ATTP, chất lượng thực phẩm. Bữa ăn cần bảo đảm đủ chất, dinh dưỡng, định lượng và an toàn. Theo bà Trần Thị Ngọc Nương- Phó Giám đốc Sở Y tế, để bảo đảm và phòng ngừa mất ATTP liên quan tới các cơ sở cung cấp suất ăn như bếp ăn tập thể trường học, các nhà trường và đơn vị cung cấp bữa ăn bán trú cần tuân thủ thực hiện các quy định khác về ATTP nói chung và ATTP đối với bếp ăn tập thể nói riêng.

Mặt khác, do điều kiện cơ sở vật chất hạn chế, nhiều trường không thể tổ chức bếp ăn bán trú tại trường mà phải đặt suất ăn công nghiệp bên ngoài. Thực tế, có một số trường học bán trú đang tổ chức thực hiện, ký kết với một doanh nghiệp cung ứng suất ăn, nhưng không tổ chức nấu tại bếp ăn trường học, mà lại chuyển giao cho một đơn vị khác chế biến, sau đó vận chuyển đến bếp ăn học đường.

Theo nhận định của ngành Y tế tại các đợt kiểm tra liên ngành về ATVSTP, việc này tiềm ẩn những nguy cơ về ATTP, mặc dù đơn vị đã chứng minh nguồn nguyên liệu, quy trình chế biến, điều kiện bảo đảm an toàn vận chuyển... Tuy nhiên, để xác nhận an toàn thực phẩm hay không thì không thể nhìn mà đánh giá được. Ngành Y tế sẽ tổ chức những đợt kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở này trong thời gian gần nhất.

Đồng quan điểm, hiệu trưởng một trường tiểu học trên địa bàn TP. Tây Ninh bày tỏ, đơn vị cung cấp suất ăn dù đã cung cấp đầy đủ giấy tờ theo yêu cầu, chứng minh điều kiện nấu ăn, vận chuyển vệ sinh, an toàn, bảo đảm dinh dưỡng… nhưng nhà trường không thể mỗi ngày đều đến tận bếp của họ để kiểm tra, cũng không thể nhận biết lượng thức ăn cung ứng mỗi ngày cho trẻ có bảo đảm đủ dinh dưỡng hay chưa. “Sau vụ việc ngộ độc tập thể tại các bếp ăn học đường vừa qua, nhà trường đã thông báo đến giáo viên các lớp học sẽ không tổ chức liên hoan vào dịp tổng kết năm học nhằm bảo đảm an toàn sức khoẻ cho học sinh”- vị hiệu trưởng này cho biết thêm.

Tâm Giang

(còn tiếp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục