Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Phát triển văn hoá-mạch nguồn xuyên suốt
Bài 1: Cách mạng là văn hoá, văn hoá là cách mạng
Thứ hai: 11:33 ngày 10/01/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, trong phát biểu chỉ đạo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, phát triển kinh tế phải đi đôi với xây dựng, phát triển văn hoá.

Các nghệ sĩ Đoàn Văn công Tây Ninh biểu diễn phục vụ bộ đội trong chiến khu năm 1971. Ảnh tư liệu: Đặng Hoàng Thái

Trước đó, tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc tổ chức vào những ngày cuối năm 2021, người lãnh đạo cao nhất của Đảng nhấn mạnh: “Nhận thức sâu sắc được vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hoá trong sự phát triển của đất nước ta, dân tộc ta, cho nên, ngay từ trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng năm 1930, Đảng ta đã đề cập đến vấn đề phải phát triển văn hoá của dân tộc; và năm 1943, khi nước nhà còn chưa giành được độc lập, Đảng ta đã đề ra “Đề cương văn hoá Việt Nam”, trong đó chỉ rõ “Mặt trận văn hoá là một trong ba mặt trận (chính trị, kinh tế, văn hoá), và chủ trương phát triển văn hoá theo ba hướng: Dân tộc - Khoa học - Đại chúng.

Những quan điểm và tư tưởng chỉ đạo của Đảng trong văn kiện quan trọng này đã tạo ra một luồng sinh khí mới để tập hợp đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, tập hợp nhân dân phát huy vai trò của văn hoá, thống nhất về nhận thức, tư tưởng và tổ chức, khơi dậy khát vọng của dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, chuẩn bị tinh thần và lực lượng cho Cách mạng tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, năm 1945”.

Cùng thời gian này, kênh HTV9 của Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh phát sóng bộ phim 10 tập có tên “Mùa đông 1991” nói về sự kiện cách nay 30 năm, Liên bang Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Xô Viết (Liên Xô) sụp đổ.

Tập 2 của bộ phim có một chi tiết có lẽ khiến nhiều người giật mình: để đánh sập nhà nước Xô Viết non trẻ sau Cách mạng tháng Mười, chính phủ Vương quốc Anh cùng một số quốc gia khác không chỉ bao vây, bóp nghẹt nhà nước công nông bằng kinh tế, quân sự mà còn tấn công văn hoá nước Nga. “Bằng mọi cách, chúng ta phải chiếm giữ lâu dài nguồn dầu mỏ của nước Nga, chúng ta làm cho nhiều người căm ghét nước Nga”- lời thuật trong phim.

“Chiến đấu vì nền văn hoá của chúng tôi”

Nhìn lại lịch sử nước ta, không phải ngẫu nhiên, từ lúc ra đời cho đến nay, Đảng luôn nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của văn hoá trong xây dựng đất nước. Nhìn lại tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam, từ khi có sự lãnh đạo của Đảng, văn hoá được xác định vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng. Để Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào giữa thế kỷ XXI, vị trí, tầm quan trọng của văn hoá ngày càng tăng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong bộ phim “Ván bài lật ngửa” chiếu vào thập niên 80 của thế kỷ XX có chi tiết, một nhà báo Mỹ hỏi nhân vật Nguyễn Thành Luân (nguyên mẫu là nhà tình báo chiến lược Phạm Ngọc Thảo) rằng, cuộc chiến đấu của các ông là vì cái gì, nhà tình báo trả lời: “Cuộc chiến đấu của chúng tôi, suy cho cùng cũng là vì nền văn hoá của chúng tôi”.

Chúng ta biết, trong thời gian 117 năm (1858-1975), các thế lực đế quốc xâm lược, thống trị Việt Nam luôn coi văn hoá là một mục tiêu, nội dung cơ bản trong chính sách cai trị của họ. Bên cạnh các chính sách về chính trị, kinh tế, quân sự... là chính sách ngu dân, nô dịch về văn hoá.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930 như một đòi hỏi của lịch sử, vì sự kiện này đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đang nổi lên hàng đầu ở nước ta lúc đó. Từ khi thành lập, Đảng lãnh đạo sự nghiệp cách mạng trên tất cả các mặt trận chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá. Năm 1943, trong Đề cương văn hoá Việt Nam, Đảng xác định, văn hoá là một mặt trận, trong đó người cộng sản phải tham gia hoạt động với tư cách là một chiến sĩ văn hoá.

Quan điểm của Đảng hướng tới một nền văn hoá trên nguyên tắc dân tộc, khoa học, đại chúng. Phương châm này là mục tiêu, phương hướng để xây dựng nền văn hoá cách mạng về sau. Nhiều đảng viên, lãnh tụ vừa là chiến sĩ cách mạng, vừa là nhà văn hoá, như Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Tố Hữu.

Những tuyên ngôn về văn hoá đã xuất hiện: “Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong”, “Lấy cán bút làm đòn xoay chế độ/ Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”, “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lý chói qua tim”...

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 không chỉ là thắng lợi về chính trị, quân sự đã đem lại nền độc lập cho Việt Nam, đó còn là thắng lợi về văn hoá khi văn hoá cách mạng tiến bộ chiến thắng văn hoá ngu dân, nô dịch mà các thế lực thực dân phong kiến áp đặt cho nhân dân ta. Thắng lợi này mở ra kỷ nguyên phát triển mới cho dân tộc Việt Nam, trong đó có văn hoá.

Sau khi đọc bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (3.9.1945). Tại phiên họp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra các công việc cấp bách của chính quyền mới, gồm: chống “giặc dốt”, chống giặc ngoại xâm và chống giặc đói.

Như vậy, chống “giặc dốt” được xác định ngay từ đầu, là một trong ba kẻ thù của chế độ mới ở Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra, “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, vì vậy, phải đem ánh sáng “văn hoá soi đường cho quốc dân đi”, phải “thực hành đời sống mới là một điều cần kíp cho công cuộc cứu quốc và kiến quốc”.

Từ đó, phong trào “bình dân học vụ”, “xây dựng đời sống mới” được phát động để chống “giặc dốt”, góp phần xây dựng nền văn hoá mới. Trong 16 tháng (từ tháng 9.1945 - 12.1946), chế độ mới đã xoá mù chữ cho khoảng 2,5 triệu người trưởng thành.

Nhìn lại 87 năm (1858-1945) xâm lược, thống trị của thực dân Pháp, bằng chính sách ngu dân, nô dịch văn hoá, hơn 90% dân số Việt Nam mù chữ mới thấy ý nghĩa to lớn của thành quả này. Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, đánh lâu dài, dựa vào sức mình là chính.

Một lần nữa, quan điểm văn hoá là mặt trận được khẳng định trong sự nghiệp “kháng chiến, kiến quốc”. Chiến thắng Điện Biên Phủ là mốc son lịch sử, bởi lần đầu tiên, một dân tộc bị coi là nhược tiểu, đất không rộng, người không đông giành thắng lợi trước quân đội nhà nghề của một đế quốc hàng đầu thế giới.

Đây không những là chiến công vang dội mà còn là chiến thắng của văn hoá cách mạng nhân đạo, tiến bộ đối với “văn hoá” xâm lược thống trị tàn bạo của chủ nghĩa thực dân cũ. Chiến thắng Điện Biên Phủ phát huy cao độ truyền thống của dân tộc Việt Nam “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ lấy chí nhân để thay cường bạo” (Bình Ngô đại cáo - Nguyễn Trãi) được nâng lên tầm cao mới của thời đại. Chiến thắng này góp phần cùng các dân tộc thuộc địa trên thế giới vùng lên lật đổ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn cầu.

“Một câu hò cũng động trong tim”

Từ năm 1954 đến năm 1975, đất nước bị chia cắt làm hai miền. Miền Bắc được giải phóng và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Miền Nam vẫn còn trong tình thế “nước sôi lửa bỏng”, tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân.

Miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội với đường lối tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng là cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hoá. Cách mạng tư tưởng, văn hoá đem lại thành tựu to lớn trên các lĩnh vực xây dựng đời sống văn hoá mới và con người mới ở miền Bắc lúc đó.

Y tế giáo dục phát triển, văn hoá văn nghệ rực rỡ; môi trường văn hoá tinh thần cao đẹp “người với người sống để yêu nhau”, “tiếng hát át tiếng bom”, “người tốt, việc tốt”, “thanh niên ba sẵn sàng”, “phụ nữ ba đảm đang”, “tay búa, tay súng”, “tay cày, tay súng”, “tay bút, tay súng”...

Không thể kể hết những phong trào thi đua văn hoá sôi nổi trong chiến tranh góp phần hình thành con người yêu nước cách mạng ở miền Bắc. Đây thực sự là nhân tố quan trọng, góp phần thắng lợi của các cuộc kháng chiến.

Theo lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ quốc, hàng triệu lượt thanh niên miền Bắc đã vì đồng bào miền Nam ruột thịt “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Nhân dân miền Nam đấu tranh chống sự xâm lược thực dân mới không chỉ về mặt quân sự, chính trị mà còn đấu tranh bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc trước văn hoá lai căng, đồi truỵ mà kẻ thù ra sức du nhập vào Việt Nam.

Những phong trào như “hát cho đồng bào tôi nghe”, “ký giả đi ăn mày”, “đốt cờ và xe Mỹ” ở các đô thị miền Nam... là những biểu hiện của cuộc đấu tranh trên mặt trận văn hoá. Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam đã lan toả trên khắp chiến trường để ở đâu trên khắp miền Nam “ra ngõ gặp anh hùng, vào nhà gặp dũng sĩ” khiến “một câu hò cũng động trong tim”.

Đại thắng mùa xuân năm 1975 không chỉ thống nhất non sông, “mẹ được gần con, vợ gần chồng”, đây còn là thắng lợi của văn hoá cách mạng, thấm đẫm các giá trị nhân văn vì con người. Văn hoá là dòng chảy xuyên suốt cách mạng Việt Nam trong cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân để giải phóng dân tộc, giải phóng con người ở nước ta. Văn hoá là cách mạng, cách mạng là văn hoá, chính là vì vậy.

Việt Đông

(Còn tiếp)

“Phải làm thế nào cho văn hoá vào sâu trong tâm lý quốc dân, nghĩa là văn hoá phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Với xã hội, văn hoá phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà, ai cũng hiểu cái nhiệm vụ của mình và biết hưởng cái hạnh phúc của mình nên được hưởng”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh

 

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục