Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Nhiều HTX vẫn không dễ tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi theo các lĩnh vực ưu tiên. Bà Có cho rằng, khi ban hành chính sách, các cơ quan quản lý nhà nước cần bám sát thực tế, tạo điều kiện cho HTX dễ dàng tiếp cận chính sách ưu đãi.
Dự án thuỷ lợi tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông được đầu tư góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp
Thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hoá, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết bảo đảm chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới, từ năm 2016 đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp.
Các nghị quyết đã tạo điều kiện cho các hộ gia đình, doanh nghiệp và hợp tác xã (HTX) có thêm vốn đầu tư vào sản xuất, thực hiện chuyển dịch kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hoá, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, trong quá trình đưa nghị quyết vào cuộc sống, có những nội dung cần được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Khó tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi
Nhằm hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá, ngày 12.4.2019, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025.
Tuy nhiên, để tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi nói trên, hợp tác xã, doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện thẩm định về công nghệ sản xuất, chiến lược kinh doanh, nhân công lao động.
Thực tế, việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng chính sách phát triển nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Phần lớn nông dân sản xuất nhỏ, manh mún, điều kiện nông thôn khó khăn; các khoản vay thì nhỏ lẻ; dịch bệnh diễn biến phức tạp, thị trường tiêu thụ bấp bênh... Bên cạnh đó, nông dân đa số có trình độ hạn chế, chưa lập được các phương án sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Quang Tốt- chủ một trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn ở xã Tân Đông, huyện Tân Châu cho biết, trong quá trình đầu tư xây dựng trang trại, nhiều lần ông muốn được vay vốn theo chính sách hỗ trợ lãi vay của Nhà nước nhưng thủ tục và điều kiện vay quá khó, ông đành thế chấp tài sản để vay vốn của một ngân hàng thương mại với lãi suất thị trường.
Theo ông Tốt, trang trại nuôi heo của gia đình ông có quy mô chăn nuôi từ 9.000 đến 14.000 con theo mô hình trại lạnh khép kín, đòi hỏi dòng vốn lớn, nếu được vay theo gói ưu đãi lãi suất, ông sẽ tiết kiệm được chi phí đầu tư. Tuy nhiên, việc tiếp cận chính sách này không hề dễ, mặc dù Phòng NN&PTNT huyện hỗ trợ các bước làm hồ sơ nhưng ông vẫn không được xét cho vay.
Ông Trần Thanh Sơn (ngụ ấp Chánh, xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu) chia sẻ, năm 2019, ông trồng hơn 4 ha khóm có ký kết hợp đồng bao tiêu với một đơn vị chế biến rau quả trên địa bàn xã Thạnh Đức. Dù được chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp huyện tích cực hỗ trợ, nhưng do thiếu diện tích tối thiểu theo quy định là 5 ha nên ông không được giải quyết vay vốn theo chính sách hỗ trợ lãi suất của Nhà nước.
Để có vốn đầu tư, ông phải cầm cố mảnh đất đang canh tác cho một ngân hàng thương mại với lãi suất trên 10%/năm. Theo ông Sơn, việc quy định cứng nhắc, thiếu linh động trong giải quyết vay vốn theo chính sách khiến cho một bộ phận không nhỏ người dân không thể tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất.
Còn theo bà Lâm Thị Có- Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu, để được vay vốn theo chính sách, HTX cần phải có tài sản thế chấp. Trên thực tế, để tiếp cận những nguồn vốn vay ưu đãi, các HTX cần đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện thẩm định về công nghệ sản xuất, chiến lược kinh doanh, nhân công lao động.
Do đó, nhiều HTX vẫn không dễ tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi theo các lĩnh vực ưu tiên. Bà Có cho rằng, khi ban hành chính sách, các cơ quan quản lý nhà nước cần bám sát thực tế, tạo điều kiện cho HTX dễ dàng tiếp cận chính sách ưu đãi.
Dự án trồng dưa lưới trong nhà màng được hưởng chính sách ưu đãi sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Khó khăn trong giải quyết đầu ra cho nông sản
Hơn 2 năm gần đây, tình hình sản xuất nông nghiệp của người dân Tây Ninh liên tục gặp khó khăn, đặc biệt là trong đợt dịch Covid-19 vừa qua. Ông Cao Ngọc Thanh Trung- Chủ tịch HĐQT HTX dịch vụ nông nghiệp Thạnh Tây (huyện Tân Biên) cho biết, hiện nay giá phân bón đã tăng gấp đôi khiến cho chi phí đầu tư tăng rất cao, người sản xuất gần như không còn lợi nhuận.
Theo ông Khúc Ngọc Chung- giám sát sản phẩm của HTX xoài tứ quý Thạnh Bắc, huyện Tân Biên, trước đây HTX có ký hợp đồng bao tiêu với một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhưng đến nay đã dừng. Để tiêu thụ sản phẩm, HTX chấp nhận bán cho thương lái bằng với giá ngoài thị trường, dù xoài được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.
Một số hiệu quả từ chính sách hỗ trợ lãi vay
Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, từ khi triển khai Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐND đến nay, tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được 8 dự án, trong đó có 7 dự án cấp huyện, tổng kinh phí hỗ trợ 4.039,3 triệu đồng, đạt 21% kinh phí giao (19.049 triệu đồng), với số lượng 850 con bò và diện tích 70,5 ha; 1 dự án cấp tỉnh hỗ trợ liên kết sản xuất, xay xát và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao theo hướng VietGAP trên địa bàn tỉnh Tây Ninh của Công ty cổ phần sản xuất thương mại Lúa Vàng Việt có tổng kinh phí hỗ trợ 32.182 triệu đồng, diện tích 2.020,2 ha tại các huyện Bến Cầu (211,5 ha), Châu Thành (1.048,2 ha), Gò Dầu (266,5 ha) và thị xã Trảng Bàng (494 ha).
Từ năm 2019 đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ lãi vay cho 13 dự án (4 dự án trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao; 8 dự án trồng cây ăn trái thực hành nông nghiệp tốt; 1 dự án chăn nuôi bò thịt thực hành nông nghiệp tốt) tại các huyện Châu Thành, Tân Châu, Tân Biên, Gò Dầu và thành phố Tây Ninh với tổng diện tích 233,5 ha, kinh phí hỗ trợ trên 4,6 tỷ đồng; thời gian hỗ trợ từ năm 2020 đến năm 2025, tuỳ theo dự án.
Theo ông Xuân, tỷ lệ giải ngân chính sách hỗ trợ liên kết và lãi vay gặp nhiều khó khăn, thấp so với kinh phí được giao; số lượng dự án được hưởng còn ít so với chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, bước đầu cũng đạt được một số kết quả nhất định trong việc giúp nhà đầu tư thực hiện các dự án nông nghiệp tốt, ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ liên kết, có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, đã hỗ trợ đầu ra cho người nông dân tham gia liên kết ổn định, cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Đồng thời, các chính sách hỗ trợ lãi vay đã giúp một số nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư phát triển theo hướng thực hành nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp theo mục tiêu đề ra.
Minh Dương
(còn tiếp)