BAOTAYNINH.VN trên Google News

Cần ngăn chặn hiệu quả việc khai thác cát trái pháp luật

Bài 1: “Cát tặc” lộng hành ở Phước Chỉ 

Cập nhật ngày: 23/07/2018 - 06:14

BTN - Không chỉ gây tác động tiêu cực đến môi trường thiên nhiên, “cát tặc” còn làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống và sản xuất của người dân ven sông ở khu vực ấp Phước Trung (xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng), gây nguy cơ sạt lở nhà dân và một số khu vực ven sông.

Ghe khai thác cát trên sông Vàm Cỏ Ðông - Ảnh minh hoạ: Ðại Dương

Khoảng 10 năm trở lại đây, đoạn sông Vàm Cỏ Ðông thuộc khu vực giáp ranh giữa Tây Ninh và Long An trở thành “điểm nóng” khai thác cát lậu.

Không chỉ gây tác động tiêu cực đến môi trường thiên nhiên, “cát tặc” còn làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống và sản xuất của người dân ven sông ở khu vực ấp Phước Trung (xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng), gây nguy cơ sạt lở nhà dân và một số khu vực ven sông.

Nhiều người quan ngại, nếu để tiếp diễn tình trạng hút cát lậu, sắp tới có nguy cơ “hà bá” nuốt chửng hết bờ sông hiện trạng. Có người bất an trước nạn hút cát lậu nên đành bán nhà cửa ruộng vườn đi nơi khác sinh sống.

Người dân BỨC XÚC

Thời gian qua, người dân liên tục phản ánh trước vấn nạn khai thác cát lậu đến chính quyền, đại biểu HÐND các cấp tại các cuộc tiếp xúc cử tri.

Tuy nhiên, đến nay, “cát tặc” vẫn nhởn nhơ hoành hành trước sự bất lực của người dân, trong khi ngành chức năng, chính quyền vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn triệt để hành vi khai thác cát trái pháp luật của một nhóm người từ phía tỉnh Long An sang.

Trong thời gian qua, hoạt động khai thác, vận chuyển cát lậu diễn ra công khai, ầm ĩ suốt đêm. Nếu như trước đây chỉ có vài phương tiện tham gia, hiện nay số tàu hút cát lậu đã tăng gấp đôi.

Theo UBND xã Phước Chỉ, năm 2017, người dân địa phương nêu đích danh đối tượng tên Hài và vợ tên Lệ (ngụ ấp Lộc Chánh, xã Lộc Giang, huyện Ðức Hoà, tỉnh Long An) dùng tàu chở phương tiện hút cát đến địa phận ấp Phước Trung, xã Phước Chỉ khai thác cát trái phép.

Từ phản ánh của người dân, Phòng 2, 3- Cục C67 (thuộc Bộ Công an) phối hợp với PC67- Công an Tây Ninh phục kích bắt giữ 3 phương tiện tham gia khai thác cát trái phép do bà Nguyễn Thị Bích Lệ làm chủ. Lực lượng chức năng sau đó bàn giao tang vật, vụ việc cho Công an tỉnh Long An xử lý theo quy định.

Sau vụ việc trên, hai vợ chồng bà Lệ vẫn tiếp tục hoạt động hút trộm cát. Từ địa bàn xã Lộc Giang, vợ chồng bà Lệ đưa phương tiện sang khu vực giáp rạch Trà Cao (ấp Phước Lập, xã Phước Chỉ) hút cát trái phép. 4 máy bơm hút cát của vợ chồng ông Hài, bà Lệ hoạt động liên tục từ khoảng 19 giờ ngày hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau.

Trong thực tế, hai đối tượng trên chỉ là số ít trong những kẻ tham gia khai thác cát lậu ở khu vực giáp ranh hai tỉnh Tây Ninh - Long An. Trước tình trạng này, UBND xã Phước Chỉ có văn bản gửi Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Trảng Bàng, UBND huyện Trảng Bàng khẩn thiết đề nghị “có biện pháp giải quyết tình trạng khai thác cát trái phép thì sẽ đem lại lòng tin với người dân và họ sẽ an tâm sinh sống”.

Gần đây, một hộ dân lại gửi đơn kêu cứu đến UBND xã Phước Chỉ. Theo người này, hằng đêm, khoảng 19 giờ, trên đoạn sông Vàm Cỏ Ðông thuộc ấp Phước Trung, xã Phước Chỉ có nhiều tàu hút cát lậu hoạt động đến 5 giờ sáng hôm sau, mỗi tàu chở được khoảng 35m3 cát trở lên.

Các đối tượng này đều là người từ Long An sang hoạt động. Khi bị người dân phản ứng hoặc khi nghi ngờ có người quay phim, chụp ảnh, các đối tượng khai thác cát lậu buông lời đe doạ, uy hiếp người dân. Tình trạng này khiến nhiều người bức xúc nhưng vì muốn yên thân nên họ đành lặng thinh.

Theo UBND xã Phước Chỉ, xã biết rõ thực trạng khai thác cát lậu ở đây, nhưng không thể xử lý vì nhiều lý do khách quan. Cụ thể, xã không đủ thẩm quyền, phương tiện, điều kiện để truy đuổi, bắt giữ các đối tượng khai thác cát lậu. Ðể xử lý các đối tượng trên cần có sự phối hợp tham gia của ngành chức năng huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh và phía Long An.

Ông Trần Văn Minh- Chủ tịch UBND huyện Trảng Bàng cho biết, ông nắm rõ tình hình khai thác cát lậu ở xã Phước Chỉ và sự bức xúc của người dân địa phương.

Gần đây, UBND huyện có văn bản gửi UBND tỉnh, Công an tỉnh, Sở Giao thông - Vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường Tây Ninh về tình hình khai thác cát trái phép trên sông Vàm Cỏ Ðông, khu vực xã Phước Chỉ.

Theo đó, do hoạt động khai thác cát lậu diễn ra ở khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh nên lực lượng chức năng cấp huyện (Trảng Bàng) không đủ thẩm quyền và khả năng tuần tra, ngăn chặn, truy đuổi, xử lý các đối tượng và phương tiện tham gia khai thác cát lậu.

Mặt khác, các đối tượng hút trộm cát rất manh động nên việc xử lý cần thận trọng. Do đó, UBND huyện đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tỉnh phối hợp với tỉnh Long An và UBND huyện Trảng Bàng sớm xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát lậu ở đây để lập lại an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, bảo vệ sự an toàn cho người dân.

“Công trường khai thác cát” trên sông

Mới đây, phóng viên đã có chuyến đi thực tế khu vực khai thác cát lậu ở xã Phước Chỉ. Khi màn đêm buông phủ cũng là lúc những chiếc tàu hút cát lậu âm thầm xuất hiện.

Trên đoạn sông dài khoảng 1km từ bến đò Lái Mai (xã Bình Thạnh) đến bến đò Phước Chỉ (xã Phước Chỉ) có 4 tàu cát hoạt động. Chúng neo đậu rải rác, mỗi chiếc cách nhau khoảng vài trăm mét và mở máy hút cát hết công suất.

Từ cách xa vài trăm mét đã nghe tiếng máy nổ phình phịch nặng nề và tiếng nước bơm cát chảy rào rào, như một công trường hoạt động công khai.

Ðặc điểm chung của các tàu này là không lắp đèn chiếu sáng. Trước mỗi tàu chỉ có một bóng đèn nhỏ, màu đỏ để báo hiệu cho các tàu thuyền khác lưu thông trên sông biết mà tránh.

Trên mỗi tàu có khoảng 3-4 người, tất cả đều đội trên đầu đèn chiếu sáng công suất lớn. Mỗi khi phát hiện có phương tiện lưu thông đến gần, người trên các tàu giảm ga máy hút cát thật nhỏ, đồng thời tập trung rọi đèn vào các phương tiện “khả nghi”. Ðến khi những phương tiện này đi xa, người trên tàu mới tiếp tục công việc.

Ðến khoảng 22 giờ, vài chiếc tàu đã “no” cát. Chúng di chuyển đến gần một vài chiếc sà lan đang neo đậu ven sông để bơm cát từ tàu sang sà lan.

Mọi hoạt động đều diễn ra trong bóng tối mờ ảo lấp loáng từ những chiếc đèn điện gắn trên đầu nhóm người tham gia trộm cát. Sau khi bơm hết cát trên tàu, nhóm “cát tặc” cho tàu vào bờ neo đậu, nghỉ ngơi. Ðến 3 giờ sáng, chúng lại “ra quân” hút cát một đợt nữa và mọi việc đều kết thúc nhanh gọn trước 4 giờ 30 phút sáng.

Một người dân địa phương cho biết, các tàu này hút cát rầm rộ như thế suốt 7- 8 năm nay. Chúng hoạt động rất tinh vi, liên tục thay đổi địa điểm, vị trí hút cát để đối phó với lực lượng chức năng.

Chỉ tay về đoạn sông trước mặt, người dân này kể: “Nếu như trước đây khu vực này chỉ sâu chừng 15m thì hiện đoạn sông này sâu hun hút, khoảng 50m. Vừa rồi, tụi tôi bị rơi chiếc máy ghe xuống đây, phải thuê nhóm thợ lặn người Campuchia đến trục vớt. Người thợ lặn này cột đá vào sợi dây dài 60m thòng xuống dòng sông để thăm dò độ sâu, và bất ngờ khi thấy lòng sông sâu gần bằng chiều dài sợi dây”.

Cũng theo lời người dân trên, việc khai thác cát quá mức đã làm sạt lở nhiều chỗ ven sông. Có gia đình bị sạt lở mất hết phần sân, nước “liếm” vào tới thềm nhà. Có vườn cây bị sạt xuống sông, chỉ còn thấy đọt cây ló lên mặt nước. Có gia đình bị nứt tường nhà do nền đất xói lở…

Tại buổi giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thứ 9 HÐND tỉnh Tây Ninh khoá IX, nhiệm kỳ 2016-2021, do HÐND tỉnh Tây Ninh tổ chức ngày 3.7.2018 vừa qua, ông Trần Văn Khải- Tổ trưởng Tổ đại biểu HÐND tỉnh cho biết, cử tri huyện Trảng Bàng rất bức xúc trước tình trạng khai thác cát lậu trên sông vàm Cỏ Ðông đoạn giáp ranh hai tỉnh Tây Ninh và Long An.

BẢO TÂM - ÐẠI DƯƠNG

(Còn tiếp)