Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Người lính và chiến tranh
Bài 1: “Cha trở về, rồi cha đi, vội lắm”
Thứ sáu: 09:12 ngày 20/12/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trải qua hai cuộc kháng chiến, nhiều lần điều chỉnh, thay đổi tên gọi, Quân đội nhân dân Việt Nam, như câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Quân đội ta là quân đội nhân dân, do dân đẻ ra, vì dân mà chiến đấu, yêu nước, yêu dân, cho nên hy sinh kham khổ”.

Tròn 80 năm trước, ngày 22.12.1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, tỉnh Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân (tên gọi ban đầu của Quân đội nhân dân Việt Nam) được thành lập.

Trải qua hai cuộc kháng chiến, nhiều lần điều chỉnh, thay đổi tên gọi, Quân đội nhân dân Việt Nam, như câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Quân đội ta là quân đội nhân dân, do dân đẻ ra, vì dân mà chiến đấu, yêu nước, yêu dân, cho nên hy sinh kham khổ”.

Trung tá thuỷ quân lục chiến Mỹ James G.Zumwalt, người từng tham chiến tại Việt Nam - con trai của Phó đô đốc Elmo Russell “Bud” Zumwalt, Tư lệnh lực lượng Hải quân Mỹ tại Việt Nam trong giai đoạn 1968 - 1970 khẳng định: Muốn nhìn thấu bản lĩnh, ý chí và sức sáng tạo của Quân Giải phóng, hãy nhìn vào đường mòn Hồ Chí Minh và địa đạo Củ Chi.

“Đường mòn Hồ Chí Minh và địa đạo Củ Chi là nơi hội tụ toàn bộ phẩm giá của bộ đội và nhân dân Việt Nam. Đây cũng là nơi phản ánh rõ nét nhất ý chí thép giúp bộ đội Việt thắng Mỹ. Đây là một ví dụ vô song về sự toàn thắng của trí tuệ con người đối với máy móc”.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hỏi.

“Gia đình lúc đó nghèo khổ, không có ruộng đất, cuộc sống khó khăn, cha mẹ tôi mới đưa gia đình lên đây sinh sống và lập nghiệp. Sau năm 1960 chiến tranh bùng nổ, lúc đó dân ở vùng giải phóng vẫn ở bình thường, đến năm 1964 giặc Mỹ đã càn quét, ấp chiến lược phân cách giữa người cộng sản và người bên ngoài nên dễ tiêu diệt, chúng dùng thuốc độc, thuốc diệt cỏ để tiêu diệt môi trường rừng rú, lúa thóc… làm cho quân đội mình yếu đi”- cựu chiến binh Nguyễn Văn Hỏi, quê Trảng Bàng, hiện ngụ xã Biên Giới, huyện Châu Thành mở đầu câu chuyện với chúng tôi trong buổi chiều biên giới, tháng 12.

“Thế hệ trẻ không hình dung nổi đâu”

Ông kể, do gia đình khó khăn nên không được học hành nhiều, lớn lên, theo lời kêu gọi của non sông, ông tham gia kháng chiến. “Đầu tiên tôi ở trong cơ quan lúc đó gọi là cơ quan Tuyên huấn của huyện Châu Thành, đó là năm 1965.

Năm 1967, chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân, các cơ quan đưa thanh niên tham gia lực lượng vũ trang, tôi được đưa về huyện Châu Thành, tức lực lượng C40.

Vào C40, lãnh đạo thấy tôi cũng to con nên đưa vào trung đội trợ chiến, đó là đơn vị toàn súng nặng như đại liên, súng cối… chỉ vác bộ không có xe cộ gì. Tôi tham gia chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 khi chỉ được huấn luyện trong thời gian ngắn. Trận đánh đầu tiên, cũng ngay trên mảnh đất Châu Thành này, đơn vị tôi hy sinh 2 người”- người cựu chiến binh tuổi gần 80 nhớ lại.

“Bây giờ tôi kể lại, thế hệ sau này cũng không thể hình dung được sự gian khổ đó như thế nào đâu. Phía ta là đầu trần chân đất, còn phe địch có xe tăng, thiết giáp, máy bay, hơn mình rất nhiều, nhưng tại sao quân ta vẫn đánh giặc tới cùng? Đó là vì tinh thần yêu nước, vì sức mạnh tư tưởng của người Việt Nam, quyết định sự thắng lợi của đất nước”.

Từ năm 1968 đánh đến khi ký Hiệp định Paris, người lính này không thể nhớ hết số lần mình lâm trận. “Thời điểm đó, cách mạng phát động phong trào thi đua dũng sĩ diệt Mỹ, bất kể ai sử dụng loại vũ khí nào, phương tiện nào.

Lúc đó tôi là người duy nhất trong đơn vị sử dụng súng cối, vì thân hình tôi cao to, sức khoẻ tốt. Tôi tham gia hàng chục trận, đánh nhiều trận. Do thành tích trong chiến đấu, tôi hai lần được cấp giấy chứng nhận “Dũng sĩ diệt Mỹ” cấp 2 và một lần được công nhận là “Dũng sĩ diệt Mỹ” cấp 3”.

Những ngày tháng đó, ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh, ông có nghĩ đến lượt mình hy sinh không? “Lúc đó tôi nghĩ sống được ngày nào hay ngày đó, vì vũ khí của địch quá hiện đại, còn mình quá thô sơ.

Khi đi chiến đấu không nghĩ mình sẽ sống đến ngày hoà bình lập lại, nhưng nhất định thà chết chứ không bỏ ngũ. Tôi nói thẳng luôn điều này, giai đoạn đó, do chiến sự quá ác liệt, có người không chịu được, bỏ ngũ. Bản thân tôi nghĩ, “hùm chết để da, người ta chết để tiếng”, anh em trong đơn vị chỉ biết động viên nhau bằng câu nói: “ráng nha mày, ráng nha””.

Ông nói tiếp, đi kháng chiến chống Mỹ không mong ngày trở về, vì hôm nay chính tay mình chôn cất người đồng đội hy sinh, rồi ngày mai có khi tới lượt mình: “Để tôi kể cho các cháu nghe, thời chiến bộ đội ở trong rừng, dân ở trong ấp chiến lược.

Tối đến bộ đội mới vào ấp chiến lược để công tác, người dân cho gạo, cho đồ ăn, hết sức cảm động. Tôi vô trong đó, người dân cho bánh tét, thịt heo, rau sống để ăn, bà con tuy sống trong vùng địch nhưng vẫn lo cho bộ đội, nhất là vùng Thanh Điền. Quân với dân như cá với nước, là vậy đó”.

“Những tưởng hoà bình rồi”…

“Tôi không được học nhiều, sau này học bổ túc văn hoá, nhận thức còn hạn chế. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tưởng được yên bình thì xảy ra chiến tranh Tây Nam. Tôi lại vào trận. Dù đã đi qua những năm dài chống Mỹ nhưng tôi thấy, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam vô cùng ác liệt, đau thương, mất mát vô cùng lớn.

Tôi lập gia đình năm 1971, khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, vợ chồng tôi có hai mặt con. Tôi cứ đi triền miên như thế, tất cả việc gia đình, nuôi con cái, đều do bả lo toan, thu xếp. Tuy chiến đấu tại địa phương nhưng do chiến sự quá ác liệt, lâu lâu mới được ghé thăm nhà một lần, chỉ trong thời gian ngắn ngủi, rồi lại ra đi” - cựu chiến binh Nguyễn Văn Hỏi nói về tình cảm gia đình trong những tháng ngày cả nước ra trận.

Sau dòng hồi ức, ông trở về với cuộc sống hiện tại. “Hiện nay Đảng ta đang chấn chỉnh để tổ chức Đảng ngày một vững mạnh hơn. Tôi nói thêm, thời kháng chiến, chúng tôi sinh hoạt kiểm điểm mỗi ngày, coi còn thiếu sót gì không.

Phải nói thật rằng, thời chiến tranh, công tác tư tưởng của Đảng rất tốt, điều đó giúp chúng tôi quyết tâm đánh thắng giặc và gần như không sợ chết. Chúng tôi nghĩ đơn giản, nếu phải hy sinh vì Tổ quốc và Nhân dân, điều đó cũng là lẽ thường tình của thanh niên khi nước nhà bị ngoại bang xâm chiếm.

Điều thứ hai, tư tưởng của con người có quyết tâm hay không, biết hiểm nguy, có thể ngã xuống bất kỳ lúc nào nhưng vẫn đi, thà chết chứ không đầu hàng, vì sau lưng mình là hậu phương, gia đình, vợ con và trên hết, trước hết là Tổ quốc”.

Đất nước thống nhất, hoà bình, anh Giải phóng quân Nguyễn Văn Hỏi “súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”. Ông trở về cuộc sống đời thường, lại cầm cuốc cầm cày, lao động sản xuất để làm ra những mùa vụ mới.

Chúng tôi không mặc cả khi Tổ quốc cần

Tháng 4.2023, tại huyện Tân Biên, nhóm phóng viên Báo Tây Ninh gặp ông Phạm Văn Quynh, nguyên Trưởng Ban Dân vận Huyện uỷ để nghe ông nói về những năm tháng cả nước lên đường, trong đó người lính là nhân vật trung tâm. “Nói về cuộc kháng chiến của dân tộc ta, có nhiều điều để nói và cũng không sao nói hết được” - ông Quynh trầm ngâm.

Đảng viên Phạm Văn Quynh và Nguyễn Chí Hiếu (thị trấn Tân Biên, huyện Tân Biên) trò chuyện cùng phóng viên Báo Tây Ninh về công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Nhưng điều thường hiện về trong ký ức, trong trí nhớ của ông, đó là “sự hy sinh của đồng bào ta, đặc biệt là sự kiện Mậu Thân, 1968”. Sau năm 1968, theo ước tính của ông Quynh, tại Campuchia, đồn điền cao su Bến Két có khoảng 80% thanh niên về miền Nam chiến đấu, phần lớn lực lượng này gia nhập Đoàn 180- Công an nhân dân vũ trang bảo vệ Trung ương Cục miền Nam.

“Không một đại lượng toán học hay vật lý nào đo đếm hết đau thương, mất mát của cuộc kháng chiến. Nhưng cũng thật tâm rằng, chúng tôi vô cùng tự hào về những tháng năm đó. Anh em, bạn bè tôi khi về miền Nam chiến đấu chỉ với một ước vọng: đánh đuổi quân thù, thống nhất đất nước, không so bì thiệt hơn.

Thế hệ chúng tôi tự hào vì đã đóng góp công sức, tuổi trẻ cho cuộc kháng chiến, cho công cuộc xây dựng đất nước. Tôi nghỉ hưu đã lâu nhưng luôn giáo dục con cháu không quên những tháng ngày gian khổ, hy sinh của dân tộc. Nhà tôi mất 6 người trong một trận bom, tôi thấu hiểu sự đau thương, khốc liệt của chiến tranh”- người cựu chiến binh xúc động nói.

Việt Đông - Hoàng Yến

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục