Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nông nghiệp công nghệ cao dần khẳng định vai trò trong sản xuất
Bài 1: Chính sách phát triển nông nghiệp phù hợp thực tế
Thứ ba: 23:40 ngày 22/03/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhìn chung, các chính sách hỗ trợ nông nghiệp và phát triển nông thôn thường xuyên được rà soát, đánh giá hiệu quả phù hợp với thực tế sản xuất và nhu cầu của người nông dân và doanh nghiệp.

Trồng rau trong nhà kính.

Thực hiện xuyên suốt mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tỉnh ban hành nhiều chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn. Trong đó, tập trung vào 4 nhóm chính sách: nông nghiệp và phát triển nông thôn; hỗ trợ sản xuất; khuyến khích phát triển sản xuất; thu hút đầu tư vào nông nghiệp.

Chính sách nông nghiệp phát huy hiệu quả

Đối với nhóm chính sách nông nghiệp thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh ban hành và triển khai chính sách phát triển chuỗi giá trị và cụm ngành, các chương trình, đề án phát triển vùng cho các ngành hàng cụ thể như lúa chất lượng cao, rau an toàn, vùng an toàn dịch bệnh, chăn nuôi heo VietGAHP, chăn nuôi bò thịt, bò sữa, gà thịt…

Đề án nâng cao hiệu quả sản xuất lúa và xây dựng vùng lúa chất lượng cao tỉnh hỗ trợ thực hiện với diện tích lúa được chứng nhận VietGAP là 2.231 ha.

Đề án sản xuất, sơ chế và tiêu thụ rau an toàn tỉnh hỗ trợ diện tích rau được chứng nhận VietGAP là 386,95 ha. Đồng thời, thành lập được 46 tổ hợp tác sản xuất rau an toàn, mỗi tổ hợp tác được trang bị 1 bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật; diện tích rau được chứng nhận GlobalGAP là 20,5 ha.

Thành lập 5 tổ hợp tác sản xuất rau chứng nhận GlobalGAP, mỗi tổ hợp tác được trang bị 1 bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Các mô hình này trồng dưa lưới, dưa lê, dưa leo, rau ăn lá các loại, sử dụng công nghệ tự động hoá trong khâu tưới nước, bón phân, kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm và ứng dụng công nghệ sinh học trong quá trình thụ phấn cho cây trồng.

Đề án cơ cấu lại nông nghiệp tỉnh hỗ trợ 1.275,8 ha diện tích cây ăn trái được chứng nhận VietGAP; có 137 hộ sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử KIPUS cho tổng diện tích 1.193,8 ha; 5 cơ sở được cấp mã QR và tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm bưởi da xanh, mãng cầu, dưa lưới, xoài tứ quý với tổng diện tích 100,7 ha. Hỗ trợ doanh nghiệp và người sản xuất đăng ký mã số vùng trồng (95 vùng trồng cây ăn quả, diện tích 4.739,8 ha, 21 cơ sở đóng gói trái cây) đối với trái cây xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Đối với nhóm chính sách hỗ trợ sản xuất, nhằm hỗ trợ, khôi phục sản xuất nông nghiệp do thiên tai, dịch bệnh gây ra cũng như phát triển sản xuất để xoá đói giảm nghèo, tỉnh ban hành và triển khai thực hiện các chính sách và đã đạt được một số kết quả như: hỗ trợ 30,1 tỷ đồng cho 10.622 hộ với 15.902 ha bị thiệt hại do thiên tai; 61 đối tượng vay 113 tỷ 084 triệu đồng để đầu tư 107 máy móc, thiết bị các loại để phục vụ cơ giới hoá trong nông nghiệp.

Nhóm chính sách khuyến khích phát triển sản xuất; các dự án thực hành nông nghiệp tốt, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, dự án cánh đồng lớn luôn được tỉnh quan tâm. UBND tỉnh xem xét, phê duyệt 8 dự án, hỗ trợ 8,17 tỷ đồng; 18 dự án lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi đang trong quá trình chuẩn bị; hỗ trợ lãi vay, theo Quyết định số 21/2019/QĐ-UBND đến năm 2020, có 12 dự án được UBND tỉnh phê duyệt, với tổng mức hỗ trợ được duyệt là 10,544 tỷ đồng; hỗ trợ 30% chi phí mua cây giống 3,725 tỷ đồng cho 5 dự án xây dựng cánh đồng lớn.

Nhóm chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, tỉnh thu hút 24 dự án nông nghiệp gắn với phát triển chuỗi giá trị, nông nghiệp công nghệ cao, trong đó tiêu biểu là trang trại bò sữa Vinamilk đạt tiêu chuẩn GlobalGAP với tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng, quy mô 8.000 con bò sữa.

Tác động của các chính sách này đến phát triển nông nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh mía, cây ăn trái gắn với công nghiệp chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu. Các cây trồng chủ lực như lúa, mía, cao su được đẩy mạnh thâm canh, cơ giới hoá đồng bộ, cánh đồng lớn, tăng năng suất, hạ giá thành và bảo đảm nguyên liệu cho chế biến.

Để hỗ trợ phát triển nông nghiệp, tỉnh có nhiều giải pháp mang tính đột phá về xây dựng chuỗi giá trị, cụm ngành nông nghiệp phát huy việc thu hút đầu tư, đặc biệt thu hút các dự án lớn về chế biến trái cây, chăn nuôi bò sữa. Nhiều tập đoàn lớn được tỉnh Tây Ninh mời gọi đến khảo sát, đề xuất dự án đầu tư nông nghiệp hướng đến sự liên kết cùng nông dân trong việc tận dụng ưu thế về đất đai, nguồn nước và khí hậu để sản xuất, chế biến và cung ứng sản phẩm có chất lượng và an toàn ra thị trường.

Nhìn chung, các chính sách hỗ trợ nông nghiệp và phát triển nông thôn thường xuyên được rà soát, đánh giá hiệu quả phù hợp với thực tế sản xuất và nhu cầu của người nông dân và doanh nghiệp.

Sơ chế rau tại HTX sản xuất nông nghiệp Phước Ninh (huyện Dương Minh Châu).

Hoàn tất đề án về chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp

Những năm qua, ngành nông nghiệp tập trung định hướng phát triển các cây trồng chủ lực của tỉnh theo hướng đẩy mạnh thâm canh, cánh đồng lớn, cơ giới hoá đồng bộ, tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, bảo đảm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, liên kết sản xuất với tiêu thụ, xây dựng một số mô hình, đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trên cây trồng chủ lực theo hướng hình thành các vùng sản xuất chuyên canh gắn với thị trường và công nghiệp chế biến.

Tính đến tháng 6.2021, toàn tỉnh có 102 mã số vùng trồng và 21 mã số cơ sở đóng gói trái cây tươi được Cục Bảo vệ thực vật thuôc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp mã số để xuất khẩu sang các thị trường như: EU, Trung Quốc, Úc - New Zealand, Hoa Kỳ.

Trong giai đoạn 2019-2022, ngành Nông nghiệp triển khai cho các tổ chức, cá nhân trồng cây ăn trái nhập dữ liệu phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử KIPUS, tạo thuận lợi để các loại trái cây xuất khẩu vào các thị trường, kể cả thị trường khó tính.

Hiện ngành Nông nghiệp đã hoàn tất đề án về chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với nhiều gói hỗ trợ đầu tư, chuẩn bị quỹ đất để các doanh nghiệp có năng lực, công nghệ vào đầu tư.

Kết quả thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn trong giai đoạn 2019-2020 được 67 dự án tăng 4,7 lần so với năm 2018, trong đó, 21 dự án trong lĩnh vực trồng trọt, chủ yếu là sản xuất phân bón hữu cơ, cây ăn quả như ổi, táo, thanh long, trồng cây dược liệu, nấm. Trong đó, 2 dự án trồng cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái và 2 dự án trồng chuối và cây ăn trái.

Các dự án còn lại chủ yếu là đầu tư vào chăn nuôi gà, bò, dê và chim yến. Nhiều dự án có quy mô lớn như dự án chuyển đổi từ trồng mía sang trồng chuối già Nam Mỹ xuất khẩu và kết hợp chăn nuôi (363 tỷ đồng) ở huyện Châu Thành; dự án của Công ty TNHH QL Farms nuôi 1 triệu con gà cho 1 triệu quả trứng/ngày có số vốn lên tới 794 tỷ đồng ở xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên; dự án của Công ty TNHH MTV TS Farm nuôi 400.000 gà đẻ, vốn đầu tư 261 tỷ đồng ở xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu.

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả việc tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; hoàn thiện các cơ chế, chính sách nông nghiệp, tạo môi trường, động lực mạnh mẽ các nguồn lực, khởi nghiệp trong nông nghiệp và phát triển kinh tế tư nhân trong nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp thực chất và hiệu quả hơn, hoạt động sản xuất chuyển mạnh theo hướng hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, phát huy lợi thế của mỗi địa phương.

Nhi Trần

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục