Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp
Bài 1: Chuyển đổi từ tư duy đến hành động
Thứ năm: 23:53 ngày 26/10/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hiện nay, các cơ sở GDNN thực hiện tốt công tác quản lý hồ sơ học sinh sinh viên và học viên trên máy; tổ chức tư vấn tuyển sinh, dạy học theo hình thức trực tuyến

Giáo viên và học viên Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Ninh thay đổi tư duy phù hợp với xu thế chuyển đổi số.

Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là việc triển khai các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên môi trường số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học, kiểm tra, đánh giá, giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý; góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh.

Chuyển đổi tư duy người dạy - người học

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có 19 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 1 trường cao đẳng nghề; 4 trường trung cấp nghề (2 trường công lập, 2 trường tư thục); 9 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện; 1 trung tâm Dịch vụ việc làm - Giáo dục nghề nghiệp tỉnh; 2 trung tâm đào tạo lái xe ô tô; 1 trung tâm GDNN đào tạo sơ cấp và 1 doanh nghiệp đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Những năm qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp quan tâm đầu tư hạ tầng số, kết nối mạng internet, trang bị đầy đủ máy tính để bàn cho 100% cán bộ quản lý, viên chức làm việc; 100% giáo viên các trường trung cấp, cao đẳng nghề được trang bị kiến thức tin học cơ bản trở lên, sử dụng thành thạo các phần mềm cơ bản; các cơ sở đào tạo trang bị laptop hoặc cá nhân tự trang bị để khai thác các tính năng giảng dạy trên môi trường số.

Về cơ bản, các cơ sở đào tạo đã kết nối được phần mềm dùng chung của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, định kỳ hằng tháng báo cáo công tác tuyển sinh, kết quả tốt nghiệp, cấp phát và tra cứu văn bằng.

Hiện nay, các cơ sở GDNN thực hiện tốt công tác quản lý hồ sơ học sinh sinh viên và học viên trên máy; tổ chức tư vấn tuyển sinh, dạy học theo hình thức trực tuyến. Học sinh sinh viên sử dụng điện thoại thông minh để tra cứu tài liệu, bài giảng, tìm hiểu các thông tin chính thống do nhà trường đăng tải trên trang thông tin điện tử hoặc mạng xã hội Zalo của trường.

Thầy Phạm Văn Vinh- Hiệu trưởng Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Ninh cho biết, chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp góp phần nâng cao năng lực số của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý.

Đồng thời, chuẩn hoá các điều kiện bảo đảm chất lượng về giáo viên, cán bộ quản lý, chương trình giáo trình, cơ sở vật chất thiết bị, quản trị nhà trường; qua đó, quản lý quá trình đào tạo theo hướng hiện đại, chú trọng chất lượng đầu ra. Người học được học lý thuyết, kỹ năng gắn kết chặt chẽ với thực hành, làm việc để tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí cho cả đơn vị đào tạo, lực lượng lao động và đơn vị sử dụng lao động.

Theo lãnh đạo Trường cao đẳng nghề Tây Ninh, quá trình chuyển đổi số có tác động trực tiếp đến các đối tượng tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp như thay đổi cách quản lý; cách dạy của giáo viên; cách học, thực hành kỹ năng nghề của học sinh, sinh viên từ môi trường truyền thống sang môi trường số.

Sự chủ động đầu tiên cần đến từ đội ngũ giảng viên. Giảng viên là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi số. Đây là đội ngũ trực tiếp giảng dạy, do đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tích cực tổ chức các khoá bồi dưỡng, khuyến khích, tạo động lực cho giảng viên học hỏi, tích luỹ kỹ năng sử dụng công nghệ.

Cô Lê Thị Thu Thảo- Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề cho biết, đơn vị đang tập trung phát triển chương trình, nội dung đào tạo phù hợp với nền kinh tế và hội nhập quốc tế; lồng ghép vào chương trình các môn học liên quan tới kỹ năng số để sau khi ra trường, người học có thể tiếp cận ngay với các công việc cần kỹ năng này, có thêm nhiều cơ hội việc làm.

Em Trần Thị Thanh Thảo, học viên chuyên ngành Kế toán doanh nghiệp tại Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh chia sẻ: “Giảng viên sử dụng bài giảng điện tử, có nhiều hình ảnh, video minh họa sinh động vào quá trình giảng dạy giúp em có thêm hứng thú học tập, tiếp thu bài nhanh.

Bên cạnh đó, giảng viên còn hướng dẫn sử dụng phần mềm kế toán Misa để lập báo cáo tài chính thay thế cho các thao tác lập báo cáo thủ công trên Excel. Phần mềm này giúp học viên chuyên ngành kế toán tiết kiệm được nhiều thời gian khi làm báo cáo mà vẫn bảo đảm hiệu quả”.

Trang bị kỹ năng phù hợp với xu thế chuyển đổi số

Hiện nay, ngoài kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề, phương pháp sư phạm, giáo viên cần trang bị thêm những kỹ năng để phù hợp với chuyển đổi số, trong đó có kỹ năng công nghệ thông tin; vận hành thiết bị, phần mềm công nghệ, xử lý dữ liệu.

Một giáo viên của Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Ninh cho biết, từ định hướng chuyển đổi số của ngành, giáo viên đã cố gắng nghiên cứu, học hỏi bằng nhiều cách khác nhau như tham gia các lớp tập huấn, tìm hiểu trên internet, đầu tư phương tiện dạy học… thuận lợi hơn cho việc khai thác dữ liệu, soạn bài giảng điện tử, giảng dạy trong môi trường số, từng bước đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác chuyển đổi số.

Theo cô Lê Thị Thu Thảo- Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Tây Ninh, giáo viên cần trang bị những kỹ năng mới để cho hoạt động giảng dạy, duy trì sự chú tâm của người học.

Mặt khác, sinh viên cũng cần nâng cao tính chủ động, sáng tạo, tìm hiểu cập nhật thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng. Để hoạt động giáo dục hiệu quả rất cần bảo đảm về hạ tầng công nghệ, xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách như: hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; ban hành các tiêu chuẩn về trường học số, hạ tầng số, phòng học thực hành số, chương trình, giáo trình số...

Ngoài ra, công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp cần xây dựng các dịch vụ công trực tuyến, phần mềm phục vụ công tác quản lý, điều hành; xây dựng và phát triển công cụ và triển khai các hoạt động bảo đảm chất lượng, kiểm tra, đánh giá kỹ năng nghề thông qua môi trường số.

Ngày 12.7.2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2139/KH-UBND về triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh.

Kế hoạch nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số tạo đột phá trong đổi mới hoạt động giáo dục và đào tạo; tác động tích cực, toàn diện tới phương thức hoạt động, chất lượng, hiệu quả và công bằng trong giáo dục.

Người học và nhà giáo là trung tâm của quá trình chuyển đổi số; lợi ích mang lại cho người học, đội ngũ nhà giáo và người dân là thước đo chủ yếu đánh giá mức độ thành công của chuyển đổi số.

Theo kế hoạch này, mục tiêu đến năm 2025, đổi mới phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hằng ngày đối với mỗi nhà giáo, người học.

Trong đó: 50% học sinh phổ thông, mỗi sinh viên và mỗi nhà giáo có đủ điều kiện (về phương tiện, đường truyền, phần mềm) tham gia có hiệu quả các hoạt động dạy và học trực tuyến; triển khai và khai thác kho học liệu trực tuyến của ngành Giáo dục đáp ứng yêu cầu về tài liệu học tập cho 50% nội dung chương trình giáo dục phổ thông; Trường cao đẳng Sư phạm Tây Ninh và các Trường cao đẳng Nghề, Y tế... cung cấp các chương trình đào tạo và cấp bằng theo hình thức từ xa hoặc trực tuyến.

Về quy mô hoạt động giáo dục trực tuyến, tỷ lệ nội dung chương trình giáo dục phổ thông được triển khai dưới hình thức trực tuyến đạt trung bình 5% ở bậc tiểu học, 10% ở bậc trung học; tỷ lệ lớp học trực tuyến trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trường chuyên nghiệp, giáo dục thường xuyên đạt trung bình 10%.

Ngoài việc đổi mới phương thức tổ chức giáo dục, mục tiêu đến năm 2025 còn đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý, điều hành dựa trên công nghệ và dữ liệu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và chất lượng cung cấp dịch vụ hỗ trợ của Nhà nước và các cơ sở giáo dục.

Học viên Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Tây Ninh thiết kế đồ hoạ trên máy tính.

Cụ thể, về quản trị nhà trường, 100% cơ sở giáo dục áp dụng hệ thống quản trị nhà trường dựa trên dữ liệu và công nghệ số, trong đó: 100% người học, 100% nhà giáo được quản lý bằng hồ sơ số với định danh thống nhất toàn quốc; 80% cơ sở vật chất, thiết bị và các nguồn lực khác phục vụ giáo dục, đào tạo và nghiên cứu được quản lý bằng hồ sơ số.

Về quản lý giáo dục, cơ sở dữ liệu toàn ngành Giáo dục được hoàn thiện, kết nối thông suốt với tất cả các cơ sở giáo dục bảo đảm cung cấp thông tin quản lý đầy đủ, tin cậy và kịp thời; được kết nối và chia sẻ hiệu quả với các cơ sở dữ liệu quốc gia.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý giáo dục được vận hành chủ yếu dựa trên dữ liệu và công nghệ số, trong đó, 90% hồ sơ công việc tại cấp sở; 80% hồ sơ công việc tại cấp phòng được giao dịch và giải quyết trên môi trường số (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật). 80% các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến trung học phổ thông hoàn thiện được mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hoá dữ liệu số, kho học liệu số mở.

Về dịch vụ hỗ trợ người học, người dân, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ toàn trình (hoặc dịch vụ công trực tuyến một phần nếu không phát sinh thanh toán); tỷ lệ người học, phụ huynh hài lòng về chất lượng dịch vụ trực tuyến của các cơ sở giáo dục đạt trung bình 80%; tỷ lệ tổ chức, cá nhân hài lòng về chất lượng dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan quản lý giáo dục đạt trung bình 80%.

Mục tiêu đến năm 2030, hoàn thiện nền tảng dạy và học trực tuyến tích hợp kho học liệu số, hỗ trợ 100% người học và nhà giáo tham gia có hiệu quả các hoạt động giáo dục trực tuyến; cơ sở dữ liệu của ngành Giáo dục tỉnh được hoàn thiện, cung cấp thông tin quản lý đầy đủ, tin cậy và kịp thời. Ngoài ra, 100% nguồn lực giáo dục, chương trình giáo dục và đối tượng giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân được quản lý trên môi trường số, kết nối thông suốt toàn ngành và liên thông với các cơ sở dữ liệu, thông tin quốc gia.

Nhi Trần - Trúc Ly

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục