Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
“Hậu phương” của cố Bí thư Tỉnh uỷ Hai Bình
Bài 1: Chuyện tình “Ngưu lang Chức nữ”
Thứ bảy: 07:15 ngày 19/10/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Những cuộc gặp hiếm hoi giữa vợ chồng bà đều diễn ra trong bí mật. Có lần, một người xe ôm đến nhà, trao cho bà một vật làm tin của chồng rồi chở bà sang Campuchia thăm chồng. Khi tìm được đến nơi, ông phải đi công tác gấp theo lệnh chỉ huy, bà lặng lẽ trở về và tiếp tục chờ đợi...

Bà Thởi kể với phóng viên về câu chuyện đời của mình.

Suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, vai trò của người phụ nữ Việt Nam luôn chiếm một vị trí vô cùng quan trọng. Tám chữ vàng: “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang” mà Đảng dành tặng cho nữ giới như sợi chỉ hồng xuyên suốt quá trình đấu tranh cách mạng miền Nam, lúc bất khuất anh hùng trực diện đấu tranh với giặc, khi trung hậu đảm đang thầm lặng làm hậu phương vững chắc cho chồng con.

Nhân kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam 20.10, Báo Tây Ninh xin trân trọng giới thiệu một trong những tấm gương “trung hậu, đảm đang”. Bà là Nguyễn Thị Thởi, sinh năm 1923 (ngụ khu phố Lộc An, thị trấn Trảng Bàng, huyện Trảng Bàng), vợ cố Bí thư Tỉnh uỷ đầu tiên của tỉnh Tây Ninh Nguyễn Văn Tốt (bí danh Hai Bình).

Xuất thân trong một gia đình giàu có, thuộc hàng trâm anh thế phiệt ở đất Sài Gòn nhưng vì yêu thương, bà đã trở thành vợ của một người cộng sản. Người phụ nữ ấy luôn thầm lặng đứng phía sau, làm hậu phương vững chắc giúp chồng yên tâm hoạt động cách mạng, công tác và nuôi dạy các con thành đạt.

Chỉ ưng người trí tuệ, chớ không màng vật chất

Trong căn nhà cũ ở khu phố Lộc An, thị trấn Trảng Bàng, bà kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện đời của mình: “Hồi đó gia đình tui thuộc hạng giàu có ở Củ Chi, Sài Gòn. Từ nhỏ tới lớn, tui chỉ việc lo trau chuốt cho bản thân chứ không phải làm việc gì. 20 tuổi, tui tiểu thơ tới cỡ vầy nè: móng tay lúc nào cũng để nhọn, một cọng cỏ trong vườn cũng chưa bao giờ phải đụng tới. Nhiều chàng trai giàu có ở Sài Gòn mến mộ, muốn hỏi tui về làm vợ nhưng tui không đồng ý ai. Thâm tâm tui nghĩ mình phải lấy được một người chồng có trí tuệ, trình độ chứ trong lòng không có tính tới vật chất”.

Khi nhắc nhớ về người chồng quá cố của mình, bà nhìn xa xăm với niềm thương nhớ vô hạn. Có lẽ cuộc gặp gỡ giữa bà với một cán bộ cao cấp ở Trung ương Cục miền Nam là ngã rẽ định mệnh. “Trước khi gặp ba thằng Chiến (anh Nguyễn Quyết Chiến - con trai của ông bà), tui đã có một đời chồng, ổng cũng tham gia cách mạng, rồi hy sinh khi con trai còn đỏ hỏn. Lúc đó, ba của thằng Chiến cũng có vợ nhưng vì ổng đi hoạt động cách mạng nhiều năm, người vợ đó đã lấy chồng khác.

Thương cuộc sống riêng của anh Hai Bình, một số bạn bè, đồng đội đã giới thiệu người này người kia nhưng ảnh không ưng ai. Tình cờ anh Ba Cát (tức là ông Nguyễn Trọng Cát - nguyên Phó Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh) về Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh thăm vợ đã gặp tui ở đó, và muốn giới thiệu cho anh Hai Bình. Khi nghe anh Ba Cát trò chuyện về việc mai mối này, trong lòng tui cũng phân vân nhưng rồi cũng đồng ý gặp.

Từ trước tới giờ làm gì có chuyện “cọc tìm trâu” như vầy, tui luôn sĩ diện, tui tính chỉ gặp chơi vầy thôi, không có ý đồ gì khác. Ai dè gặp và trò chuyện với ổng trong vòng 1 tiếng đồng hồ, tui đã thực sự bị “cưa đổ”. Đây là người đàn ông có trình độ, trí tuệ như mong muốn bấy lâu của tui”- bà vừa cười vừa nói.

Sau cuộc gặp đó, chuyện tình cảm của hai người cũng trải qua không ít thử thách. Đó là cấm cản của gia đình. Mẹ bà nhất quyết không cho con lấy người đi làm cách mạng. Đến nỗi ông Hai Bình cứ mỗi lần đến nhà là lại bị đuổi đi. Trong khi đó, bà Thởi mặc dù đã rất có cảm tình nhưng vẫn thử ông “bao giờ hiểu tui rồi mới nói chuyện tiếp”.

Hơn một năm ròng, hầu như mỗi ngày bà đều nhận được một lá thư của ông Hai Bình. Ông nhờ 3 người liên lạc khác nhau để thay phiên gửi thư cho người yêu. Chúng tôi tò mò hỏi bà về nội dung một lá thư mà bà nhớ nhất; và câu trả lời của bà khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ: “Tui có coi thư bao giờ đâu mà nhớ! Nhất định không coi nội dung, không trả lời. Cho tới chừng thấy người ta đã tới sức chịu đựng, tui mới đồng ý!”.

Chúng tôi thắc mắc về việc ông Hai Bình đã thuyết phục ba mẹ vợ như thế nào để cưới được con gái của họ? Bà Thởi cười hiền: “Thực ra má không đồng ý vì sợ con gái khổ, muốn con được gả vào những gia đình giàu có. Nhưng chuyện tình cảm, quyết định được hay không là ở tui”.

Ngày đợi đêm chờ

Đám cưới giữa ông bà ngày ấy được tổ chức bí mật trong Khu căn cứ Bời Lời, không áo hoa, bông cưới, tiệc rượu, rất giản đơn chỉ trà và bánh kẹo nhưng thật ấm cúng. Mới cưới được vài ngày, ông lại tiếp tục lên đường đi công tác, bà về ở cùng ba mẹ ruột ở Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh.

Nhớ lại thời gian đó, bà xúc động nói: “Hồi đó, mới cưới xong là ổng đi liền, đi biền biệt luôn. Có khi một, hai năm tui vẫn chưa được gặp mặt ổng”. Có khoảng thời gian ông bị bắt, tin tức bặt tăm, bà lo lắng vô cùng, nhưng trong thâm tâm, bà vẫn luôn giữ niềm tin chồng còn sống. Niềm vui vỡ oà khi vào một ngày nọ, bà bất ngờ nhận được một lá thư của chồng thông báo ông vẫn còn sống và đang phải rút vô hoạt động bí mật.

Những cuộc gặp hiếm hoi giữa vợ chồng bà đều diễn ra trong bí mật. Có lần, một người xe ôm đến nhà, trao cho bà một vật làm tin của chồng rồi chở bà sang Campuchia thăm chồng. Khi tìm được đến nơi, ông phải đi công tác gấp theo lệnh chỉ huy, bà lặng lẽ trở về và tiếp tục chờ đợi...

Ảnh chụp bà Nguyễn Thị Thởi với người con gái út- Nguyễn Thị Đông Xuân vào khoảng năm 1969.

Cưới nhau được 5 năm, bà có thai, trong khi đó chồng vẫn tiếp tục đi kháng chiến. Cái thai được 3 tháng, người trong xã không biết cô Thởi có bầu với ai, xã trưởng đã chuẩn bị soạn giấy để bắt bà lên làm việc vì nghi vấn có con với Việt cộng. Tình cờ trong một lần nhìn thấy cô ngồi sau xe máy của người hàng xóm có biệt danh Hai Bịt Răng (người này làm nghề trồng răng - PV), mọi nghi vấn về cái bầu của cô Thởi hướng về người đàn ông này. Thật may, người hàng xóm tốt bụng đã nhận “trách nhiệm” và một phen cứu nguy cho bà Thởi khỏi sự truy cứu.

Năm 1958, bà sinh hạ con gái đặt tên là Quyết Tâm, sau đó sinh thêm 3 người con lần lượt đặt tên là Quyết Chiến, Quyết Thắng, Đông Xuân với ước nguyện “Quyết tâm chiến thắng Đông Xuân” - cuộc tổng tiến công mùa Xuân Mậu Thân 1968, miền Nam sẽ được giải phóng. Nhưng ước nguyện này phải chờ đến 7 năm sau mới trở thành sự thật - sau chiến thắng lịch sử 30.4.1975 miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước. Đó cũng là lúc cảnh vợ chồng “ngưu lang chức nữ” của ông bà kết thúc.

Phương Thuý - Tâm Giang

“Người chồng (nếu còn ở dạng trên dưới 35 tuổi) là thời kỳ tràn đầy hạnh phúc, là lúc tạo ra sự nghiệp cho cuộc sống vật chất, người trụ cột lao động trong gia đình, là tương lai nối dõi tông đường... Nhưng trước tiếng gọi của Đảng, của cách mạng, của đau thương và tương lai của dân tộc… người vợ lưng tròng tiễn chồng ra đi, tự nguyện nhận gánh nặng gia đình mà trước đó phải là của người chồng. Họ có phải chăng muốn sống trong cảnh thiếu tình cảm, gánh vác mọi cái mà trước đó họ coi như không làm, phải lao động, nuôi con, nuôi cha mẹ chồng… Ta nghĩ lại xem tâm tư tình cảm hoàn cảnh người phụ nữ lúc đó cô đơn hiu quạnh mà phải lo lắng đảm đương thiếu thốn mọi bề thế nào?
Trích bài viết của cố Bí thư Nguyễn Văn Tốt, tức Hai Bình, trong sơ thảo Truyền thống cách mạng phụ nữ Tây Ninh).
Tin cùng chuyên mục