Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Bài 1: Cơ chế, chính sách chưa khuyến khích được đội ngũ trí thức dấn thân
Thứ bảy: 09:26 ngày 13/01/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
PGS.TS Phạm Minh Phúc: Chúng ta chưa có cơ chế, chính sách đột phá nào về tiền lương, về ưu đãi đối với đội ngũ trí thức khoa học công nghệ. Trí thức ở lĩnh vực văn học nghệ thuật cũng như vậy. Đây là cái rất khó, không tạo ra động lực, chưa khuyến khích được đội ngũ trí thức dấn thân...

Các đại biểu tại buổi tọa đàm.

Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 của Hội nghị Trung ương 7 khóa X về "Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đội ngũ trí thức, Đảng ta đã thẳng thắn nhìn nhận thực trạng việc việc phát huy vai trò của đội ngũ trí thức còn bất cập, hạn chế; một số nội dung của Nghị quyết chậm được thể chế; chính sách, pháp luật chưa hoàn thiện, đồng bộ; thiếu cơ chế, chính sách đột phá trong đầu tư, huy động nguồn lực, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng, tôn vinh trí thức, nhất là bộ phận trí thức tinh hoa, các nhà khoa học, nhà văn hoá lớn.  

Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới một lần nữa đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ về tăng cường quản lý nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đối với đội ngũ trí thức.

Nhìn lại lịch sử đất nước, thời kỳ nào cũng có những nhà trí thức lớn dấn thân gánh vác trách nhiệm; đặt lợi ích của dân tộc, của nhân dân cao hơn mọi mưu cầu về danh vọng và địa vị. Nói như người xưa là "Lo trước cái lo của thiên hạ; Vui sau cái vui của thiên hạ".

Những năm qua, đội ngũ trí thức không ngừng lớn mạnh, lên tới hàng triệu người. Nghị quyết 45 về tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức sẽ tạo điều kiện để trí thức Việt Nam phát huy hết tài năng, tâm huyết, xứng đáng là "vốn liếng quý báu của dân tộc" như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đây cũng là nội dung trao đổi của chúng tôi với 3 vị khách mời:

- TS Nguyễn Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ

- PGS.TS Phạm Minh Phúc, Chủ tịch Công đoàn Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

- GS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội 

PV: Sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đội ngũ trí thức của Việt Nam đã có bước phát triển như thế nào?

TS Nguyễn Quân: Trong giai đoạn đổi mới, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đội ngũ trí thức Việt Nam, đặc biệt là trí thức về khoa học công nghệ đã có những bước phát triển rất tốt. Trong 15 năm vừa qua, có thể nói là chúng ta có rất nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ, khuyến khích, ưu đãi những người làm việc trong lĩnh vực khoa học công nghệ cũng như các lĩnh vực khác.

Trên thực tế, rất nhiều cán bộ khoa học trẻ được đào tạo ở các nước phát triển đã quay trở về phục vụ cho nền khoa học công nghệ của nước nhà. Trong những năm vừa qua, chúng ta đã đạt được những thành tựu lớn chính là dựa vào đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ, đội ngũ trí thức mới của chúng ta. Ví dụ như các công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, nghiên cứu cơ bản, số lượng công bố quốc tế của Việt Nam tăng lên rất nhanh. Trong lĩnh vực khoa học công nghệ, chúng ta đã làm chủ rất nhiều công nghệ và tạo ra được nhiều sản phẩm công nghệ phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Mặc dù vậy, chúng ta thấy rằng, nếu như chúng ta thực hiện được triệt để những quy định của Nghị quyết 27; rồi các cấp quản lý của chúng ta thực sự quan tâm và tạo điều kiện thì trí thức còn có thể phát huy năng lực tốt hơn nữa và chúng ta sẽ có nhiều thành tựu quan trọng hơn nữa.

PGS.TS Phạm Minh Phúc: Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm. Từ Cương lĩnh 91 đến Đại hội Đảng lần thứ XI, XII, XIII đã thể hiện rất nhất quán và nhờ có sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời đó thì Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Theo tôi biết, năm 2022, theo báo cáo của tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO, Việt Nam đứng thứ 48/132 nền kinh tế được nghiên cứu.

Điều đó cho thấy đổi mới sáng tạo đã có những bước phát triển. Trong các lĩnh vực khoa học cũng đạt được nhiều thành tựu, trong đó có khoa học xã hội. Khoa học xã hội đã tham gia vào rất nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và các thành tựu của khoa học xã hội đã góp phần cung cấp các luận cứ khoa học cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong việc hoạch định các chủ trương, đường lối, chính sách phát triển nhanh, bền vững đất nước cũng như bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn vừa qua. Điều này được thể hiện rất nhiều ở những nghiên cứu về nhận thức, về con đường chủ nghĩa xã hội, rồi con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn phát triển mới; rồi về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; về phát triển bền vững... Có rất nhiều các thành tựu nghiên cứu khoa học đã cung cấp các luận cứ đó cho Đảng và Nhà nước.

GS Lê Anh Tuấn: Tôi rất nhất trí với ý kiến của TS Nguyễn Quân cũng như là PGS.TS Phạm Minh Phúc. Từ góc độ của mình, tôi đánh giá rằng đội ngũ trí thức của Việt Nam trong 15 năm vừa qua đã có sự thay đổi rất lớn cả về lượng và chất. Một vài con số có thể hình dung như thế này: Theo Tổng Cục thống kê, năm 2009, số lượng cán bộ có trình độ từ đại học trở lên chỉ chiếm khoảng 4,4% so với số lượng dân số trong độ tuổi lao động. Đến năm 2020 con số này là 11,1% và năm 2022 là 11,87 %. Điều đó thể hiện rằng, đội ngũ trí thức của chúng ta đã có sự thay đổi lớn mạnh về số lượng.

Những nơi đào tạo ra đội ngũ trí thức, đó là hệ thống giáo dục sau phổ thông gồm có các trường đại học, cao đẳng cũng tăng trưởng rất lớn về mặt số lượng. Đội ngũ trí thức làm việc trong các cơ sở giáo dục đại học cũng tăng trưởng rất mạnh. Với sự tăng trưởng như vậy thì sự đóng góp của họ trong việc tham mưu, góp ý, phản biện vào các quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước ngày càng thể hiện rõ hơn.

Mặc dù vậy cũng cần phải nhìn nhận rằng, có nhiều đóng góp từ các sản phẩm nghiên cứu sáng tạo của đội ngũ trí thức tạo ra nhưng những sản phẩm ứng dụng rộng rãi để mang lại nhiều giá trị cho xã hội, cộng đồng thì cũng còn rất hạn chế. Bởi vì có nhiều điểm nghẽn trong chính sách, cơ chế dẫn tới chưa phát huy được hết sức mạnh của đội ngũ trí thức.

PV: Trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nêu là, bên cạnh những kết quả, mục tiêu cơ bản đã đạt được thì công tác xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn vừa qua vẫn bộc lộ những hạn chế. Và đội ngũ trí thức của chúng ta nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới các hạn chế đó?


TS Nguyễn Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ 

TS Nguyễn Quân: Tôi cho là các quy định trong các nghị quyết và các luật của chúng ta rất là đổi mới, rất là có tác dụng. Tuy nhiên, những vấn đề tồn tại, vướng mắc nhất hiện nay theo tôi chủ yếu vẫn trong hệ thống tổ chức thực hiện. Trong đó, nổi lên chính là sự vướng mắc giữa các hệ thống luật pháp của chúng ta. Muốn thực hiện chế độ ưu đãi đối với trí thức đòi hỏi các cơ chế, chính sách của chúng ta bị chi phối bởi các luật hiện hành và nó phải thực sự có sự liên thông. Ví dụ như chế độ tiền lương, chế độ phụ cấp, chế độ nhà ở rồi việc chuyển giao công nghệ vẫn còn nhiều điểm nghẽn...

Vì những vướng mắc ấy cho nên trong quá trình triển khai Nghị quyết 27, các bộ, ngành, địa phương đều cảm thấy những cơ chế, chính sách đặt ra có tính khả thi rất thấp. Bởi vì phù hợp với quy định của luật này có thể lại vướng mắc các quy định của luật khác. Đấy là chưa kể là đất nước chúng ta đang trải qua giai đoạn cũng có thể nói là còn rất nhiều khó khăn. Chi ngân sách thì cũng bị hạn chế, rồi đời sống của người dân, trong đó có đội ngũ trí thức nằm trong bối cảnh chung; rồi dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, rồi những xung đột của các khu vực, các vùng lãnh thổ dẫn tới làm đứt đoạn chuỗi cung ứng... Cho nên các doanh nghiệp của chúng ta cũng khó khăn, thu ngân sách cũng khó khăn. Chính vì thế mà đời sống của trí thức Việt Nam vẫn còn ở mức rất khiêm tốn.

PGS.TS Phạm Minh Phúc: Một trong những vướng mắc mà TS Nguyễn Quân cũng đã đề cập đến, đó là đời sống của viên chức khoa học còn rất khó khăn. Chúng ta chưa có cơ chế, chính sách đột phá nào về tiền lương, về ưu đãi đối với đội ngũ trí thức khoa học công nghệ. Trí thức ở lĩnh vực văn học nghệ thuật cũng như vậy. Đây là cái rất khó, không tạo ra động lực, chưa khuyến khích được đội ngũ trí thức dấn thân trong nghiên cứu khoa học và sáng tạo nên các công trình nghiên cứu cũng như là các giải pháp để tham mưu, đề xuất với Đảng và Nhà nước trong phát triển đất nước.

GS Lê Anh Tuấn: Ngân sách nhà nước để chi cho đội ngũ trí thức nói chung, cụ thể hơn để chi cho giáo dục cũng như khoa học công nghệ của Việt Nam tương đối hạn chế. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới công bố năm 2020, tỷ lệ chi sự nghiệp giáo dục chiếm 12,16%; chi cho khoa học công nghệ chiếm từ 0,6-0,8%; còn nếu tính trên quy mô của GDP, ngân sách Nhà nước dành cho giáo dục Việt Nam là 4,22%, còn thế giới trung bình là 4,72 %; ở khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương thì mức này còn cao hơn, tức là 5,12%. Điều đó có nghĩa rằng, ngân sách mà chúng ta dành cho giáo dục, khoa học công nghệ... hay nói cách khác là ngân sách dành cho đội ngũ trí thức thấp hơn hẳn so với các nước khác.


GS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội.  

Còn cụ thể hơn một chút nữa, đó là ngân sách chi cho giáo dục sau phổ thông, theo số liệu của Việt Nam, chúng ta dành khoảng 0,33% GDP để chi cho giáo dục đại học, tức là chiếm khoảng độ 6,07% tổng chi ngân sách cho giáo dục. Tại các nước phát triển thì mức chi này sẽ từ 1% trở lên. Gần chúng ta như Thái Lan là 0,64%, tức là gấp đôi chúng ta.

Nhưng thực tế, chúng ta còn thấp hơn, chi cho giáo dục đại học chỉ đạt 0,18% GDP và như vậy thì chỉ chiếm 4,6% ngân sách chi cho giáo dục; con số này của Thái Lan là 15,55%, còn Singapore 35,28%. Như vậy, chúng ta nhìn thấy mức chi cho giáo dục đại học của Việt Nam so với các nước trong khu vực Đông Nam Á thôi, chúng ta cũng thấy rằng, tỷ trọng, sự lệch pha lớn. Điều đó dẫn tới đội ngũ trí thức rất khó khăn trong hoạt động.

Đối với đội ngũ trí thức trong các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu công lập, hiện nay vẫn được coi là viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Cái này là một điểm nghẽn rất lớn, dẫn tới hạn chế đi cơ hội của đội ngũ trí thức ở trong các đơn vị sự nghiệp công lập được thâm nhập vào thực tiễn. Một khi thâm nhập thực tiễn không có thì dẫn tới những bài toán thực tiễn được trí thức tham gia giải quyết sẽ không nhiều. Rồi cơ sở giáo dục đại học công lập, hiện nay các đơn vị tự chủ đang tập trung tài chính để chi thường xuyên. Như vậy thì thiếu mất nguồn lực để chi đầu tư: Đầu tư cho mở rộng khuôn viên, thay đổi môi trường làm việc, trang thiết bị cơ sở vật chất hiện đại... để tạo ra những sản phẩm nghiên cứu sáng tạo có tầm cỡ thế giới.

Và một điểm nghẽn nữa mà tôi cũng muốn trao đổi ở đây đó chính là quan điểm trong đầu tư ngân sách nhà nước cho khoa học công nghệ. Hiện nay quan điểm của chúng ta đang thiên nhiều về sản phẩm. Trong khi đó, đáng lẽ là đầu tư ngân sách của Nhà nước cho khoa học công nghệ phải tập trung vào đầu tư để phát triển nguồn lực. Nguồn lực ở đây có hai yếu tố: Đấy là con người và sản phẩm sáng tạo. Nếu chúng ta thay đổi được quan điểm đó, đó là giáo dục trình độ cao với lại nghiên cứu khoa học gắn kết với nhau đầu ra sẽ rất rõ ràng.

PV: Thực tế hiện nay thì lương thấp, phụ cấp thì không có, do đó lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ hay khoa học xã hội cũng vì thế mà không phải là sự lựa chọn của nhiều người trẻ. Các vị khách mời nhìn nhận như thế nào về thực tế này?

TS Nguyễn Quân: Tôi cho rằng là hệ thống thang bảng lương của chúng ta đã quá lạc hậu. Hơn 20 năm qua chúng ta vẫn thực hiện một hệ thống trả lương theo ngạch bậc và chỉ có điều chỉnh lương tối thiểu cùng với một vài phụ cấp. Chính vì thế mà đời sống của cán bộ, công chức nói chung và đặc biệt là trí thức ở các lĩnh vực khoa học công nghệ hay giáo dục đào tạo hiện nay rất khó khăn.


Các đại biểu cho rằng đời sống của viên chức khoa học còn rất khó khăn. 

Tuy nhiên, tôi cũng phải nói thêm một điều, là những người làm khoa học công nghệ hiện nay là những người chịu thiệt thòi nhiều nhất trong đội ngũ công chức, viên chức. Bởi vì chỉ riêng ngành khoa học công nghệ hiện nay là không có phụ cấp ngoài lương cơ bản. Tức là các nhà khoa học ở các viện nghiên cứu công lập, các viện hàn lâm, các viện của các bộ hiện nay chỉ có lương cơ bản mà không có bất kỳ một chế độ phụ cấp nào, trong khi những người làm việc ở các lĩnh vực khác thì đều có từ 1 đến 3 loại cấp khác nhau.

Chúng tôi cũng mong muốn thông qua hoạt động của những người làm khoa học công nghệ, họ có thể có được những nguồn thu nhập khác bổ sung. Thế nhưng trên thực tế, với cơ chế, chính sách còn nhiều vướng mắc, ràng buộc lẫn nhau thì không phải các nhà khoa học có thể dễ dàng có thể tạo ra nguồn thu nhập để tiếp tục theo đuổi đam mê khoa học của mình.

Chúng tôi cũng thấy rằng là trong bối cảnh hiện nay, nếu chúng ta không kịp thời điều chỉnh, khu vực công lập sẽ vô cùng khó khăn. Các viện nghiên cứu, các trường đại học công lập sẽ không còn là điểm đến đủ sức hấp dẫn đối với những người giỏi, trong khi các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp tư nhân,... có sức hút lớn hơn vì họ có chế độ đãi ngộ tốt hơn và họ hoàn toàn có thể trả lương cũng như các chế độ đãi ngộ cho những người làm khoa học mà họ mời về.

Chúng ta cũng phải tự hỏi vì sao các tổ chức khoa học công nghệ công lập hay các trường công lập không mời được những người nổi tiếng như GS Vũ Hà Văn, hay TS Bùi Hải Hưng... Và rất nhiều người giỏi khác cũng tìm cách rời bỏ các đơn vị công lập chuyển sang làm cho khu vực tư nhân hoặc ra nước ngoài. Đó chính là bài toán mà chúng ta phải tìm cách khắc phục càng sớm càng tốt. Nếu không đến một ngày nào đó những người giỏi sẽ không phục vụ cho hệ thống công lập.

TS Nguyễn Quân: Tôi nghĩ cần phải khẩn trương cải cách chế độ tiền lương theo xu hướng làm sao để những người làm khoa học người ta có thể đủ sống bằng chế độ đãi ngộ của Nhà nước 

Ngay cả Hà Nội, hằng năm vẫn kêu gọi thủ khoa của các trường đại học về làm việc cho các hệ thống của thành phố. Nhưng theo tôi được biết cho đến nay, gần như chưa một bạn thủ khoa nào hiện đang làm việc tại Hà Nội, mặc dù lúc đầu cũng có thể có một vài người về nhưng dần dần người ta lại rời bỏ các đơn vị công lập chuyển sang làm cho các đơn vị tư nhân.

Tôi nghĩ cần phải khẩn trương cải cách chế độ tiền lương theo xu hướng làm sao để những người làm khoa học có thể đủ sống bằng chế độ đãi ngộ của Nhà nước thì khi đó họ mới yên tâm theo đuổi đam mê và tạo ra những sản phẩm cho nền kinh tế.

PGS.TS Phạm Minh Phúc: Hiện nay lương thì đã thấp và cách tính ngày công đối với những người làm khoa học thì cũng hết sức bất cập. Sản phẩm của các nhà nghiên cứu là các công trình có giá trị rất lớn, rất khó có thể cân đo đong đếm được nhưng chúng ta đang trả công theo ngày công lao động tính như lao động phổ thông. Đây là bất cập cho nên kể cả những nhà nghiên cứu và những người có tham gia công tác nghiên cứu khoa học cũng rất bị hạn chế thu nhập. Còn đối với các bạn trẻ thì lại càng khó khăn. Tôi minh họa như thế này, rất nhiều bạn trẻ ở lĩnh vực khoa học xã hội vẫn phải đi làm thêm các việc khác nữa, thậm chí bán hàng online thì mới có thể đủ sống thì làm thế nào mà họ có thể chuyên tâm vào để nghiên cứu được.

Đối với khoa học xã hội còn có một đặc thù nữa. Khi ra trường, kể cả sinh viên loại giỏi, nghiên cứu độc lập được thì cần phải có quá trình học lên thạc sĩ, tiến sĩ và lại phải có những trải nghiệm thì mới có thể sáng tạo nên các công trình được. Thời gian đó thì rõ ràng là người ta phải có thu nhập để đảm bảo cho cuộc sống tối thiểu, nhất là các bạn trẻ đã lập gia đình. Hiện chưa có một chế độ gì khác, và đây là một điều hết sức thiệt thòi đối với trí thức khoa học và công nghệ nói chung, trong đó có khoa học xã hội.


PGS.TS Phạm Minh Phúc, Chủ tịch Công đoàn Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam 

GS Lê Anh Tuấn: Tôi rất đồng ý là nhà khoa học hiện nay rất khó khăn. Lương cũng như thu nhập của các nhà khoa học làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập phụ thuộc chủ yếu vào ngân sách nhà nước. Đó chính là điểm nghẽn rất lớn. Nút thắt ở đây nằm ở chỗ cơ chế để các đơn vị sự nghiệp công lập có thể gia tăng nguồn thu tài chính từ ngoài ngân sách. Nếu có cái đó thì tương lai sẽ tốt hơn rất nhiều.

Mặc dù vậy thì hiện nay một số đơn vị sự nghiệp công lập như trường đại học, trường cao đẳng hay là các viện đang trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ. Tuy nhiên, các luật cũng như các chính sách liên quan khác vẫn chưa cho các đơn vị tự chủ này có cơ hội để gia tăng nguồn thu tài chính ngoài ngân sách. Điều đó quay trở lại tác động đến lương của đội ngũ trí thức.

Theo thống kê gần đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong số khoảng 150.000 cán bộ làm khoa học của Việt Nam, số lượng nhà khoa học từ các cơ sở giáo dục đại học chiếm trên 52%, trong tổng con số 150.000 đó. Tuy nhiên, tài chính cho hoạt động nghiên cứu thì hiện nay là khoảng 1.000-2.200 tỷ, chiếm khoảng 3,1-6,8% trong tổng số tài chính dành cho hoạt động nghiên cứu. Hầu hết phần còn lại là do từ phía doanh nghiệp với số lượng cán bộ nghiên cứu khá ít nhưng nguồn tài chính thì rất dồi dào. Trong khi khối công lập trí thức rất nhiều nhưng tài chính thì lại bị bó hẹp trong ngân sách. Điều đó thể hiện rằng thu nhập của đội ngũ trí thức thấp và một hiệu ứng rất rõ nét, đó là chảy máu chất xám…/.

Nguồn dangcongsan

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh