Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Quản lý, sử dụng biên chế công chức gắn với vị trí việc làm
Bài 1: Còn bất cập, hạn chế
Thứ sáu: 05:48 ngày 29/09/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Cơ cấu biên chế công chức theo nhóm vị trí việc làm trong một số cơ quan, tổ chức chưa hợp lý. Tuyển dụng và bố trí sử dụng, quản lý công chức gắn với vị trí việc làm, thu hút nhân tài còn bất cập.

Thực tiễn quản lý và sử dụng biên chế công chức trên địa bàn tỉnh thời gian qua bộc lộ một số vấn đề: việc giao chỉ tiêu biên chế cho các cơ quan, tổ chức hành chính chưa thực sự căn cứ vào thực tế khối lượng công việc. Cơ cấu biên chế công chức theo nhóm vị trí việc làm trong một số cơ quan, tổ chức chưa hợp lý. Tuyển dụng và bố trí sử dụng, quản lý công chức gắn với vị trí việc làm, thu hút nhân tài còn bất cập.

Biên chế “giản” nhưng chưa thực sự “tinh”

Thực hiện chủ trương của Đảng, quy định của Chính phủ và yêu cầu thực tiễn, tỉnh Tây Ninh đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, quy định về vị trí việc làm, biên chế. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế và quản lý công chức của tỉnh những năm qua có nhiều đổi mới.

Tỉnh thực hiện Đề án sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện đã tạo chuyển biến mới trong hệ thống chính trị. Đó là góp phần giảm trung gian, giảm đầu mối, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy hệ thống chính trị.

Các cơ quan hành chính nhà nước được sắp xếp theo hướng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, không trùng lặp chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; không nhất thiết ở cấp trên có cơ quan nào thì cấp dưới cũng có tổ chức tương ứng. Các phòng, ban và tương đương trực thuộc cơ quan chuyên môn thuộc cấp tỉnh và UBND cấp huyện được sắp xếp tinh gọn, giảm cấp phó.

Công chức tiếp nhận thủ tục hành chính tại bộ phận Một cửa.

Năm 2019, UBND tỉnh phê duyệt danh mục vị trí việc làm của 29/29 sở, ban, ngành tỉnh và UBND 9 huyện, thị xã, thành phố và 617 đơn vị sự nghiệp công lập. Trong năm 2020 và 2021, UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung danh mục vị trí việc làm, bảng mô tả công việc và khung năng lực vị trí việc làm của 25/29 cơ quan, tổ chức.

Như vậy, tính đến năm 2021, Tây Ninh thực hiện một bước tinh gọn bộ máy, hoàn thành chỉ tiêu tinh giản được hơn 10% biên chế so với năm 2015 theo yêu cầu của Trung ương. UBND tỉnh thực hiện cắt giảm 204 biên chế công chức trong tổng số 2.010 biên chế công chức được giao năm 2015, đạt tỷ lệ 10,15%. Số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập giảm 2.124 người trên tổng số 19.289 người được giao năm 2015, đạt tỷ lệ 11,01%.

Tuy nhiên, kết quả tinh giản biên chế thời gian qua đạt được chủ yếu công chức đến tuổi nghỉ hưu mà không tuyển dụng mới. Việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế đối với những trường hợp có năng lực hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm là chưa nhiều.

Luật Cán bộ, công chức quy định nguyên tắc quản lý công chức thực hiện kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh với vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế. Do đó, việc rà soát, điều chỉnh biên chế gắn với vị trí việc làm công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh là yêu cầu cấp thiết, góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng biên chế công chức trong giai đoạn hiện nay.

Một bộ phận công chức chưa đáp ứng yêu cầu công việc của vị trí việc làm

Phát biểu thảo luận tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh diễn ra ngày 19.9 vừa qua, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết: “Thực trạng hiện nay là việc bố trí, sử dụng cán bộ công chức (CBCC) chưa khoa học và phù hợp, có vị trí làm nhiều việc, mức độ khó cao; có vị trí ít việc, mức độ bình thường”.

Trước đó, Sở Nội vụ đã thực hiện khảo sát bằng phiếu đối với công chức chuyên môn của 20/20 sở, ban, ngành và 9/9 UBND huyện, thị xã, thành phố với tổng 168 phiếu. Phương pháp khảo sát trực tiếp và ngẫu nhiên, nội dung chính của phiếu khảo sát là liệt kê tất cả các công việc mà công chức thực hiện trong tuần (từ 12-16.12.2022), tự đánh giá mức độ công việc đang đảm nhiệm (mức áp lực, bình thường, thấp) và mức độ khó của công việc (khó, trung bình, thấp).

Theo đó, đối với công chức các sở, ban, ngành, khối lượng công việc bình quân trong tuần là 10 việc. Có 47,72% công chức được khảo sát cho rằng có khối lượng công việc ít hơn bình quân, 37,5% có khối lượng công việc nhiều hơn bình quân (từ 10-15 việc/tuần) và 14,72% có khối lượng công việc nhiều hơn 1,5 lần mức bình quân.

Đối với công chức cấp huyện, khối lượng công việc bình quân là 10,63 việc/tuần. Có hơn 36% công chức có khối lượng công việc ít hơn mức bình quân, gần 31% công chức có khối lượng công việc từ mức bình quân đến 1,5 lần mức bình quân, 33% công chức có khối lượng công việc nhiều hơn 1,5 lần mức bình quân trở lên.

Về áp lực công việc, có 67% công chức cấp tỉnh và 72% công chức cấp huyện cho rằng đang bị áp lực công việc. Tuy nhiên, số liệu khảo sát cho thấy chỉ khoảng trên 30% công chức thực chất làm nhiều hơn so với mức trung bình.

Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, qua khảo sát trong một tuần có công chức chỉ làm 3 công việc và là công việc đơn giản; có công chức làm 5 việc và cho rằng áp lực. Tuy nhiên, cũng có những công chức làm trên 20 việc/tuần và mức độ khó trên 10 việc. Như vậy, công chức làm tốt thì tiếp tục được giao thêm việc, bởi vì hiện nay khối lượng công việc và áp lực thời gian hoàn thành công việc ngày càng tăng, tạo ra tâm lý chung trong hệ thống hành chính nhà nước là một số CBCC năng lực hạn chế sẽ được giao ít việc hơn, từ đó gây áp lực lên những công chức còn lại, đây là gánh nặng của bộ máy.

Việc khảo sát của Sở Nội vụ tuy chỉ mang tính tương đối song cũng đã phản ánh phần nào thực trạng các cơ quan, tổ chức hiện nay, trong đó có tình trạng năng lực một bộ phận công chức chưa đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm.

UBND tỉnh tổ chức kỳ thi nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức tỉnh Tây Ninh năm 2023.

Phân bổ biên chế hằng năm chưa sát thực tiễn

Qua thống kê, đánh giá tình hình phân bổ biên chế hằng năm trong 3 năm gần đây (2019-2021) cho thấy, việc phân bổ biên chế nhìn chung vẫn chưa sát với thực tiễn sử dụng ở cơ quan, tổ chức hành chính các cấp.

Mặc dù biên chế giao cho các cơ quan, đơn vị, địa phương được tỉnh cắt giảm hằng năm, bảo đảm đúng lộ trình giảm biên chế theo yêu cầu của Trung ương nhưng đa số các cơ quan, tổ chức hành chính cấp huyện và cấp tỉnh sử dụng số lượng công chức ít hơn chỉ tiêu biên chế được giao.

Cụ thể, đối với cấp huyện chưa dùng đến 8%-9% chỉ tiêu biên chế công chức được giao hằng năm. Đối với cấp tỉnh, một số cơ quan có tỷ lệ biên chế chưa sử dụng bình quân 3 năm gần đây khá cao, như: Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch gần 11,9%, Sở Y tế 12,9%, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 14,4%.

Việc phân bổ chỉ tiêu biên chế cho 9 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh chưa căn cứ thực tế về quy mô diện tích, dân số, đơn vị hành chính trực thuộc của mỗi địa phương. Thống kê trong năm 2021 và 2022, UBND thành phố Tây Ninh, thị xã Hoà Thành, thị xã Trảng Bàng được giao đồng nhất là 92 biên chế; các huyện còn lại được giao 91 biên chế.

Qua thống kê cũng cho thấy, một số cơ quan hành chính cấp tỉnh sử dụng biên chế công chức cho nhóm quản lý và dùng chung với tỷ lệ cao so với tổng biên chế của cơ quan. Đơn cử năm 2021, có 11/20 cơ quan cấp tỉnh sử dụng trên 20% biên chế công chức cho nhóm này, thậm chí có những sở, ngành con số này lên tới trên 40%. Đối với cấp huyện, có 7/9 huyện có tỷ lệ công chức ở nhóm quản lý và dùng chung cao hơn 15%, cao nhất là Tân Biên 20%.

Căn cứ để xác định vị trí việc làm:

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức;

Mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động; phạm vi, đối tượng phục vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Căn cứ để xác định biên chế công chức:

Vị trí việc làm và khối lượng công việc của từng vị trí việc làm;

Mức độ hiện đại hoá về trang thiết bị, phương tiện làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin;

Thực tế việc sử dụng biên chế công chức được giao;

Đối với cơ quan, tổ chức ở địa phương còn phải căn cứ vào quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và đặc điểm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

(Theo Điều 4, Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 1.6.2020 của Chính phủ 
về vị trí việc làm và biên chế công chức)

Phương Thuý

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh