Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Xử lý dứt điểm các tồn tại, vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp
Bài 1: Còn nhiều hộ chưa chấp hành chủ trương của tỉnh
Thứ tư: 08:19 ngày 04/09/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - BQL khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng cho biết, khó khăn hiện nay đa số người dân cố tình để kéo dài thời gian, chờ thực hiện đồng loạt.

Xử lý cây cao su để trồng rừng theo Quyết định số 1573 của UBND tỉnh, tại ấp Đồng Kèn 1, xã Tân Thành (Tân Châu).

Theo các ngành, địa phương, thời gian qua, việc thực hiện Quyết định số 1573/QĐ-UBND về kế hoạch xử lý vi phạm trồng cây nông nghiệp trái quy định trên đất quy hoạch lâm nghiệp tại Khu rừng văn hoá - lịch sử Chàng Riệc và khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng và Quyết định số 223/QĐ-UBND về kế hoạch xử lý tài sản (cây trồng) trên đất khi thu hồi, huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) cấp trùng trên đất quy hoạch lâm nghiệp và các trường hợp có hợp đồng, giấy xác nhận cho trồng cây không đúng mục đích, sai quy hoạch lâm nghiệp còn nhiều khó khăn, tồn tại. Trong thời gian từ nay đến năm 2020, việc xử lý vi phạm trồng cây nông nghiệp trái quy định trên đất quy hoạch lâm nghiệp và xử lý tài sản trên đất khi thu hồi, huỷ giấy CNQSDĐ cấp trùng trên đất quy hoạch lâm nghiệp... sẽ được nỗ lực hoàn thành. 

Ngày 10.7.2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1573/QĐ-UBND về kế hoạch xử lý vi phạm trồng cây nông nghiệp trái quy định trên đất quy hoạch lâm nghiệp tại Khu rừng văn hoá - lịch sử Chàng Riệc và Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng. 

Theo Ban Quản lý (BQL) khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, tổng diện tích cần đưa vào xử lý trên địa bàn là 1.060,6 ha/678 trường hợp, chia theo từng xã như sau: Tân Hoà 452,8 ha/361 trường hợp; Tân Thành 516,4 ha/269 trường hợp; Suối Dây 59 ha/27 trường hợp; Suối Ngô 32,4 ha/21 trường hợp. Thời gian qua, đơn vị và địa phương đã tuyên truyền, vận động đối với các trường hợp này để các hộ thực hiện theo đúng quy định.

Luỹ kế từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn đã trồng rừng 97,6 ha/43 hộ. Trong đó, năm 2018 đã trồng 63,6 ha/27 hộ; trong 9 tháng đầu năm 2019 đã thực hiện trồng rừng 34 ha/16 hộ. Lực lượng kỹ thuật BQL đang phối hợp với các tổ công tác để hoàn thiện hồ sơ vi phạm những diện tích còn lại gửi cơ quan chức năng xử lý. 

BQL khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng cho biết, khó khăn hiện nay đa số người dân cố tình để kéo dài thời gian, chờ thực hiện đồng loạt. Thời gian qua, đơn vị đã tham mưu UBND huyện Tân Châu ban hành 73 quyết định/180,33 ha (trong đó có 56 quyết định khắc phục hậu quả, 6 quyết định xử phạt vi phạm hành chính và 11 quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả). Đến nay, đơn vị đã tổ chức tống đạt 73/73 quyết định (trong đó có 16 trường hợp khiếu nại đến UBND huyện.

Đến ngày 23.8.2019, UBND huyện Tân Châu đã tiếp nhận 16 trường hợp khiếu nại đối với quyết định khắc phục hậu quả và quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. UBND huyện đã ban hành 11 quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu và 1 quyết định đình chỉ giải quyết khiếu nại, gồm: Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu 11 trường hợp (trong đó, có 6 trường hợp tiếp tục khiếu nại đến UBND tỉnh, đến nay, UBND tỉnh đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 đối với 4 trường hợp); 1 trường hợp đã ban hành quyết định đình chỉ giải quyết do người khiếu nại rút đơn. Còn lại 4 trường hợp đang tiếp tục thẩm tra xác minh theo quy định.

Tại huyện Tân Biên, tổng diện tích phải giải quyết, xử lý theo Quyết định số 1573/QĐ-UBND của UBND tỉnh (khu rừng văn hoá - lịch sử Chàng Riệc) là 20,7 ha/9hộ (đã trừ diện tích đất vành đai biên giới 70,4 ha/15 trường hợp, chuyển sang giải quyết theo Quyết định số 223/QĐ-UBND tỉnh). Đến nay, trên địa bàn huyện đã xử lý được 17,1 ha (năm 2018 xử lý được 1,6 ha/2 hộ; năm 2019 xử lý được 15,5 ha/5 hộ). Hiện còn lại 2 hộ dân đang trồng cây lâu năm (cây cao su) với diện tích 3,6 ha thuộc tiểu khu 8 chưa thực hiện. Phòng Nông nghiệp huyện Tân Biên cho biết, huyện sẽ tiếp tục xử lý theo quy định đối với 2 trường hợp này.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tổng diện tích phải giải quyết, xử lý theo Quyết định số 1573/QĐ-UBND của UBND tỉnh là 1.081,3 ha/687 hộ, theo kế hoạch phải hoàn thành trong năm 2018. Tuy nhiên, do các vụ việc vi phạm đã lâu, một số đang khiếu nại, cần thời gian giải quyết nên chậm tiến độ. Đến nay, các địa phương đã giải quyết được 147/687 trường hợp (diện tích 270,9 ha/1.081,3 ha), đạt 25,05%; số còn lại sẽ phấn đấu hoàn thành trong năm 2020.

Ngày 28.1.2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 223/QĐ-UBND về kế hoạch xử lý tài sản (cây trồng) trên đất khi thu hồi, huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) cấp trùng trên đất quy hoạch lâm nghiệp và các trường hợp có hợp đồng, giấy xác nhận cho trồng cây không đúng mục đích, sai quy hoạch lâm nghiệp. Thời gian thực hiện hoàn thành kế hoạch này chậm nhất đến ngày 31.3.2020.

Theo UBND huyện Tân Biên, huyện sẽ tập trung giải quyết, xử lý các trường hợp có giấy CNQSDĐ cấp trùng trên đất quy hoạch lâm nghiệp và các trường hợp có hợp đồng, giấy xác nhận cho trồng cây không đúng mục đích, sai quy hoạch lâm nghiệp. Theo đó, huyện chuyển toàn bộ diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp đang trồng cây nông nghiệp ngắn ngày, đất trống sang trồng rừng theo quy hoạch; đối với cây lâu năm đang trồng trên đất (cao su, chôm chôm), tiến hành lập hoàn chỉnh hồ sơ, yêu cầu hộ (người) đang sử dụng ký cam kết với Ban Quản lý rừng và UBND xã sở tại sẽ chuyển đất sang trồng rừng khi đến chu kỳ hoặc thanh lý vườn cây trước khi hết chu kỳ (chu kỳ cây cao su là 25 năm, kể từ năm trồng).

Cụ thể, nếu thời hạn là 50 năm (theo chu kỳ của cây cao su giống cũ trước đây), thì BQL rừng vận động các hộ nhận khoán điều chỉnh lại thời gian theo chu kỳ cây cao su giống mới là 25 năm (tính từ năm trồng), sau đó chuyển sang trồng rừng. Các trường hợp này phải lập hồ sơ xác định rõ thời gian còn lại của chu kỳ khai thác cây cao su, hộ (người) đang sử dụng đất phải lập văn bản cam kết thực hiện trồng rừng ngay khi hết chu kỳ khai thác cây cao su (có xác nhận của chính quyền địa phương, Ban Quản lý rừng).

Văn bản cam kết phải ghi rõ nếu hộ gia đình thanh lý vườn cây trước thời hạn của chu kỳ cây thì vẫn phải chuyển đất sang trồng rừng. Đối với 1 ha cây chôm chôm, áp dụng biện pháp xử lý tài sản (cây trồng) như cây cao su nêu trên. 

Trong trường hợp người đang sử dụng đất không đồng ý với các biện pháp giải quyết nêu trên, Ban Quản lý rừng tiến hành thanh lý hợp đồng, huỷ giấy xác nhận và yêu cầu các hộ có hợp đồng, giấy xác nhận phải chặt bỏ, di dời cây trồng; nếu họ không thực hiện thì khởi kiện ra toà án giải quyết theo quy định.

Đối với 11 trường hợp (ở xã Thạnh Bắc) có giấy CNQSDĐ cấp trùng trên đất quy hoạch rừng sản xuất, diện tích 21,0374 ha do Ban Quản lý rừng văn hoá - lịch sử Chàng Riệc quản lý, tạm thời giữ nguyên hiện trạng như hiện nay và sẽ thực hiện theo Đề án quản lý, phát triển rừng sản xuất tỉnh Tây Ninh sau khi được UBND tỉnh phê duyệt.

Tinh thần chung là: về đất đai, sau khi đã thu hồi, huỷ giấy CNQSDĐ cấp trùng trên đất quy hoạch rừng sản xuất, các địa phương và đơn vị quản lý rừng sẽ có kế hoạch chuyển sang giao hoặc cho thuê đất quy hoạch lâm nghiệp theo đúng đối tượng, quy định của pháp luật để người bị thu hồi, huỷ giấy CNQSDĐ được tiếp tục sử dụng đất để trồng rừng sản xuất theo quy hoạch; nếu hiện trạng đang trồng cao su thì giao hoặc cho thuê theo một chu kỳ cây cao su là 25 năm.

GIANG HÀ - NHI TRẦN

(còn tiếp)

data:
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục