Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công
Bài 1: Còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Thứ sáu: 09:36 ngày 02/12/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, các dự án sử dụng vốn ODA giải ngân chậm, tỷ lệ giải ngân đến 31.10.2021 chỉ đạt 28,42% kế hoạch. Qua rà soát, đánh giá cụ thể khả năng giải ngân của từng dự án, kế hoạch vốn ODA năm 2022 không có khả năng giải ngân là 88,821 tỷ đồng (thuộc phần vốn ngân sách Trung ương mới bổ sung vào tháng 10.2022), tương đương 42,7% kế hoạch, kéo theo tỷ lệ giải ngân nguồn bội chi ngân sách địa phương không đạt kế hoạch được giao.

Thi công hệ thống thoát nước thị trấn Bến Cầu.

Cụ thể, các vướng mắc của các dự án ODA như: Đối với Dự án Hệ thống thu gom và xử lý nước thải thành phố Tây Ninh, theo quyết định phê duyệt dự án, thời gian thực hiện dự án là 2017-2020, tuy nhiên, do công tác triển khai dự án chậm và ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến ngày 15.12.2020 mới tổ chức đấu thầu quốc tế và phía nhà tài trợ có thư không phản đối về kết quả lựa chọn nhà thầu vào ngày 26.5.2021.

Trong năm 2021, tỉnh hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp thẩm quyền cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện dự án và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1912/QĐ-TTg ngày 15.11.2021 với thời gian thực hiện đến năm 2023. Dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh vào cuối năm nên không kịp chuẩn bị các thủ tục để giải ngân kế hoạch năm 2021.

Trong năm 2022, thực hiện công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu các gói thầu thi công chính hoàn thành trong tháng 11.2022 và đã giải ngân tạm ứng cho nhà thầu. Tuy nhiên, dự kiến dự án chỉ giải ngân vốn ODA khoảng 28,7 tỷ đồng/108 tỷ đồng, tương đương 26,6% kế hoạch. Do nguồn vốn ODA vừa được Trung ương bổ sung 100 tỷ đồng vào tháng 10.2022, dự án vừa khởi công, khối lượng hoàn thành chưa nhiều và các thủ tục thanh toán vốn ODA phức tạp hơn so với vốn trong nước nên không giải ngân hết phần vốn bổ sung.

Dự án tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (gọi tắt là Dự án VILG). Công tác triển khai chậm do hệ thống văn bản hướng dẫn nghiệp vụ từ Ban Quản lý dự án VILG cấp Trung ương chưa được ban hành hoặc ban hành trễ; việc đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công, tư vấn phải thực hiện nhiều lần do ít nhà thầu đáp ứng các tiêu chí mời thầu. Ngoài ra, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo điều hành chung cũng như công tác triển khai dự án.

Đến hết năm 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu, đã thực hiện trao thầu thi công xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, tư vấn giám sát kiểm tra nghiệm thu sản phẩm hoàn thành thi công xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai triển khai trên địa bàn các huyện: Bến Cầu, Gò Dầu, Dương Minh Châu, Châu Thành, thị xã Trảng Bàng và TP. Tây Ninh, hoàn thành thủ tục lựa chọn nhà thầu thực hiện 2/4 gói thầu mua sắm trang thiết bị, 5 tháng đầu năm 2022, Sở tiếp tục hoàn thành thủ tục lựa chọn nhà thầu thực hiện 2/4 gói thầu mua sắm trang thiết bị còn lại.

Hiện Sở TN&MT đẩy nhanh tiến độ, tiếp tục đôn đốc nghiệm thu khối lượng hoàn thành công tác thi công xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn các địa phương đã triển khai. Các nhà thầu cung cấp thiết bị đã và đang bàn giao thiết bị đến cấp huyện, cấp xã, các bên có liên quan hoàn thiện các thủ tục về kiểm tra, nghiệm thu, đưa thiết bị vào vận hành, sử dụng.

Công trình thi công trên đường tỉnh lộ 784.

Trong quá trình thực hiện dự án còn gặp nhiều khó khăn như: nhiều loại tư liệu, hồ sơ địa chính trước đây của tỉnh không thống nhất với hồ sơ đang quản lý; hồ sơ cấp chứng nhận quyền sử dụng đất lưu trữ qua nhiều thời kỳ thất lạc gây rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng khối hồ sơ quét; các công trình về giao thông, thuỷ lợi trước đây không có file mềm nên khó khăn trong việc biên tập dữ liệu không gian, đôi lúc không thể thực hiện được. Khối lượng thực hiện thực tế của các gói thầu giảm do có một số nội dung không thể thực hiện, nên khả năng dự án không sử dụng hết số vốn được giao. Dự kiến năm 2022, dự án giải ngân đạt 53% kế hoạch vốn được giao.

Đối với Dự án Phát triển các đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông Mekong mở rộng tại Mộc Bài (gọi tắt là Dự án GMS). Dự án gồm 6 gói thầu như: Hệ thống giao thông đô thị Mộc Bài; Hệ thống cấp nước đô thị Mộc Bài; Hệ thống thu gom và xử lý nước thải đô thị Mộc Bài; Cơ sở phân loại rác thải đô thị Mộc Bài (vốn viện trợ không hoàn lại); Đường An Thạnh - Phước Chỉ (vốn kết dư) và Hệ thống thu gom nước thải thị trấn Bến Cầu (vốn kết dư).

Đến nay, dự án đã hoàn thành 5/6 gói thầu, chỉ còn lại tiểu dự án Hệ thống thu gom nước thải thị trấn Bến Cầu đang thi công. Tuy nhiên, do tiểu dự án Hệ thống thu gom nước thải thị trấn Bến Cầu phải đấu nối đường ống thu gom đến từng hộ gia đình nên công tác triển khai thi công rất khó khăn, phức tạp. Đồng thời, dự án có điều chỉnh thiết kế tuyến ống thu gom nước thải cấp I từ vỉa hè chuyển thành đi dưới lòng đường nên cần thời gian để phối hợp với các cơ quan chức năng. Dự kiến năm 2022, dự án giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn được giao.

Ông Trịnh Ngọc Phương- Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, các dự án vốn ODA chậm do vốn vay có quy trình rất phức tạp. Khi triển khai, Chính phủ trình Quốc hội sau đó là Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt và thẩm định, trước đó tỉnh tiếp cận được nguồn vốn thông qua các dự án. Vốn ODA, vốn vay chỉ phục vụ các chương trình phục vụ cộng đồng, không có các dự án riêng như: biến đổi khí hậu, gia cố bờ đê, thoát nước đô thị, giao thông kết nối đặc biệt.

Nhi Trần

(còn tiếp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục