Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ngược dòng thời gian, cách đây hơn 40 năm, trên công trường hồ chứa nước Dầu Tiếng mỗi ngày có hàng vạn thanh niên cùng đóng góp sức mình xây dựng hồ.

Ngày 29.4.1981, tại ấp Thuận Bình, xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu, cố Phó Thủ tướng Huỳnh Tấn Phát đã bổ nhát cuốc đầu tiên trong lễ khởi công xây dựng công trình hồ chứa nước Dầu Tiếng. Đến ngày 10.1.1985, hệ thống thuỷ lợi Dầu Tiếng với hai tuyến kênh chính Đông và kênh chính Tây chính thức mở nước. Tiếp sau đó, hệ thống kênh cấp 2, cấp 3, cấp 4 lần lượt được xây dựng, đưa nước về phủ xanh các cánh đồng.
Ngược dòng thời gian, cách đây hơn 40 năm, trên công trường hồ chứa nước Dầu Tiếng mỗi ngày có hàng vạn thanh niên cùng đóng góp sức mình xây dựng hồ. Sự đóng góp này đặc biệt to lớn, như lời ông Võ Hoàng Khải- nguyên Trưởng Ban Tuyên giao Tỉnh uỷ (nay là Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh uỷ) khẳng định: “Nhờ có lòng hồ mà nhân dân Tây Ninh no ấm, tuổi trẻ Tây Ninh có quyền tự hào là mình đã góp công lớn nhất”.
Công trường Thanh niên Cộng sản
Theo ông Trần Việt Biên- nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lúc bấy giờ là Bí thư Tỉnh đoàn, sau lễ khởi công với nhát cuốc đầu tiên của cố Phó Thủ tướng Huỳnh Tấn Phát, người dân Tây Ninh, trong đó có thanh niên được vận động lên công trường đào đắp kênh mương. Sau một tháng đầy khó khăn, mọi người đã đào đắp được 100.000m3 đất. “Nhưng với kết quả đó thì ước tính phải mất 71 năm công trình mới có thể hoàn thành”- ông Biên nói.
Ông Trần Việt Biên- nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh kể về ký ức xây dựng công trường “Thanh niên Cộng sản”
Trước tình hình đó, ông Trần Việt Biên suy nghĩ phải làm gì đó đột phá, đưa phong trào thanh niên Tây Ninh đi lên. Thời điểm ấy, phong trào thanh niên Tây Ninh cũng đang đứng chót bảng thi đua các tỉnh miền Đông Nam bộ. “Trước hết tôi trao đổi với các đồng chí Ban Chấp hành và quyết định chọn mũi đột phá là thanh niên Tây Ninh làm công tác thuỷ lợi. Chúng tôi đem ý kiến này báo cáo với đồng chí Đặng Văn Thượng- lúc bấy giờ là Bí thư Tỉnh uỷ và được đồng chí đồng tình, hứa tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất”- ông Trần Việt Biên nhớ lại.
Sau đó, Tỉnh đoàn chọn Xã đoàn Hiệp Tân, huyện Hoà Thành (nay là phường Hiệp Tân, thị xã Hoà Thành) tổ chức thí điểm mô hình Công trường Thanh niên Cộng sản thuỷ lợi trên quy mô toàn xã.
Qua phong trào thanh niên xã Hiệp Tân làm thuỷ lợi đã gỡ được những bế tắc ban đầu về tổ chức chỉ huy công trường, đội thi công có dây chuyền lao động hợp lý, đạt năng suất lao động cao, bảo đảm kỹ thuật và đầm nền đạt, đúng trong định mức.
Từ những thắng lợi quan trọng đó, năm 1983, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh cho phép Tỉnh đoàn mở đại hội đại biểu thanh niên trên mặt trận thuỷ lợi. Trong đại hội này, tuổi trẻ Tây Ninh đã mạnh dạn nhận chỉ tiêu phấn đấu đào đắp 2,5 triệu mét khối đất trên công trường. Sau đó, thanh niên toàn tỉnh rầm rập lên đường ra “mặt trận thuỷ lợi Dầu Tiếng”, cất cao khẩu hiệu “Ta đi xây dựng công trường, công trường xây dựng ta”.
Cuối năm đó, thanh niên đã đào đắp đạt 1,6 triệu mét khối đất. Và không chỉ có 1 Xã đoàn Hiệp Tân mà các huyện trong toàn tỉnh, mỗi huyện có từ 1-2 xã có phong trào thi đua sôi nổi như thế.
Từ thắng lợi đó, ngày 24.11.1983, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Tây Ninh mở hội nghị quyết định trao cho tuổi trẻ Tây Ninh một vinh dự hết sức lớn lao là đặt tên công trình thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng Tây Ninh là “Công trường Thanh niên Cộng sản”.
Chính lòng tin của các cấp uỷ Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong tỉnh đã tạo động lực thôi thúc thanh niên vững bước tiến lên mạnh mẽ hơn. “Toàn tỉnh đã mở ra cuộc hành quân theo bước chân những người anh hùng, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ làm Chỉ huy trưởng, Bí thư Tỉnh đoàn làm chỉ huy phó, thanh niên đồng loạt ra quân với tinh thần “Hành quân cho hôm nay và mai sau, hành quân xây dựng đẹp, giàu quê hương”- ông Trần Việt Biên kể lại không khí ngày đó.
Khí thế lao động dâng cao. Lúc cao điểm, có hơn 3-4 vạn đoàn viên, thanh niên tập hợp lên công trường. Hiện tượng thanh niên trốn về hoàn toàn chấm dứt. Nhiều thanh niên không chỉ đi một lần mà còn thêm lần 2, lần 3 và nhiều lần lên công trường làm việc. Cứ thế mà hằng năm thanh niên đã đào đắp tăng thêm không chỉ 1 triệu, mà đến 2 triệu rồi 2,5 triệu mét khối đất.
“Trên công trường Thanh niên Cộng sản hồ nước Dầu Tiếng Tây Ninh, tuổi trẻ Tây Ninh đã đánh dấu sự lớn mạnh không ngừng của mình, đã đào đắp khối lượng lớn để các dòng kênh có nước mát chảy qua”- ông Trần Việt Biên cho biết.
“Ta đi xây dựng công trường, công trường xây dựng ta”
Với khẩu hiệu nêu trên, nhiều phong trào thanh niên được tổ chức sôi nổi giúp thanh niên rèn luyện ý chí và trưởng thành trên công trường.
Ông Võ Hoàng Khải- nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ nhớ như in khí thế hực hừng của thanh niên thời kỳ đó. Để cổ vũ tinh thần hăng say, lao động của mọi người, ông Võ Hoàng Khải đã tổ chức nhiều phong trào thi đua sôi nổi trong thanh niên. Trong đó, ông nhớ mãi chương trình phát động mang tên “Tấn công hầm Đờ-Cát (De Catries)” vào tháng 5.1984, nhân kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, nhằm phát huy hiệu quả đào đắp trên công trường. Khi đó, chương trình được phát động tại xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu với khoảng 300 thanh niên tham dự.
Ông Võ Hoàng Khải- nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ kể về chương trình phát động mang tên “Tấn công hầm Đờ-Cát (De Catries)”
“Lúc đó, với sức người sẽ đào những kênh cấp 3, cấp 4. Tại những nơi khô cằn, khó đào do nhiều sỏi, đá, sẽ được ví như hầm Đờ-Cát. Nhiệm vụ của thanh niên là phải “công kích” cho được, như tinh thần của ông cha năm xưa đã tấn công hầm chỉ huy của tướng De Catries để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội”- ông Võ Hoàng Khải lý giải. Buổi phát động chỉ dài 20 phút nhưng đã hun đúc thêm tinh thần lao động của mỗi thanh niên trong suốt thời kỳ xây dựng công trình hồ Dầu Tiếng; phát huy được vai trò của thanh niên “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” và nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân.
Ông Đặng Thanh Hải- nguyên Chủ tịch UBND huyện Châu Thành khi ấy đang làm Bí thư Xã đoàn Thanh Điền thuật lại, phong trào thi đua thanh niên giai đoạn này mạnh lắm. Năm nào cũng vậy, từ cấp xã trở lên đều tổ chức thi đua có khen thưởng, biểu dương những cá nhân xuất sắc, xét kiện tướng lao động. Đoàn cũng phát động thi đua từng đợt vào những ngày kỷ niệm như ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh 26.3, kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh 19.5…
“Lúc đó, hai xã Thanh Điền (Châu Thành) với Hiệp Tân (Hoà Thành) có phong trào thi đua sôi nổi, tiêu biểu nhất toàn tỉnh. Ai cũng hừng hực khí thế. Bởi sau giải phóng chưa có những hoạt động, tổ chức quy tụ thanh niên, khi được cống hiến trên công trường với tên gọi “Công trường Thanh niên Cộng sản”, mọi người rất lấy làm tự hào. Đến nơi, ai cũng tự nguyện, tự giác, ráng phấn đấu để hoàn thành chỉ tiêu do ấp, xã địa phương mình giao”- ông Hải hào hứng kể lại.
Trong suốt thời điểm đó, tổ chức Đoàn đã tập hợp 50 ngàn thanh niên Tây Ninh vào tổ chức Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, 10 ngàn thanh niên Tây Ninh được đứng vào hàng ngũ của Đoàn và trên 500 đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam; hàng trăm cán bộ Đoàn được trưởng thành trên công trường. Trong đó, Đoàn Thanh niên toàn tỉnh đã nhận được 3 Huân chương Lao động hạng Nhì, 9 Huân chương Lao động hạng Ba, 8 bằng khen của Hội đồng Bộ trưởng, 12 cờ thi đua và 154 bằng khen của Bộ Thuỷ lợi, Trung ương Đoàn và nhiều hình thức khen thưởng khác.
Với những kết quả đạt được, có thể thấy rằng lực lượng thanh niên đã có những đóng góp rất to lớn trong xây dựng công trình hồ thuỷ lợi Dầu Tiếng. Như một dấu son đáng tự hào của tuổi trẻ.
Vi Xuân - Khải Tường
(còn tiếp)
Trải qua 45 năm xây dựng và 40 năm đưa công trình vào vận hành khai thác, hồ chứa nước Dầu Tiếng đã thể hiện vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ đa mục tiêu của công trình như: cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt; hỗ trợ tạo nguồn cấp nước, xả dòng chảy, cắt giảm lũ cải thiện môi trường và chất lượng nguồn nước sông Sài Gòn, Vàm Cỏ Đông và nhiều hoạt động khác đối với các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Long An và Thành phố Hồ Chí Minh. Với vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, hồ chứa nước Dầu Tiếng được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định đưa vào danh mục công trình thuỷ lợi quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia vào ngày 2.12.2024.