Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Du lịch Tây Ninh: Nỗ lực đạt mục tiêu đóng góp trên 10% GRDP
Bài 1: Đa dạng hoá các loại hình du lịch
Thứ hai: 09:14 ngày 30/01/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Để thu hút khách du lịch, tỉnh đã có kế hoạch cụ thể trong việc phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch mới có tiềm năng trên địa bàn tỉnh.

Chương trình nghệ thuật khai mạc Hội xuân núi Bà Đen. Ảnh: Huỳnh Thanh Liêm

Theo định hướng của tỉnh Tây Ninh, đến năm 2030 du lịch sẽ phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp trên 10% GRDP, thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển các ngành, lĩnh vực khác. Tốc độ tăng trưởng doanh thu du lịch tăng bình quân hằng năm từ 25%/năm trở lên. Chi tiêu bình quân khách du lịch đến Tây Ninh đạt trên 1,3 triệu đồng/người/ngày.

Những năm gần đây, du lịch Tây Ninh đã có nhiều khởi sắc, lượng du khách đến tham quan ngày một tăng. Để thu hút khách du lịch, tỉnh đã có kế hoạch cụ thể trong việc phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch mới có tiềm năng trên địa bàn tỉnh.

Tập trung xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng

Bà Trần Thị Huy Hoàng- Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, để thu hút khách du lịch, tỉnh đã xác định lợi thế, tiềm năng định hướng phát triển đa dạng các loại hình sản phẩm du lịch với các nhóm sản phẩm du lịch.

Đối với loại hình du lịch nghỉ dưỡng, tỉnh tập trung đầu tư xây dựng khu thương mại, dịch vụ ven chân núi phía Nam; đưa vào sử dụng khu tham quan chuyên đề, lưu trú, thương mại, dịch vụ du lịch trên đỉnh núi Bà Đen. Phát triển hoàn chỉnh khu vực trung tâm thương mại dịch vụ, khu lưu trú nghỉ dưỡng. Hoàn thành đưa vào sử dụng các khu chức năng theo quy hoạch phân khu thuộc Khu du lịch núi Bà Đen…

Về du lịch văn hoá - lễ hội, hình thành sản phẩm du lịch gắn với đẩy mạnh phát triển và trải nghiệm các loại hình văn hoá tìm hiểu lịch sử về nguồn, tinh hoa ẩm thực, phong tục, tập quán, lối sống của các dân tộc thiểu số như Khmer, Chăm, trình diễn nghệ thuật múa trống Chhay-dăm và đờn ca tài tử Nam bộ; Hội yến Diêu Trì cung, Hội xuân Núi Bà Đen…

Về du lịch sinh thái, phát triển du lịch nghỉ dưỡng kết hợp tìm hiểu đa dạng sinh học, phát huy tối đa lợi thế Vườn Di sản ASEAN - Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, các loại hình dịch vụ du lịch đường thuỷ, cắm trại, đi bộ xuyên rừng… Rà soát, bổ sung các điểm du lịch, các loại hình du lịch khu vực hồ Dầu Tiếng.

Về du lịch về nguồn, tìm hiểu lịch sử, tập trung đầu tư, tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu xây dựng quy hoạch phát triển điểm đến du lịch như: di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam; di tích lịch sử Địa điểm chiến thắng Tua Hai; di tích lịch sử Căn cứ Tỉnh uỷ Tây Ninh tại Bời Lời… tạo lợi thế phát triển đa dạng hoá sản phẩm du lịch, khai thác tối đa nguồn khách từ học sinh, sinh viên, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, khách tham quan về nguồn.

Đối với những khu vực được phép đầu tư trong các khu di tích, tỉnh đã kêu gọi đầu tư bằng hình thức xã hội hoá.

Bà Trần Thị Huy Hoàng cho biết thêm, đối với việc phát triển sản phẩm du lịch mới, có tiềm năng trên địa bàn, tỉnh đã đề ra các giải pháp cụ thể. Theo đó, các địa phương lựa chọn sản phẩm du lịch, xây dựng các khu, điểm du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương để kết nối hệ thống du lịch chung của tỉnh nhằm tạo sự đa dạng, phong phú về sản phẩm du lịch.

Hình thành các trung tâm mua sắm hiện đại, hệ thống cửa hàng lưu niệm, đặc sản vùng miền, sản phẩm thủ công truyền thống địa phương phục vụ du lịch gắn với các khu di tích văn hoá - lịch sử; các vùng chuyên canh cây đặc sản; các nông trại nông nghiệp công nghệ cao.

Tỉnh khuyến khích phát triển các loại hình du lịch dọc tuyến sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông kết hợp du lịch sinh thái, miệt vườn; hình thành các điểm dừng chân có bãi đỗ xe, bến tàu, nghỉ dưỡng, ăn uống ven sông, các hoạt động thể thao dưới nước…

Du lịch tâm linh được ưu tiên đầu tư, phát triển

Có thể nói, Tây Ninh là địa phương có lợi thế về du lịch văn hoá, tâm linh. Số liệu thống kê cho thấy, 90% khách du lịch đến Tây Ninh tham quan Khu du lịch núi Bà Đen và Toà thánh Cao Đài Tây Ninh. Với lợi thế này, trong những năm gần đây, tỉnh mời gọi được nhà đầu tư chiến lược xây dựng một số dự án lớn tại Khu du lịch núi Bà Đen như: hệ thống các tuyến cáp treo lên đỉnh núi Bà Đen, chùa Bà, chùa Hang và các công trình phụ trợ… Trên cơ sở đó, Tây Ninh tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch lễ hội, tín ngưỡng và tâm linh.

Theo Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh tập trung triển khai phát triển sản phẩm du lịch gắn với lễ hội và tín ngưỡng như Hội yến Diêu Trì cung, Hội xuân Núi Bà Đen, lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu, lễ hội Kỳ yên đình Gia Lộc, lễ hội Quan lớn Trà Vong...

Khẩn trương thực hiện trình tự, thủ tục pháp lý để triển khai dự án đầu tư tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, trong đó có 3 dự án liên quan đến Khu du lịch Bà Đen là dự án Khu đô thị phụ cận Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, dự án Khu đô thị phục vụ Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen và dự án Khu tham quan chuyên đề, nghỉ dưỡng núi Bà Đen.

Liên kết và phát triển sản phẩm du lịch giữa Khu du lịch núi Bà Đen với các trọng điểm phát triển du lịch khác trong tỉnh Tây Ninh như Di tích quốc gia đặc biệt Trung ương Cục miền Nam, Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát; liên kết các tour - tuyến du lịch giữa Tây Ninh với các điểm du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam bộ.

Chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông nhằm kết nối du lịch nhanh, đồng bộ các điểm du lịch Tây Ninh và các địa phương trong nước, hướng tới thu hút thị trường khách du lịch ở nước láng giềng Campuchia.

Theo ông Ngô Trần Ngọc Quốc- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, thực chất khi đến Tây Ninh, du khách tập trung vào du lịch tâm linh, như vậy để phát triển loại hình này, tỉnh phải mang đến sự ấn tượng và rõ nét hơn về văn hoá của người Tây Ninh. Ngoài ra, tỉnh cần phải quan tâm thêm về hình thức và đẩy mạnh truyền thông, để du khách biết nhiều đến các lễ hội mang đậm tính văn hoá của Tây Ninh. Đặc biệt, trong công tác truyền thông phải mang tính chất liên kết giữa các hiệp hội, các tỉnh, thành, thậm chí quốc tế.

Tây Ninh có nhiều lễ hội văn hoá - du lịch được tổ chức hằng năm, thu hút đông đảo khách du lịch. Có thể kể đến như: Hội xuân Núi Bà Đen, diễn ra trong tháng Giêng- là lễ hội thu hút đông khách du lịch nhất của tỉnh, riêng năm 2022 đã thu hút hơn 1,7 triệu lượt khách đến tham quan, chiêm bái. Bên cạnh đó, Hội yến Diêu Trì cung của tôn giáo Cao Đài hằng năm thu hút hơn 500 ngàn lượt khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Lễ hội “Văn hoá, du lịch nghề làm bánh tráng phơi

sương Trảng Bàng” định kỳ 2 năm một lần tổ chức, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia nghề làm bánh tráng phơi sương. Đặc biệt trong tháng Giêng năm nay, lần đầu tiên Tây Ninh tổ chức lễ hội quảng bá “Nghệ thuật chế biến món ăn chay tỉnh Tây Ninh”, góp phần tăng cường giới thiệu và quảng bá hình ảnh của tỉnh đến với du khách trong và ngoài nước.

Để thu hút khách du lịch trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục duy trì, phát triển và nâng cao chất lượng các lễ hội truyền thống đặc sắc hiện có gắn với tổ chức các sự kiện thương mại, dịch vụ, ẩm thực - văn hoá, thể thao như chợ hoa xuân, lễ hội khinh khí cầu, dù lượn…

Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn

Định hướng đến năm 2030, du lịch Tây Ninh là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp trên 10% GRDP, thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển các ngành, lĩnh vực khác.

Thực hiện mục tiêu trên, tỉnh tập trung hỗ trợ về pháp lý để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án đầu tư tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Trọng tâm là phát triển nhanh, đưa Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen trở thành khu du lịch đẳng cấp của khu vực và quốc gia, là tâm điểm dẫn dắt, kết nối lan toả du lịch địa phương và khu vực Đông Nam bộ.

Đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông nhằm kết nối du lịch nhanh, đồng bộ du lịch Tây Ninh và các tỉnh, thành phụ cận như tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Gò Dầu - Xa Mát và đầu tư các tuyến giao thông đường thuỷ, đường bộ nội tỉnh nhằm kết nối giao thông giữa các điểm du lịch trong tỉnh, kết nối du lịch Tây Ninh với các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ.

Thu hút đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch chất lượng cao như: khách sạn 3-5 sao; trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí, khu điểm du lịch, hệ thống cơ sở dịch vụ ăn uống đạt tiêu chuẩn...

Đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch lễ hội, tín ngưỡng và tâm linh vẫn là sản phẩm chủ yếu của tỉnh. Ngoài ra còn kết hợp phát triển đa dạng các loại hình du lịch mới như: nghỉ dưỡng, văn hoá - lễ hội, nông nghiệp, sinh thái, về nguồn tìm hiểu lịch sử nhằm thu hút đông đảo du khách đến với Tây Ninh.

Tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, điểm đến du lịch an toàn, kích cầu du lịch nội địa, liên kết tuyến du lịch giữa các tỉnh, từng bước thu hút, mở rộng thị trường du lịch quốc tế.

Nhi Trần

(còn tiếp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh