BAOTAYNINH.VN trên Google News

Văn hoá các dân tộc thiểu số: Để mai này không mai một

Bài 1: Đặc điểm văn hoá các dân tộc thiểu số 

Cập nhật ngày: 01/04/2022 - 00:18

BTN - Đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thành cộng đồng, đan xen với nhau và sống cùng dân tộc Kinh. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 70% dân số ở 9 tỉnh, 50%-70% dân số ở 3 tỉnh, 30%-50% dân số ở 4 tỉnh và trên 10% dân số ở 14 tỉnh.

Người dân tộc Khmer cúng dường trong dịp Tết Chol Chnam Thmay. Ảnh: Đ.H.T

“Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; có chính sách cụ thể phát triển văn hoá đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”- Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh chính sách phát triển văn hoá đồng bào dân tộc thiểu số.

Văn hoá các dân tộc thiểu số ở nước ta vừa thống nhất vừa đa dạng. Tính thống nhất biểu hiện ở quá trình đoàn kết đấu tranh chống ngoại xâm, phát triển kinh tế, mở mang bờ cõi; ở ý thức quốc gia và trong lối sống, cách ứng xử, đặc biệt là tinh thần yêu nước của các dân tộc Việt Nam mà nguyên nhân sâu xa, trực tiếp tạo nên tính thống nhất của văn hoá Việt Nam chính là ở bản lĩnh, bản sắc văn hoá dân tộc - quốc gia Việt Nam.

THỐNG NHẤT TRONG ĐA DẠNG

Theo số liệu điều tra thống kê năm 2019, nước ta có 53 dân tộc thiểu số với tổng số dân là 14,123 triệu người, chiếm 14,7% dân số cả nước. Quy mô dân số không đồng đều, có 6 dân tộc trên 1 triệu người gồm Tày, Thái, Mường, Mông, Nùng, Khmer; 16 dân tộc dưới 10.000 người, trong đó có 5 dân tộc dưới 1.000 người là Ơ Du, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo và Si La.

Đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thành cộng đồng, đan xen với nhau và sống cùng dân tộc Kinh. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 70% dân số ở 9 tỉnh, 50%-70% dân số ở 3 tỉnh, 30%-50% dân số ở 4 tỉnh và trên 10% dân số ở 14 tỉnh.

Hầu hết các dân tộc thiểu số sinh sống ở miền núi cao, biên giới, vùng sâu, vùng xa và tập trung chủ yếu ở một số tỉnh khu vực miền núi phía Bắc (khoảng 6,7 triệu người), Tây Nguyên (khoảng 2 triệu người), Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung (1,9 triệu người), Tây Nam bộ (1,4 triệu người).

Các dân tộc thiểu số nước ta cư trú xen kẽ trên địa bàn rộng lớn, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế an ninh, quốc phòng và bảo vệ môi trường sinh thái. Mỗi dân tộc có sắc thái văn hoá riêng, góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú của nền văn hoá Việt Nam thống nhất.

Tính đa dạng văn hoá biểu hiện ở sắc thái văn hoá vùng với những đặc điểm riêng được sáng tạo nên bởi các nhóm cư dân, các thành phần tộc người trên vùng lãnh thổ, biểu hiện theo nhóm ngôn ngữ ở góc độ riêng của các giá trị văn hoá vật thể (trang phục, kiến trúc, ẩm thực...) và văn hoá phi vật thể (tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội...) mang tính lịch sử và giao thoa văn hoá. Điều đó tạo nên một cá tính riêng trong bức tranh văn hoá chung của quốc gia, trong từng tộc người, nhất là những tộc người có nhiều nét địa phương.

Văn hoá các dân tộc thiểu số ở nước ta được hình thành và phát triển từ một nền văn hoá dân gian. Các kết quả nghiên cứu khoa học về lịch sử, khảo cổ học, dân tộc học, văn học dân gian, nhân chủng học, địa chất học, địa danh học... đã cung cấp nhiều bằng chứng cụ thể về một quốc gia Việt Nam có lịch sử hàng ngàn năm, phát triển liên tục từ thời đồ đá - đồ đồng - đồ sắt... cho đến ngày nay, cho thấy sự phát triển liền mạch về chính trị - xã hội và văn hoá mang đặc điểm riêng của một quốc gia sớm ra đời do nhu cầu trị thuỷ với nền văn minh lúa nước, nhu cầu chống ngoại xâm.

Trong các làng xã, bản, phum sóc, mường... của các dân tộc Việt Nam qua nhiều thế kỷ đã tồn tại giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của cư dân nông nghiệp trồng trọt, của một thiết chế xã hội công xã nông thôn, hệ thống các triết lý và quan niệm với nhiều hình thức sinh hoạt gắn với chu kỳ đời người, chu kỳ trồng trọt, thời tiết... Đó là những giá trị văn hoá dân gian.

Văn hoá dân gian của các dân tộc là mạch nguồn chảy suốt quá trình hình thành, phát triển của dân tộc và quốc gia, là “nguyên liệu” chính cùng với các giá trị văn hoá bác học tạo nên bản sắc văn hoá của các dân tộc, của quốc gia.

Văn hoá các dân tộc thiểu số ở nước ta là sự phản ánh quá trình tiếp xúc, thích ứng văn hoá trong lịch sử, hiện tại trong phạm vi quốc gia và quốc tế. Các dân tộc ở nước ta có một quá trình lịch sử lâu dài cùng chung sống sáng tạo, tụ hội nhiều giá trị văn hoá.

Đó là diễn trình văn hoá được thể hiện, vận động, định hình trong một thời gian dài của văn hoá tộc người; là quá trình giao thoa, tiếp biến văn hoá phản ánh tiến trình lịch sử; phản ánh sức sống mãnh liệt với những yếu tố nội sinh được thử thách, tôi luyện và không bị đồng hoá trước nhiều âm mưu của các thế lực xâm lược ngoại bang. Đó không chỉ là quá trình tiếp xúc và giao thoa văn hoá giữa các dân tộc trong nước mà còn với các dân tộc cư trú ở các nước láng giềng.

Trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, cùng với quá trình đặt trọng tâm vào đổi mới về kinh tế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Đảng ta xác định đường lối xây dựng một nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong những năm qua, Uỷ ban Dân tộc đã triển khai công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hoá.

NHẬN DIỆN NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

Hiện nay, nhiều hủ tục, tập quán lạc hậu vẫn còn tồn tại trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, thậm chí ở một số nơi còn rất nặng nề, như thách cưới quá cao, tảo hôn, hôn nhân cận huyết, hủ tục trong tang ma, mê tín dị đoan, tin vào bùa ngải, thầy mo, thầy cúng khi ốm đau... đã tác động tiêu cực đến đời sống của người dân, ảnh hưởng đến tình hình lao động sản xuất, gây mất an ninh trật tự trong xã hội.

Nhiều giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số có nguy cơ tiếp tục bị mai một, đứt gãy, hệ quả là vai trò của già làng, tính cộng đồng làng bản, những tri thức luật tục bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, các mối quan hệ truyền thống, cách đối nhân xử thế trong cộng đồng đã bị mai một, biến đổi theo xu hướng tiêu cực. Nhiều yếu tố văn hoá truyền thống đang dần mất đi, biểu hiện rõ nhất là sự mai một của ngôn ngữ mẹ đẻ, trang phục truyền thống và các tập tục tốt đẹp trong ứng xử hằng ngày.

Văn hoá các dân tộc thiểu số có những biến đổi theo chiều hướng tiêu cực đang diễn ra mạnh mẽ, biểu hiện khá rõ về mặt kiến trúc, lễ hội, trang phục. Các yếu tố văn hoá bên ngoài càng có điều kiện để thâm nhập, nhiều trường hợp chủ nhân văn hoá các dân tộc thiểu số choáng ngợp trước cái hiện đại, mới lạ bên ngoài và kết quả tất yếu là họ tiếp nhận một cách ồ ạt, xô bồ, miễn cưỡng, quên đi hoặc quay lưng lại với các giá trị truyền thống, tạo nên sự lai căng, kệch cỡm, nhiễu loạn trong đời sống văn hoá.

Nhiều trò chơi dân gian đã không còn và thay vào đó là các hoạt động ăn uống linh đình. Một số lễ hội, sự kiện văn hoá biến tướng với mục đích kinh doanh thu lợi nhuận. Sự biến đổi của không gian văn hoá làng bản cũng đang diễn ra mạnh mẽ ở các vùng dân tộc và miền núi…

Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội,  bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Trong đó, văn hoá các dân tộc thiểu số được xác định là một bộ phận quan trọng cấu thành nền văn hoá Việt Nam đậm đà bản sắc. Điều đó được cụ thể hoá trong các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng.

Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII xác định những nhiệm vụ cụ thể để xây dựng và phát triển nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong đó, nhiệm vụ về bảo tồn và phát huy, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số đã chỉ rõ những thành tựu văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số là một bộ phận tạo nên nền văn hoá Việt Nam đa dạng và phong phú trong sự thống nhất, bổ sung và hỗ trợ, tạo điều kiện để mỗi dân tộc phát triển bình đẳng trong cộng đồng quốc gia Việt Nam.

Việt Đông