Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Giá trị văn hoá, tín ngưỡng trong đồng bào dân tộc thiểu số và tôn giáo ở Tây Ninh
Bài 1: “Đạo chúng tôi dạy con người hướng thiện”
Thứ hai: 21:45 ngày 10/06/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Văn hoá các dân tộc thiểu số ở nước ta vừa thống nhất vừa đa dạng. Tính thống nhất biểu hiện ở quá trình đoàn kết đấu tranh chống ngoại xâm, phát triển kinh tế, mở mang bờ cõi, ở ý thức quốc gia và trong lối sống, cách ứng xử...

“Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; có chính sách cụ thể phát triển văn hoá đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”- Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII nhấn mạnh chính sách phát triển văn hoá đồng bào dân tộc thiểu số.

Văn hoá các dân tộc thiểu số ở nước ta vừa thống nhất vừa đa dạng. Tính thống nhất biểu hiện ở quá trình đoàn kết đấu tranh chống ngoại xâm, phát triển kinh tế, mở mang bờ cõi, ở ý thức quốc gia và trong lối sống, cách ứng xử, đặc biệt là tinh thần yêu nước của các dân tộc Việt Nam mà nguyên nhân sâu xa, trực tiếp tạo nên tính thống nhất của văn hoá Việt Nam chính là ở bản lĩnh, bản sắc văn hoá dân tộc.

Cô giáo A Mi Ná và học sinh người dân tộc Chăm.

“Tôn giáo chúng tôi dạy con người sống phải thương nhau, phải đoàn kết không chia rẽ. Ví dụ, trong chuyện cưới hỏi, nếu gia đình nào khá giả, mời đám cưới con cái hai đến ba lần, bản thân tôi vẫn đi nhưng giảm số tiền mừng lại chút ít. Còn đối với gia đình khó khăn về kinh tế, tôi sẽ đi đầy đủ để người ta đỡ tủi thân. Mình đi mừng đám cưới cho con cái chòm xóm, những gia đình nghèo, tôi thấy họ rất vui, xóm làng cũng vui”.

“Sống phải biết thương người”

“Tôi theo đạo Hồi. Từ nhỏ, khi đất nước còn chiến tranh, tôi theo cha tôi lên rừng kháng chiến. Đất nước hoà bình, thống nhất, tôi về lập gia đình, sống tại ấp Tân Trung A, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu. Tôn giáo chúng tôi có giáo lý, giáo luật, tập tục sinh hoạt có những đặc điểm riêng. Đạo chúng tôi dạy con người hướng thiện, chia sẻ khó khăn với người nghèo. Trong đời sống hằng ngày, đối với người phụ nữ, đi ra đường phải ăn mặc kín đáo. Theo tôi, như vậy là tốt”- bà Thị Kho mở đầu câu chuyện với nhóm phóng viên về những điều, mà theo bà, là giá trị tốt đẹp trong văn hoá Hồi giáo. “Hồi xưa, phụ nữ theo đạo Hồi không đi ăn sáng ngoài quán bao giờ, muốn ăn, mua về nhà. Còn giờ, tôi thấy phụ nữ cũng ngồi quán ăn, tóc còn xoã khỏi tấm khăn che mặt. Đúng ra, người phụ nữ Hồi giáo, mỗi khi ra ngoài, phải choàng khăn cho kín đáo”- bà Thị Kho so sánh sự thay đổi về hình ảnh người phụ nữ Hồi giáo trước đây và hiện nay.

Người phụ nữ Hồi giáo này cũng nói rõ, bà chỉ nghiêm khắc (chuyện trang phục, nền nếp sinh hoạt) với con cái trong nhà. Bà rất tự hào về nét đẹp văn hoá trong gia đình mình và đặc biệt trong tôn giáo của mình: “Tôn giáo chúng tôi dạy con người sống phải thương nhau, phải đoàn kết không chia rẽ. Ví dụ, trong chuyện cưới hỏi, nếu gia đình nào khá giả, mời đám cưới con cái hai đến ba lần, bản thân tôi vẫn đi nhưng giảm số tiền mừng lại chút ít. Còn đối với gia đình khó khăn về kinh tế, tôi sẽ đi đầy đủ để người ta đỡ tủi thân. Mình đi mừng đám cưới cho con cái chòm xóm, những gia đình nghèo, tôi thấy họ rất vui, xóm làng cũng vui. Con gái tôi đang làm giáo viên nhưng tôi vẫn nhắc nhở, không phải đi dạy là đã biết hết mọi chuyện ở đời, phải tiếp tục học hỏi. Tôi nói với con, sống phải biết thương người, không làm điều gì sai trái, không làm sứt mẻ tình làng nghĩa xóm. Không ai chọn được láng giềng, sống phải vui vẻ với nhau”.

Bà cho biết thêm, khi nói chuyện với người dân tộc Kinh hoặc dân tộc khác, bà nói tiếng phổ thông, còn khi trò chuyện, giao tiếp với thành viên trong nhà, bà nói tiếng Chăm, “để con cái mình biết tiếng mẹ đẻ, ngôn ngữ của đồng bào mình không mai một”. Từng theo cha đi kháng chiến, thế bây giờ cô có mong muốn gì cho nền hoà bình đất nước mình không? “Có chứ. Mong cho đất nước mình mãi mãi hoà bình. Muốn hoà bình, không muốn chạy giặc nữa. Hồi kháng chiến, có hôm đang ăn cơm phải bỏ chạy xuống hầm vì máy bay ném bom. Nói thêm, trong chiến tranh, đồng bào có đạo vẫn thực hành nghi lễ tôn giáo. Trong những năm tháng đó, đến giờ thực hành nghi lễ, tôi vẫn cúng bình thường. Đến giờ là cúng, hướng về phía mặt trời lặn” - bà Thị Kho nói.

Bà Thị Kho làm lễ theo nghi thức đạo Hồi.

“Chúng tôi tự do tín ngưỡng”

Tiếp chuyện với khách cùng mẹ, A Mi Ná, giáo viên Trường tiểu học Tân Hưng A, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu nói rằng, mỗi một dân tộc, mỗi một tôn giáo có những nét đặc sắc văn hoá riêng. Theo quan sát của cô giáo A Mi Ná, truyền thống văn hoá của đồng bào cô đang có những biến đổi nhất định. “Lúc còn nhỏ, tôi được biết, trong làng có đám cưới thì cả làng đến để ăn cưới. Người đến ăn cưới nếu không có tiền có thể mang gạo, tức có cái gì giúp cái đó. Là một người đồng bào dân tộc, tôi cảm thấy những cái đó rất tốt đẹp, thể hiện tinh thần đoàn kết. Hiện nay, nhiều thứ thay đổi theo thời gian. Ngày trước, mỗi khi gia đình nào có đám cưới, người ta thường làm hai buổi, như vậy cũng tốn kém. Hiện nay, người ta chỉ tổ chức có một buổi thôi”- cô giáo chứng minh sự thay đổi về văn hoá trong đời sống của đồng bào và cho biết tiếp: “Đi mừng cưới, đồng bào không bỏ (tiền) trong phong bì, người ta đưa trực tiếp. Trước đây, phụ nữ không được ngồi ở bàn (để ăn cưới), chỉ ngồi ở trong nhà. Hiện nay hiện đại hơn, có những đám cưới phụ nữ cũng ngồi ở bàn ăn bình thường nhưng nam nữ ngồi riêng. Dẫu sao, hiện nay, xét trong bình đẳng, nam nữ bình đẳng hơn, hài hoà hơn ngày xưa”- cô giáo A Mi Ná phân tích.

Cô giáo A Mi Ná nhận thấy người Chăm đề cao lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ. “Cho dù cha mẹ mình như thế nào, nói những lời không đúng thì con cái cũng không được cãi lại. Nếu mình thấy cha mẹ đúng thì mình làm theo; nếu thấy điều đó không đúng thì mình sẽ để im hoặc tìm cơ hội nào đó giải thích chứ không được cãi lại, không hỗn hào. Lúc còn nhỏ mình đi học, thầy giáo cũng dạy mình về đạo làm con, chữ hiếu trên hết”.

Đối với một dân tộc, ngôn ngữ và chữ viết rất quan trọng. Ngôn ngữ, tiếng nói, chữ viết chính là văn hoá. “Người Chăm sinh ra là đã biết nói tiếng mẹ đẻ rồi. Bất cứ nơi đâu trên đất nước Việt Nam này, người Chăm sinh ra là biết tiếng mẹ đẻ. Ở trường, các em người dân tộc thiểu số học tiếng Việt, nói tiếng phổ thông, về nhà, các em lại nói tiếng đồng bào. Như vậy, các em vừa biết nói tiếng phổ thông, học hành bình thường, lại vừa giữ được bản sắc văn hoá của riêng mình. Ở trường chúng tôi, buổi sáng các em học tiếng Việt, buổi chiều các em học tiếng Chăm. Tôi tự hào vì các em người Chăm chẳng những biết được chữ Việt, còn biết nói, viết được chữ Chăm của mình. Nhưng tôi đang hơi trăn trở chính là chương trình song ngữ này sử dụng rất nhiều năm rồi, chương trình giáo dục phổ thông đã thay đổi nhưng chương trình song ngữ tiếng Chăm thì vẫn chưa thay đổi”- cô giáo A Mi Ná nói và đề xuất sớm có nghiên cứu, biên soạn chương trình song ngữ cho tương thích với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Cũng là một giáo viên người dân tộc Chăm, thầy Chàm Ên, công tác tại Trường tiểu học Tân Hưng A, cho biết, người Chăm một ngày đi hành lễ 5 lần, trẻ em trên 10 tuổi trở lên phải đi hành lễ. Trường hợp bận công việc, đang đi làm trong cơ quan, nhà máy, xí nghiệp có thể làm lễ sau. Đối với người Chăm, cho dù có làm việc ở bất kỳ cơ quan nào thì cũng phải ăn mặc trang phục nhằm giữ gìn bản sắc của người Chăm. “Tôi đã có trên 30 năm làm công tác giảng dạy cho các em học sinh song ngữ tiếng Chăm và tiếng Việt, giúp các em đọc hiểu cả hai ngôn ngữ, giúp gìn giữ chữ viết để bảo tồn văn hoá của dân tộc mình. Chúng tôi duy trì truyền thống, trong giáo luật của đạo Hồi như thế nào thì làm đúng y như vậy. Bà con ở đây cũng chấp hành rất tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Từ xưa đến giờ, chúng tôi được tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo, không ai bắt ép chúng tôi cả. Chúng tôi được tôn trọng. Các hộ nghèo được chính quyền địa phương xây nhà đại đoàn kết. Thánh đường khang trang, đồng bào chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi”- vị trí thức người dân tộc thiểu số thông tin và bình luận.

Việt Đông - Hoàng Yến

(Còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục