Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chủ động ứng phó, bảo vệ nền sản xuất trong mùa mưa bão
Bài 1: Đầu tư, gia cố đê bao phòng, chống lũ
Thứ hai: 16:26 ngày 04/09/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hệ thống đê bao ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh hoạt động chưa hiệu quả; có đê bao trong tình trạng xuống cấp ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân.

Cống tiêu thoát nước chắn lũ cần gia cố, nâng cấp.

Đê bao vùng sản xuất nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và nâng cao giá trị gia tăng nông nghiệp. Tuy nhiên, hệ thống đê bao ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh hoạt động chưa hiệu quả; có đê bao trong tình trạng xuống cấp ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân. Ngoài ra, còn một số khu vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh rất cần được đầu tư đê bao ngăn lũ trong mùa mưa bão, giúp người dân tăng vụ, bảo đảm sản xuất hiệu quả.

Huyện Dương Minh Châu: Sớm gia cố, nâng cấp tuyến đê bao ấp 1, xã Bến Củi

Hiện nay, các hạng mục công trình đê bao thuộc ấp 1, xã Bến Củi, huyện Dương Minh Châu bị hư hỏng, xuống cấp, mất an toàn, không phát huy hiệu quả ngăn lũ, bảo vệ cho vùng sản xuất ven sông Sài Gòn. Việc đầu tư dự án duy tu, sửa chữa 8 cống tiêu thoát nước chắn lũ và gia cố, nâng cấp đường đê bao là hết sức cần thiết.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Dương Minh Châu, khu vực đê bao thuộc ấp 1, xã Bến Củi có tổng diện tích đất nông nghiệp 100 ha nằm ven sông Sài Gòn, được đầu tư vào năm 2010, với kinh phí hơn 1,7 tỷ đồng, tổng chiều dài đê bao là 2.127m. Đây là công trình đê bao, cống tiêu nước chắn lũ ấp 1, có nhiệm vụ chống ngập úng diện tích đất nông nghiệp khi hồ Dầu Tiếng xả lũ với lưu lượng Q=300m3/s và tiêu thoát nước từ cánh đồng ra sông Sài Gòn khi mực nước sông thấp hơn mực nước tự nhiên của cánh đồng.

Tuyến đê bao hoàn thành đưa vào sử dụng cho đến nay có các hạng mục công trình cống hư hỏng, xuống cấp: 8 bộ cơ khí của cống tiêu thoát nước bị hư hỏng, không còn sử dụng; 8 bộ cửa van bị sét, rò rỉ, xuống cấp sử dụng ngăn nước lũ không hiệu quả, nước tràn qua cửa van cống gây ngập cục bộ toàn bộ diện tích đất nông nghiệp ven sông Sài Gòn khi hồ Dầu Tiếng xả lũ với lưu lượng Q=300m3/s. Tại vị trí K0+423, K0+700, rạch Bàu Mây tường đầu nứt, mái lát gãy, rỗng dưới mái lát, mất an toàn công trình cống.

Việc duy tu, sửa chữa các hạng mục công trình và gia cố, nâng cấp đường đê bao nằm trong phần diện tích đất công do UBND xã Bến Củi quản lý, không phải thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Ông Nguyễn Phước Đạt, người dân ấp 1 cho biết, tuyến đê bao đang trong tình trạng xuống cấp, không còn khả năng ngăn lũ khi bờ hồ xả lũ, khiến nước tràn qua đất sản xuất nông nghiệp, làm người dân gián đoạn sản xuất, không thu hoạch được mủ cao su, gây thất thu nhiều năm liền.

“Tôi kiến nghị chính quyền địa phương sớm gia cố, nâng cấp đê bao để ngăn lũ, thâm canh tăng vụ trong sản xuất nông nghiệp, bảo đảm mục tiêu của công trình, thuận lợi trong công tác vận hành, bảo dưỡng và phòng, chống thiên tai”- ông Đạt nói.

Ông Trần Thế Dương- cán bộ giao thông, thuỷ lợi xã Bến Củi cho biết, các cống tiêu thoát nước của đê bao không bảo đảm việc ngăn chặn nước, những nắp cống dọc tuyến đê bao không còn phát huy hiệu quả, làm nước rò rỉ vào đất sản xuất của người dân, gây ngập úng cục bộ khiến việc sản xuất nông nghiệp của người dân bị chậm trễ và thất thu.

Trước tình trạng trên, UBND xã kiến nghị với Phòng NN&PTNT huyện Dương Minh Châu khảo sát đưa ra hướng xử lý là sửa chữa thay thế những nắp cống không đạt yêu cầu tiêu thoát nước, bảo đảm chống ngập úng khi hồ Dầu Tiếng xả lũ với lưu lượng 300m3/s và tiêu thoát nước từ cánh đồng ra sông Sài Gòn khi mực nước sông thấp hơn mực nước trong đồng; sửa chữa, thay mới 8 bộ cơ khí của van để bảo đảm ngăn nước xả lũ của hồ Dầu Tiếng, ngăn nước sông Sài Gòn vào ruộng và xả nước từ ruộng ra sông khi mực nước sông thấp hơn mực nước trong đồng.

Sửa chữa, mở rộng mái lát thượng lưu tại các vị trí K0+243, K1+145, K1+700. Gia cố mặt đê bao tại các vị trí K0+000 đến K0+423 và vị trí K0+500 đến K0+975.

Việc đầu tư duy tu, sửa chữa 8 công trình cống tiêu nước chắn lũ trên đê bao và gia cố, nâng cấp đường đê bao sẽ tạo điều kiện cho việc khai thác nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế xã hội vùng dự án và các vùng xung quanh phát triển, góp phần xây dựng nông thôn mới, nâng cao giá trị đất nông nghiệp và mức sống người dân khu vực ấp 1, xã Bến Củi.

Việc điều tiết nước tưới, tiêu đầy đủ và kết hợp với canh tác hợp lý sẽ tạo điều kiện làm tăng độ phì nhiêu của đất, khôi phục lại sự cân bằng sinh thái của môi trường đất, để đất trở thành nơi dự trữ dưỡng khoáng và độ ẩm, giúp cây trồng tăng năng suất, nông dân yên tâm sản xuất. Ngoài ra, còn giải quyết việc làm cho một số lao động tại địa phương.

Sau khi dự án được hình thành, nguồn nước tưới, tiêu được bảo đảm, không còn tình trạng ngập nước khi hồ Dầu Tiếng xả lũ với lưu lượng 300m3/s.

Cống tiêu thoát nước, chắn lũ dọc tuyến đê bao không còn phát huy tác dụng​.

Huyện Bến Cầu: Cần đầu tư dự án đê bao sông Vàm Cỏ

Bến Cầu là một huyện biên giới nằm ở phía Nam sông Vàm Cỏ, địa hình trũng, thấp, nguy cơ ngập lụt hơn 4.000 ha vào mùa mưa từ tháng 8 đến tháng 11 hằng năm (từ Long Chữ đến An Thạnh). Dọc tuyến biên giới, Campuchia đang xây dựng những khu công nghiệp, dẫn tới nước từ thượng nguồn đổ về tăng gấp nhiều lần trước đây; nguy cơ nước thải từ các khu công nghiệp của nước bạn tràn về kênh Đìa Xù, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân là rất lớn.

Ông Lê Đình Hải- người dân ấp B, xã Tiên Thuận cho biết, gia đình có 2 ha đất sản xuất lúa nằm ven sông Vàm Cỏ. Mùa mưa bão, đất ở khu vực này bị ngập cục bộ, người dân nơi đây không sản xuất được lúa vụ Mùa. Mỗi năm người dân chỉ sản xuất được 2 vụ Đông Xuân và Hè Thu. Nhiều năm nay, người dân mong muốn cơ quan chức năng xem xét đầu tư hệ thống đê bao sông Vàm Cỏ để có thể sản xuất lúa mỗi năm 3 vụ, góp phần tăng thu nhập.

Ông Đặng Văn Ngal- Trưởng ấp B cho biết, mỗi năm, từ tháng 8 đến tháng 11, trên địa bàn ấp A và ấp B (xã Tiên Thuận) có 700 ha đất sản xuất nông nghiệp bị ngập cục bộ do mưa bão, khiến người dân không sản xuất được lúa vụ Mùa. Người dân kiến nghị cơ quan chức năng đầu tư hệ thống đê bao ngăn lũ để yên tâm sản xuất lúa, góp phần bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh.

Ông Lê Văn Rang- Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bến Cầu kiến nghị cấp trên quan tâm hỗ trợ địa phương thực hiện dự án Đê bao sông Vàm Cỏ gắn với du lịch sinh thái, làm bờ kè kênh Đìa Xù gắn với phát triển đô thị Mộc Bài, nạo vét 3 tuyến rạch chính... góp phần thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn huyện, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Nhi Trần

(còn tiếp)

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh