Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Phát huy giá trị di sản văn hoá gắn với phát triển du lịch
Bài 1: Di sản văn hoá - điểm nhấn trong du lịch Tây Ninh
Thứ hai: 04:31 ngày 26/08/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngoài hệ thống di tích dày đặc, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 9 di sản văn hoá phi vật thể được Bộ VH,TT&DL đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia...

Tây Ninh có nhiều di tích lịch sử - văn hoá và danh lam thắng cảnh, hệ thống di tích địa phương thể hiện cội nguồn; phản ánh quá trình khai hoang, lập ấp; phong tục tập quán, truyền thống của người dân, với nhiều giá trị lịch sử quan trọng.  Vì vậy, công tác xây dựng, nâng cấp, trùng tu các di tích lịch sử- văn hoá trên địa bàn tỉnh luôn được chú trọng và đang từng bước kết hợp phát triển du lịch.

Tây Ninh là nơi hội tụ, giao thoa của nhiều bản sắc văn hoá, với 22 dân tộc sinh sống như: Khmer, Chăm, Hoa, S’tiêng, Mường, Tày, Thái, Nùng, Dao, H’mông... định cư phân bố trên khắp các huyện, thị xã, thành phố. Tây Ninh còn là cái nôi cách mạng miền Nam, có bề dày lịch sử truyền thống hào hùng, cùng sự đa dạng về tôn giáo, văn hoá, tín ngưỡng đã tạo nên một bản sắc văn hoá đặc sắc với nhiều hoạt động lễ hội truyền thống, dân gian, tôn giáo - tín ngưỡng...

Bảo tồn, phát huy giá trị các di sản

Tây Ninh có 96 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 27 di tích quốc gia và 68 di tích cấp tỉnh được phân bố ở 9 huyện, thị xã, thành phố. Bên cạnh những khu du lịch nổi tiếng của tỉnh như núi Bà Đen, Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam… hệ thống các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh có vai trò quan trọng và trở thành điểm đến, kết hợp trình diễn các loại hình di sản văn hoá phi vật thể để tạo thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang đậm nét đặc trưng của địa phương.

Đoàn công tác hai tỉnh Bắc Giang - Tây Ninh chụp ảnh lưu niệm tại đỉnh núi Bà Đen nhân sự kiện trao đổi kinh nghiệm phát triển du lịch giữa 2 tỉnh.

Ông Nguyễn Nam Giang- Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, thời gian qua, các cấp, các ngành luôn chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng các lễ hội truyền thống như: Hội Xuân núi Bà Đen, Hội thề Rừng Rong, lễ hội động Kim Quang, Hội yến Diêu Trì cung, Đại lễ Vía Đức Chí Tôn, Vía Bà, lễ hội Quan lớn Trà Vong, lễ Kỳ yên tại các đình, dinh ông; các nhạc lễ, trò lễ… gắn với việc tổ chức thường xuyên, định kỳ các sự kiện thương mại, dịch vụ, ẩm thực - văn hoá; đẩy mạnh việc bảo tồn kết hợp khai thác hiệu quả các bản sắc văn hoá, lễ hội độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số, các giá trị văn hoá tích cực trong tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh làm phong phú sản phẩm du lịch, hướng đến hình thành thương hiệu đặc trưng của du lịch Tây Ninh.

Ngoài hệ thống di tích dày đặc, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 9 di sản văn hoá phi vật thể được Bộ VH,TT&DL đưa vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia gồm: Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ; Lễ hội Kỳ yên đình Gia Lộc - Trảng Bàng; Nghệ thuật trình diễn dân gian múa trống Chhay-dăm; Nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng; Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu - núi Bà Đen, thành phố Tây Ninh; Lễ hội Quan lớn Trà Vong; Nghệ thuật chế biến món ăn chay; Nghề làm muối ớt Tây Ninh; Nghề thủ công truyền thống làm nhang Tây Ninh (vừa được công nhận vào ngày 9.8 vừa qua). Trong đó, Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ được UNESCO vinh danh Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đoàn du khách nước ngoài tham quan Toà thánh Cao Đài Tây Ninh.

Theo nhà nghiên cứu Phí Thành Phát- Chi hội phó Chi hội Văn nghệ dân gian (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh), nghề thủ công truyền thống làm nhang Tây Ninh vừa được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, tuy nhiên, nghề này phân bố ở nhiều huyện, thị, thành phố và chủ yếu làm theo hộ gia đình, cơ sở nhỏ. Nếu được, các cơ sở làm nhang nên phát triển thành làng nghề truyền thống để tạo việc làm cho nhiều người, tăng chất lượng sản phẩm và gầy dựng thương hiệu, tạo nguồn ra ổn định, duy trì lâu dài làng nghề.

Bên cạnh đó, địa phương, cơ sở sản xuất cũng cần tăng cường việc quảng bá, truyền thông về di sản; phát triển các điểm làm nhang thành điểm du lịch để mọi người đến tham quan, trải nghiệm. Đặc biệt là rất cần sự quan tâm của các cơ quan, ban, ngành, tạo điều kiện để nghệ nhân phát triển sản xuất, có thể sống được bằng nghề, qua đó gìn giữ và phát triển nghề làm nhang truyền thống ở Tây Ninh.

Đẩy mạnh khai thác những tiềm năng

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hoá nhằm giáo dục truyền thống, giữ gìn bản sắc dân tộc gắn với phát triển du lịch được Tây Ninh chú trọng và triển khai thực hiện có hiệu quả. Trên cơ sở đó, tỉnh xác định các điểm tham quan trọng điểm, có vai trò kết nối, lan toả để đưa ra cách thức thực hiện, tập trung quảng bá, khai thác có hiệu quả các giá trị, các yếu tố văn hoá, lịch sử… bước đầu định hình và hướng tới khẳng định thương hiệu du lịch điểm đến Tây Ninh trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Biểu diễn múa trống Chhay-dăm phục vụ du khách trong sự kiện Ngày Tây Ninh tại Hà Nội năm 2023.

Chị Trần Thị Bích Loan- du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Theo tôi cảm nhận, Tây Ninh từ khi thay đổi từ thị xã lên thành phố đã phát triển về mọi mặt, đặc biệt là du lịch. Có nhiều địa điểm để du khách lựa chọn tham quan như núi Bà Đen, Toà thánh Cao Đài, chùa Thiền Lâm - Gò Kén… Tôi chọn du lịch Tây Ninh bởi nơi đây thuận tiện di chuyển, theo lịch trình tôi cùng nhóm bạn sẽ ghé Khu du lịch Long Điền Sơn và kết thúc hành trình bằng một số món ăn đặc sản của Tây Ninh”.

Theo kế hoạch quảng bá điểm đến du lịch tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2023-2025, tỉnh xác định 4 điểm tham quan trọng điểm, gồm: Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh núi Bà Đen; Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt - Căn cứ Trung ương Cục miền Nam; Toà thánh Cao Đài Tây Ninh; hồ Dầu Tiếng và 13 điểm tham quan với vai trò kết nối, lan toả: Vườn di sản ASEAN - Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát; Căn cứ kháng chiến động Kim Quang; Di tích lịch sử Căn cứ Dương Minh Châu; Di tích lịch sử Địa điểm lưu niệm chiến thắng Junction City; Di tích kiến trúc nghệ thuật tháp Chót Mạt…

Có mặt tại Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, anh Phạm Đức Long, ngụ tỉnh Bình Phước vui vẻ nói: “Hằng năm, tôi và gia đình tổ chức tham quan Tây Ninh 2 lần vào đầu năm mới và dịp lễ Vu lan, với hy vọng cầu bình an, may mắn, sức khoẻ cho những người thân trong gia đình. Tôi nhận thấy Tây Ninh đang phát triển nhiều địa điểm du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch tâm linh”.

Thời gian gần đây, Sở VH,TT&DL đã tổ chức các đoàn khảo sát điểm đến du lịch trên địa bàn Tây Ninh, nhằm quảng bá, giới thiệu, gắn kết các điểm đến du lịch này, từ đó hình thành chương trình, tuyến du lịch mới độc đáo, khác biệt so với các tỉnh trong vùng. Qua đó mang lại những tín hiệu tích cực, kích cầu du lịch nội địa, thu hút lượng lớn khách du lịch ngoài tỉnh đến với Tây Ninh.

Thời gian tới, Tây Ninh tiếp tục xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với việc phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, thông qua du lịch, đẩy mạnh việc đầu tư, tôn tạo hệ thống các di tích, các công trình kiến trúc nghệ thuật của tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các di tích cũng gặp phải không ít khó khăn, bất cập…

Hoàng Yến - Nhi Trần

(còn tiếp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục